Tên Huyệt:
Liệt = tách ra. Khuyết = chỗ lõm. Huyệt ở trên cổ tay, nơi có chỗ lõm. Huyệt là Lạc huyệt của kinh Phế, từ chỗ này có 1 nhánh tách ra để nối với kinh Đại Trường, vì vậy, gọi là Liệt Khuyết (Trung Y Cương Mục) .
Tên Khác:
Đồng Huyền, Uyển Lao.
Xuất Xứ:
Thiên ‘Kinh Mạch’ (L.Khu 10).
Đặc Tính:
+ Huyệt thứ 7 của kinh Phế.
+ Huyệt Lạc, nơi phát xuất Lạc dọc, Lạc ngang.
+ Huyệt Giao hội với Nhâm Mạch.
+ 1 trong Lục Tổng Huyệt trị đau vùng đầu, gáy (Càn Khôn Sinh Ý).
Vị Trí:
Dưới đầu xương quay nối với thân xương, cách lằn chỉ ngang cổ tay 1, 5 thốn. Hoặc chéo 2 ngón tay trỏ và ngón tay cái cu?a 2 bàn tay với nhau, huyệt ở chỗ lõm ngay dưới đầu ngón tay trỏ.
Giải Phẫu:
Dưới da là bờ trong – trước của gân cơ ngửa dài, cơ gấp dài ngón cái, chỗ bám của cơ sấp vuông vào xương quay.
Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh giữa.
Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C6.
Tác Dụng:
Tuyên Phế, khu phong, thông điều Nhâm Mạch.
Chủ Trị:
Trị cổ tay đau sưng, đầu đau, cổ gáy cứng, ho, suyễn, liệt mặt.
Châm Cứu:
Châm xiên, hướng mũi kim vào khớp cùi chỏ, sâu 0, 5 – 1 thốn, Ôn cứu 5 – 10 phút.
Tham Khảo:
(“Trẻ nhỏ bị kinh phong, mắt trợn ngược: Liệt Khuyết chủ trị, đồng thời chọn huyệt Lạc của kinh Dương minh” (Giáp Ất Kinh).
(“ Kinh Dương Minh Đại Trường chạy dọc theo lỗ mũi, mặt đau, răng đau, má sưng, mắt vàng, miệng khô, mũi chảy nước, mũi chảy máu, họng sưng đau, phía trước vai đau chịu không nổi. Châm huyệt Hợp Cốc + Liệt Khuyết” (Thập Nhị Kinh Trị Chứng Chủ Khách Nguyên Lạc Quyết).
(“Liệt Khuyết phối hợp Hợp Cốc là theo phương pháp ‘Phối Hợp Nguyên – Lạc’, ‘Phối Hợp Chủ – Khách’, lấy phối hợp theo Tạng Phủ, Kinh Lạc. Dùng phép tả 2 huyệt này, thường để trị ngoại cảm biểu chứng [phong hàn, phong nhiệt nhập Phế hoặc bệnh ở Phế vệ] (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).