Chứng trạng rối loạn tiền đình (Huyễn vựng) có nhiều nguyên nhân trong đó có do khí hư mà sinh ra. Chứng hư gây nên “Huyễn vựng” có nhiều, nên trong khi trị liệu cần lấy bổ hư làm chính yếu, thận âm hư thì bổ thận âm, thận dương hư thì bổ thận dương, can cũng vậy. Khí hư thì bổ khí, huyết hư thì bổ huyết v.v… can hư hỏa bốc thì phải bổ can, can hỏa xí thịnh thì phải bình can tả can.
1- Chính nguyên đan
a- Công dụng
– Trị mệnh môn hỏa suy, không có thể sinh ra thổ, nôn ỉa, chân tay lạnh, lúc có âm hỏa xung lên thì đầu mặt nóng đỏ “Huyễn vựng” buồn nôn, hoặc khí đục ngược lên đầy tức nên ngực sườn đau chói, vùng bụng chướng đầy.
b- Bài thuốc
Nhân sâm 3 lạng (dùng Phụ tử 1 lạng nấu nước ngâm vào, rồi bỏ Phụ tử), Hoàng kỳ 1,5 lạng (dùng Xuyên khung nấu nước ngâm vào rồi bỏ Xuyên khung), Hoài sơn 1 lạng (dùng Can khương 3 đồng cân đun rồi ngâm vào, bỏ Can khương), Bạch truật 2 lạng (nấu vỏ quít ngâm bỏ vỏ quít), Cam thảo 1,5 lạng (dùng Ô dược nấu nước ngâm, bỏ ô dược), phục linh 2 lạng (dùng Quế 6 đồng cân sắc nước ngâm, bỏ Quế), Trừ phục linh ra còn tất cả đều dùng lửa vừa phải đun cho khô, chớ để tổn hại tính thuốc, tán bột. Mỗi lần uống 3 đồng cân, nước trong 1 chén, thêm gừng tươi 3 lát, táo đỏ 1 quả, sắc vài lần sôi cho chút ít muối, uống cả bã, uống rồi uống một ngụm rượu nóng giúp thêm sức cho thuốc.
2. Thang kỷ cúc địa hoàng.
a- Công dụng:
Trị can thận không đủ, đầu quay cuồng, mờ mịt, mắt hoa, thị lực giảm sút, bệnh cao huyết áp có chứng âm hư dương cang thịnh, phương này tức là “thang lục vị địa hoàng” gia thêm Câu kỷ tử, Bạch cúc hoa đều 10 gam.
b- Bài thuốc:
Thục địa | 32g | Sơn dược | 16g |
Sơn thù | 16g | Mẫu đơn bì | 12g |
Trạch tả | 12g | Bạch linh | 12g |
kỷ tử | 10g | Bạch cúc hoa | 10g. |
3- Tả qui hoàn
a- Công dụng:
Bổ can thận, ích tinh huyết. Chữa bệnh lâu ngày quá suy hoặc sau khi bệnh nặng vừa khỏi, người già can thận tinh máu hư tổn, hình thể gầy róc, eo lưng đầu gối mềm yếu đau đớn, “Huyễn vựng”, di tinh.
b- Bài thuốc:
Thục địa 8 lạng, Sơn dược 4 lạng, Sơn thù du 4 lạng, Thỏ ty tử 4 lạng, Câu kỷ tử 4 lạng. Ngưu tất tốt 3 lạng, Lộc giác giao (keo sừng Hươu) 4 lạng, Qui bản giao (Keo mai rùa) 4 lạng, Viên với mật, mỗi lần uống 1-2 đồng cân, ngày uống 1-2 lần, nước muối nhạt đưa thuốc – cũng có thể đổi làm thang cho liều lượng vừa phải sắc uống.
c- Phương giải.
Phương này vốn là từ bài “Lục vị địa hoàng hoàn” mà hóa sinh ra, không dùng Đơn bì mát máu tả hỏa nữa, không dùng Bạch linh thảm đạm lợi thủy nữa, mà dùng Thỏ ty tử, Câu kỷ tử để bổ tinh huyết, ngưu tất tốt để mạnh gân cốt. Cho nên phương này tác dụng bổ ích can thận mạnh hơn “Lục vị địa hoàng hoàn” nhiều, người xưa cho rằng: Bài lục vị là mạnh thủy để chế bớt hỏa, bài tả qui là nuôi âm để nâng đỡ dương. Phương này là một phương pháp “tinh không đủ thì dùng vị mà bổ”. Dùng chữa người can thận tinh huyết hư tổn mà sinh ra nóng bên trong, máu nồng, hỏa vượng mà ăn uống vẫn tạm bình thường là thích nghi.
4. Thủ trung hoàn
a- Công dụng.
Trị bệnh chứng đầu xây xẩm quay cuồng, mắt hoa, đi đứng loạng choạng.
b- Bài thuốc:
Nhân sâm, Bạch truật, Cam cúc hoa, Câu kỷ tử, Sơn dược, đều 2 lạng. Bạch linh (bỏ vỏ) 10 lạng, Mạch môn đông (bỏ lõi) 3 lạng. Sinh địa hoàng 12 cân (nấu lấy nước).
c- Cách chế:
Nghiền nhỏ, trước dùng nước sinh địa đun trong nồi bạc cho dấm 3 lạng, đường trắng 3 lạng cùng đun, dần dần đặc lại hơn 5 thăng, đem bột thuốc trên sao qua cho dần vào, đảo đều nhiều lần đun nhỏ lửa tới cạn, viên to như hạt ngô đồng ngày xưa các cụ thường chọn ngày giáp tý, hoặc ngày vượng tướng của 4 mùa mới viên lại.
d- Cách dùng:
Mỗi lần uống 50 viên, lúc đói bụng, rượu ấm điều uống, sau 100 ngày uống thì 5 tạng đầy đủ, cơ phu trơn nhuận, da dẻ đẹp đẽ.
5- Lục vị địa hoàng hoàn = lục vị hoàn (tiêu nhi dược chứng trực quyết)
a- Công dụng:
Tư dưỡng bồi bổ chân âm của can thận.
b- Chứng thích ứng:
Các loại bệnh mạn tính, mà trong quá trình xuất hiện chứng can thận không đủ, thận âm thiếu thốn, eo lưng đầu gối yếu đau, Huyễn vựng, tai ù, di tinh, đái đường cùng với trẻ em phát triển cơ thể không tốt – Trên lâm sàng đối với chứng cảm nhiễm đường niệu mạn tính, bệnh đái đường, bệnh cao huyết áp, cùng với thần kinh suy nhược mà biểu hiện chứng hậu can thận âm hư phần nhiều dùng phương này làm cơ sở thêm bớt ứng dùng.
c- Bài thuốc:
Thục địa hoàng 8 lạng. Sơn thù du 4 lạng. Hoài sơn 4 lạng. Trạch tả 3 lạng, Đan bì 3 lạng, Phục linh 3 lạng.
d- Cách dùng:
Nếu là viên mỗi ngày uống từ 2 đến 4 đồng cân chia 2 lần, nước muối điều uống – có thể dùng liều lượng thích hợp cho làm thuốc thang sắc uống.
e- Ý nghĩa phương thuốc
– Đặc điểm của phương này là trong bổ có tả, mà lấy bổ âm làm chủ yếu, trong phương lấy Thục địa để điền tinh bổ ích tủy, tư âm bổ thận mà sinh ra máu.
Sơn thù du ôn bổ can thận, thu sáp tinh khí. Hoài sơn mạnh tỳ kiêm trị di tinh, són đái, phương này gồm có “3 thứ bổ” nhưng lấy Thục địa bổ thận là chủ yếu. Sơn thù bổ gan, Hoài sơn bổ tỳ là phụ, cho nên lượng dùng Thục địa gấp hẳn Hoài sơn và Sơn thù. Đan bì làm mát máu, mát cái nóng mà tả cái hỏa của can thận. Trạch tả phục linh lợi thủy thỏm thấp, thế là phương này lại có “Ba cái tả” – Bởi vì phương này lấy bổ làm chủ cho nên ba loại thuốc để tả liều lượng dùng nhẹ hơn. Song sự phối ngũ và liều lượng của từng vị không phải là cố định, không thay đổi, có thể căn cứ thực tế lâm sàng cần thiết mà biến hóa thay đổi. Ví dụ: nếu cần bổ ích thận bổ âm thì theo nguyên phương không cần thay đổi, nếu chữa di tinh đầu quay cuồng xây sẩm làm chính thì tăng thêm lượng Sơn thù và Sơn dược (Hoài Sơn)
– Nếu âm hư mà kiêm có máu nóng, hoặc hỏa vượng thì tăng lượng cho đơn bì lên, còn thục địa đổi làm sinh địa, nếu thận hư phù sưng hoặc tiểu tiện sít đau, có thể tăng thêm lượng Trạch tả bạch linh. Đó là nói cái thay thế theo các vị thuốc trong phương, ngoài ra còn có thể thêm các vị thuốc khác cho phù hợp chứng bệnh hiện có của người bệnh cho mau chóng lành bệnh.