Liên Nhục
Liên nhục là hạt của cây sen. Dược liệu này có vị ngọt, bùi, tính bình, tác dụng an thần, dưỡng tâm, tỳ, thận, cố tinh, sinh dưỡng cơ nhục. Được dùng trong các bài thuốc và món ăn để trị chứng biếng ăn, xuất tinh sớm, thân thể suy nhược, tiêu hóa kém, trị hồi hộp, bứt rứt, mộng mị và khó ngủ.
1. Tên gọi, phân nhóm
Tên gọi khác: Hạt sen, liên tử
Tên khoa học: Semen Nelumbinis
Phân nhóm: Họ Sen (danh pháp khoa học: Nelumbonaceae)
2. Đặc điểm sinh thái
Mô tả:
Cây sen là cây mọc dưới nước, phiến lá to, đường kính khoảng 60 – 70cm. Mặt lá có các gân tỏa tròn, phiến lá màu xanh, sờ vào thấy mịn.
Hoa sen có mùi thơm, cánh màu trắng hoặc màu đỏ hồng. Đài sen có màu vàng, khi già chuyển thành màu xanh đậm, hạt nằm trong đài.
Phân bố:
Sen phân bố ở nhiều quốc gia khác nhau như Malaysia, Việt Nam và các nước Châu Á khác.
3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản
Bộ phận dùng: Liên nhục (hạt sen).
Thu hái: Thu hái vào tháng 7 – 9.
Chế biến: Đem bỏ vỏ và chồi mầm, chỉ dùng phần trắng bên trong hạt. Có thể dùng tươi hoặc phơi khô/ sao vàng dùng dần.
Bào chế:
+Bỏ vỏ đen bên ngoài rồi ngâm trong nước cho mềm. Tiếp tục bóc vỏ tím xanh và đỏ bên trong, đồ chín sau đó phơi khô (theo Bản Thảo Cương Mục).
+Bỏ vỏ tím xanh bên ngoài, sao vàng dùng dần (theo kinh nghiệm dân gian Việt Nam).
Bảo quản: Nơi khô thoáng.
4. Thành phần hóa học
Liên nhục có chứa khoảng 60% tinh bột, 1% chất đạm, 2% chất béo, 0.0064% sắt, 0.285% phốt pho, 0.089% canxi, đường raffinose, liensinine, dimethyl coclaurine, lotusine, isoliensinine,…
5. Tác dụng dược lý
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
+Tác dụng cường tim, an thần, hạ huyết áp.
+Alkaloid trong dược liệu có tác dụng tăng cường tim.
+Thành phần Liensinine có tác dụng đối kháng với calci nhằm ổn định nhịp tim.
+Tác dụng phòng chống hình thành khối u và chống lão hóa.
Theo y học cổ truyền:
+Công dụng ích tỳ sáp trường, sinh dưỡng cơ nhục, bổ tâm an thần, cố tinh, dưỡng tỳ, thận.
+Chủ trị chứng tâm phiền, người suy nhược, gầy yếu, tâm tỳ hư, dễ mất ngủ, tiêu chảy kéo dài, cơ bắp teo nhão.
+Trị biếng ăn, xuất tinh sớm, tiêu hóa kém, trị hồi hộp, bứt rứt, mộng mị và khó ngủ.
6. Tính vị
Vị ngọt, bùi, tính bình.
7. Qui kinh
Qui vào kinh Tâm, Thận và Tỳ.
8. Liều dùng, cách dùng
Hạt sen là dược liệu không có độc, tính bình nên có thể dùng liều lượng nhiều trong thời gian dài. Dược liệu được dùng ở dạng sắc uống hoặc dùng trong chế biến món ăn để cải thiện sức khỏe.
9. Liên Nhục có tác dụng gì?
Với tác dụng an thần, dưỡng thận, tỳ và tâm, hạt sen được sử dụng trong nhiều bài thuốc và món ăn giúp chữa các vấn đề sức khỏe thường gặp:
- Bài thuốc chữa di niệu, di tinh và hoạt tinh: Dùng liên tu 1kg, khiếm thực 0.5kg, sừng nai 2kg, liên nhục 2kg, kim anh 0.5kg, hoài sơn 2kg. Đem các vị tán thành bột mịn, riêng kim anh nấu thành cao và vo thành viên. Mỗi ngày dùng 10 – 20g cho đến khi khỏi.
- Bài thuốc trị tiêu chảy mãn tính: Dùng hoàng liên 5g, liên nhục và đảng sâm mỗi thứ 12g. Đem các vị sắc uống hoặc tán bột mịn. Nếu dùng dạng bột, mỗi ngày chỉ nên dùng 10g.
- Bài thuốc trị chán ăn do suy nhược: Dùng 1 bao tử heo và hạt sen 100g. Đem bao tử rửa sạch, thái lát và cho vào nồi. Đổ 1 lượng nước vừa đủ, thêm hạt sen và tiềm cách thủy. Dùng cách ngày để bồi bổ thể trạng và nâng cao sức khỏe.
- Bài thuốc trị đau tim, mất ngủ và hồi hộp: Dùng 1 tim heo, hạt sen 60g với phòng đảng sâm 40g. Đem rửa sạch và thái mỏng tim heo. Bỏ tâm sen và vỏ bên ngoài, chỉ dùng hạt sen trắng. Phòng đảng sâm đem rửa với rượu, thái khúc vừa phải. Đem nguyên liệu cho vào nồi, thêm 6 chén nước nấu sôi trong 10 phút. Giảm nhỏ lửa và nấu tiếp 2 giờ, sau đó múc ra ăn cả nước lẫn cái.
- Bài thuốc trị giun kim: Dùng hạt hướng dương 30g, hạt sen 50g, hạt cau 12g, hạt bí đỏ (bỏ vỏ) 30g với đường phèn 20g. Đem các hạt xay nhuyễn, cho vào 250ml nước. Đun cho chín rồi thêm đường phèn vào, chia thành 3 lần và dùng hết trong này. Ăn trong 5 ngày để đẩy giun ra.
- Bài thuốc trị người lớn suy nhược và trẻ con biếng ăn: Dùng trần bì 12g, hạt sen 100g, mầm lúa 30g, đậu ván trắng 10g. Đem các vị sao qua, tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng 10g uống cùng nước cơm, ngày dùng 3 lần.
- Bài thuốc giúp ăn ngủ tốt: Dùng hạt sen 300g, cúc hoa 400g và nhụy sen 400g. Đem hạt sen ngâm nước nóng, bỏ tim và bóc vỏ bên ngoài, rồi sấy khô và sao vàng. Nhụy sen và cúc hoa đem sấy khô. Đem các vị sao vàng cho thơm, để nguội và cất dùng dần. Mỗi lần dùng 1 lượng vừa đủ hãm uống như trà.
- Cháo hạt sen giúp ăn thần: Dùng gạo 200g, phục linh 100g và hạt sen 200g. Đem các vị xay bột mịn, thêm nước vào nấu chè, thêm đường khi chè sôi.
- Bài thuốc tư âm dưỡng tâm: Dùng bách hợp 30g, liên nhục 15g và mạch môn đông 12, đem sắc uống.
- Bài thuốc trị tim đập hồi họp, mắt hoa, đầu choáng: Dùng liên nhục, phục thần, đảng sâm, táo nhân, viễn chí, hoàng kỳ mỗi thứ 12g, trần bì 6g, cam thảo 4g, đem sắc uống.
- Chè hạt sen giúp nhu nhuận da, bổ huyết, an thần: Dùng 300g long nhãn (chỉ bóc lấy cùi), 100g hạt sen tươi và đường cát 400g. Đem nấu chè ăn, ăn khi trời nóng và người mệt mỏi, thiếu sức sống.
- Canh hạt sen giúp bồi bổ sức khỏe: Dùng hạt sen 100g, 2 củ sen, đại táo 200g và một ít đường. Rửa ngó sen, thái hạt lựu, hạt sen ngâm nước cho mềm. Bỏ ngó sen, hạt sen và đại táo vào nồi, cho thêm nước. Đun sôi với lửa nhỏ trong 1 giờ 30 phút, thêm đường vào ăn.
- Hạt sen hầm long nhãn giúp thanh nhiệt và cải thiện sức khỏe: Dùng táo tàu 5 – 6 quả, long nhãn và hạt sen 30g, 1 ít đường phèn. Đem hạt ngâm cho nở, bỏ tim. Sau đó cho long nhãn, táo tàu và hạt sen vào hầm, thêm đường phèn khi hạt sen mềm.
- Cháo hạt sen giúp trị tiêu lỏng và cơ thể suy nhược: Dùng gạo tẻ 150g với hạt sen 30g, nấu cháo ăn có thể thêm đường hoặc muối.
10. Lưu ý
+Người đang bị táo bón hoặc táo bón mãn tính không nên sử dụng.
Liên nhục được sử dụng phổ biến trong nhiều bài thuốc chữa bệnh và món ăn bồi bổ sức khỏe. Tuy nhiên bạn cần xem xét tác dụng chữa bệnh và tính hiệu quả của bài thuốc trước khi thực hiện.
Để đặt vị thuốc theo định lượng cụ thể, quý khách vui lòng liên hệ 0968951159
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.