Bạch Tử
Dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh. Cây Ô đầu chưa thấy trồng ở nước ta, ở Trung Quốc được trồng nhiều nơi mà chất lượng tốt nhất là cây mọc ở vùng Tứ Xuyên.
Tính vị qui kinh:
Tính vị cay, nóng, có độc. Qui kinh Tâm, Thận, Tỳ.
Theo các sách cổ:
- Sách Bản kinh: vị cay ôn.
- Sách Danh y biệt lục: ngọt đại nhiệt, đại độc.
- Sách Thang dịch bản thảo: nhập Tam tiêu, Mệnh môn.
- Sách Bản thảo tái tân: nhập Tâm, Can, Thận.
Thành phần chủ yếu:
Hypaconitine, Aconitine, Mesaconitine, Talatisamine, Chuan-wu-base A, Chuan-wu-base B.
Tác dụng dược lý:
A.Theo Y học cổ truyền:
Phụ tử có tác dụng hồi dương cứu nghịch, bổ hỏa trợ dương, ôn kinh, tán hàn, trừ thấp chỉ thống, thông kinh lạc.
Chủ trị các chứng: vong dương, dương hư, hàn tý, âm thư.
Trích đọan Y văn cổ:
- Sách Bản kinh: ” chủ trị chứng ho khí nghịch do phong hàn, thuốc có tác dụng ôn trung, trị chứng kim sang (ung nhọt). Trị các chứng trưng hà, tích tụ, do hàn thấp làm chân gối co đau không đi lại được”.
- Sách Danh y biệt lục: : “trị chân đau lạnh yếu, cột sống lưng phong hàn, bụng đau lạnh (tâm phúc lãnh thống) chứng dịch tả co giật tay chân (hoắc loạn chuyển cân), xích bạch lî. Thuốc có tác dụng kiện gân cốt, cường âm”.
- Sách Bản thảo cương mục: ” trường hợp khí hư nhiệt nặng, nên hạn chế dùng Phụ tử cùng với Sâm Kỳ. Trường hợp người mập nhiều thấp nên hạn chế dùng Ô Phụ để hành kinh”.
- Sách Cảnh nhạc toàn thư: ” Phụ tử do nhập nhiều kinh nên có công dụng như rượu, có thể trừ hàn nặng ở biểu và ở lý, trị chứng quyết nghịch cấm khẩu, tác dụng ôn trung cường âm, làm ấm ngũ tạng, hồi dương khí, trị cách dương hầu tý (đau họng do lạnh), đại tiện không thông do dương hư và phụ nhân kinh hàn bất điều ( kinh nguyệt không đều do hàn), trị trẻ em mạn kinh phong. Phụ tử dùng nhiều dẫn hỏa qui nguyên, nếu mạch tế vô thần, khí hư vô nhiệt ( chân tay lạnh ngắt) cần dùng cấp cứu”.
- Sách Y học Trung tham tây lục: ” Phụ tử, vị cay, tính đại nhiệt, là chủ dược bổ nguyên dương, lực có thể thăng giáng, vào trong tán ngoài, cho nên phàm chứng hàn ngưng lạnh kết ở tạng phủ hay gân cốt chứng tý ở kinh lạc hay huyết mạch thuốc đều khai thông được”.
B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Nước sắc Phụ tử liều nhỏ làm tăng huyết áp động vật được gây mê, với liều lượng lớn, lúc đầu làm hạ sau làm tăng, tăng lực co bóp cơ tim , tác dụng cường tim rõ, tăng lưu lượng máu của động mạch đùi và làm giảm lực cản của động mạch, làm tăng nhẹ lưu lượng máu của động mạch vành và lực cản. Thành phần cường tim của Phụ tử là phần hòa tan nước. Độc tính của phần hòa tan trong cồn là rất cao so với phần hòa tan trong nước.
- Tác dụng kháng viêm: thuốc sắc Phụ tử cho súc vật gây viêm khớp uống hoặc chích màng bụng đều có tác dụng chống viêm.
- Tác dụng nội tiết: thuốc có tác dụng làm giảm lượng Vitamin C ở vỏ tuyến thượng thận chuột đồng. Một số thí nghiệm trên súc vật chứng tỏ nước thuốc làm tăng tiết vỏ tuyến thượng thận và tăng chuyển hóa đường, mỡ và protein, nhưng trên một số thí nghiệm khác thì tác dụng này chưa rõ.
- Tác dụng lên hệ thần kinh trung ương: acotinine với liều 0,1 – 0,2mg/kg có tác dụng làm giảm phản xạ có điều kiện và không điều kiện và làm giảm nồng độ ammoniac ở não.
- Thuốc có tác dụng làm tăng miễn dịch cơ thể.
Ứng dụng lâm sàng:
Dùng độc vị Phụ tử để trị bệnh rất ít có báo cáo, Y học thường dùng Phụ tử trong các bài thuốc trị các chứng bệnh như sau:
1.Trị các chứng tâm thận dương hư: chứng thổ tả, nôn, ra mồ hôi nhiều, chân tay lạnh, mạch nhỏ khó bắt, dùng các bài sau để cấp cứu:
- Tứ nghịch thang (Thương hàn luận): Thục phụ tử 12g, Can khương 10g, Chích thảo 4g, sắc uống.
- Sâm phụ thang (Phụ nhân lương phương): Nhân sâm 8 – 16g, Thục phụ tử 4 – 12g, hai thứ sắc riêng trộn uống. Bài thuốc có tác dụng hồi dương, ích khí cố thóat, dùng cho tất cả các trường hợp bệnh lý do mất máu hoặc mất nước, nguyên khí suy thoái, chân tay lạnh, huyết áp hạ, mạch yếu khó bắt.
2.Trị các chứng viêm thận mạn, thận hư nhiễm mỡ: phù chân tay lạnh, biểu hiện tỳ thận dương suy, theo báo cáo có nhiều trường hợp có kết quả, thường dùng các bài:
- Chân vũ thang (Thương hàn luận): Thục phụ tử 8 – 12g, Bạch linh 12g, Bạch truật 8 – 12g, Bạch thược 8 – 16g, Sinh khương 8 – 12g, sắc nước uống, phù nhiều gia thêm Ngũ linh tán (Bạch linh, Bạch truật, Trư linh, Trạch tả, Quế chi); nếu có cổ trướng gia bài Ngũ bì ẩm (Đại phúc bì, Trần bì, Sinh khương bì, Tang bạch bì, Bạch linh bì).
- Bát vị hoàn (Kim quỉ yếu lược): Thục phụ tử 12g, Nhục quế 4g, Thục địa, Sơn dược đều 16g, Sơn thù, Phục linh, Đơn bì, Trạch tả đều 12g, tán bột mịn luyện mật làm hoàn hoặc tùy chứng gia giảm sắc uống.
3.Trị chứng đau nhức: chân tay mình mẩy thuộc chứng phong hàn thấp tý, dùng các bài:
- Quế chi phụ tử thang (Kim quỉ yếu lược): Quế chi 8 – 10g, Thục phụ tử 4 – 10g, Sinh khương 8 – 12g, Chích thảo 4 – 8g, Đại táo 2 – 5 quả, sắc uống.
- Phụ tử thang (Thương hàn luận): Thục phụ tử, Bạch linh, Đảng sâm, Bạch truật, Thược dược đều 10g, sắc uống (Phụ tử nên sắc trước 30 phút).
Liều lượng thường dùng và chú ý:
- Liều thường dùng cho thuốc thang là 3 – 15g. Phụ tử nên sắc trước từ 30 – 60 phút. Liều Phụ tử nhiều ít là khác nhau rất lớn, tùy thuộc vào các yếu tố:
+ Cơ địa: mỗi ngưiời đáp ứng đối với thuốc có khác: theo Y văn, có người dùng Phụ tử trên 100g không sao, có người dùng liều nhỏ đã có triệu chứng nhiễm độc, tốt nhất nên dùng liều nhỏ bắt đầu.
+ Địa phương, tập quán khác nhau: theo báo cáo của Trung quốc người dân Tứ xuyên thường dùng Phụ tử nấu với thịt để ăn thì đối với dân xứ này có thể dùng liều cao. Theo các học giả Trung quốc thì alcaloit của cây Ô đầu được sắc lâu độc tính chỉ bằng 1/2000 – 1/4000 của Ô đầu sống.
- Chú ý lúc dùng Phụ tử:
- Không dùng đối với trường hợp âm hư dương thịnh, chân nhiệt giả hàn và phụ nữ có thai (vì Phụ tử cay nóng có độc như sách Danh y biệt lục ghi: ” là loại thuốc mạnh hàng đầu có thể gây trụy thai”.
- Triệu chứng nhiễm độc Phụ tử thường thấy: chảy nước miếng, buồn nôn, nôn, mồm khô, tiêu chảy, hoa mắt, chóng mặt, chân tay và mình mẩy có cảm giác tê, mạch chậm, khó thở, chân tay co giật, bất tỉnh, tiêu tiểu mất tự chủ, huyết áp và nhiệt độ đều hạ thấp, rối loạn nhịp tim.Trên lâm sàng dùng Atropin liều cao để làm giảm triệu chứng, hồi phục điện tâm đồ. Trên súc vật thí nghiệm, Lidocain làm giảm tỷ lệ tử vong do nhiễm độc Phụ tử. Thuốc cổ truyền dùng Cam thảo, Gừng khô, Đậu xanh làm giảm độc tính.
- Phụ tử thường dùng cùng với các vị thuốc làm ấm cơ thể như: Nhục quế, Can khương, Cam thảo, Bạch truật, Nhân sâm, Hoàng kỳ để ôn dương ích khí, đồng thời có thể dùng với thuốc hàn lương như: Đại hoàng để ôn hạ dùng trong trường hợp táo bón do hư hàn, dùng với Nhân trần để trị chứng âm hoàng do hàn thấp.
Phụ chú:
Ô đầu (Radix Aconiti) còn gọi Xuyên ô, Thảo ô là rễ củ mẹ của cây Ô đầu. Tính vị qui kinh cùng tác dụng gần như nhau. Phụ tử mạnh về trừ hàn, Ô đầu mạnh về trừ phong. Cho nên với mục đích ôn thận tráng dương thường dùng Phụ tử, còn với mục đích trị chứng đau khớp, trừ phong hàn thấp thường dùng Ô đầu.
Hai vị thuốc đều rất độc nên phải bào chế mới dùng và sắc lâu.
Theo các sách cổ thì Ô đầu phản Bán hạ, Qua lâu, Bối mẫu, Bạch liễm, Bạch cập, Tê giác.
Lúc nhiễm độc Ô đầu có thể giải độc bằng bài thuốc: Kim ngân hoa, Đậu xanh mỗi thứ 80g, Cam thảo, Gừng tươi mỗi thứ 20g, sắc uống với đường.
Liều thường dùng của Ô đầu, Xuyên ô: 1,5 – 4,5g. Thảo ô: 1,5 – 3,0g. Dùng đều phải được bào chế và sắc trước 30 – 60 phút.
Mua vị thuốc Bạch Tử
Mua vị thuốc theo định lượng cụ thể, quý khách vui lòng đặt mua trên trang Thuốc Hay. Top hoặc liên hệ 0968951159
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.