Tên khác: Tên thường gọi: binh lang, tân lang, hạt cau, đại phúc tử
Tên tiếng Trung: 兵榔
Tên khoa học: Areca catechu L hoặc Semen Arecae Catechu
Họ khoa học: Họ cau dừa Palmac
Nguồn gốc: Binh lang là hạt của quả cau lấy từ cây cau
Cây cau
(Mô tả, hình ảnh cây cau, phân bố, thu hái, chế biến, thành phần hóa học, tác dụng dược lý…)
Mô tả cây cau:
Cây cau là một cây to có thân mọc thẳng cao chừng 15-20m, đường kính 10-15cm. Toàn thân không có lá mà có nhiều vết lá cũ mọc, chỉ ở ngọn có một chùm lá to rộng sẽ lông chim. Lá có bẹ to. Mo ở bông mo sớm rụng. Trong cụm hoa hoa đực ở trên, hoa cái ở dưới. Hoa đực nhỏ màu trắng, thơm gồm 3 lá đài màu lục, 3 cánh hoa trắng, 6 nhị. Hoa cái to, bao hoa không phân hoá. Noãn sào thượng 3 ô. Quả hạch hình trứng to bằng quả trứng gà. Quả bì có sợi. Hạt có nội nhủ xếp cuốn. Hạt hơi hình nón cụt, đầu tròn giữa dáy hơi lõm, màu nâu nhạt, vị chát.
Phân bố
Ở Việt Nam được trồng ở nhiều nơi nhất là vùng Thanh Hóa, Nghệ An. ở Hải Phòng được trồng nhiều ở Thủy Nguyên
Thu hái, chế biến:
Mùa thu hoạch khoảng tháng 9 – 12 (không kể loại cau tứ thời) lấy quả thật già, róc bỏ vỏ ngoài và vỏ già, lấy nguyên hạt ở trong đem phơi sấy thật khô.
Bộ phận dùng:
Hạt của quả cau. Cây cau có hai giống: Cau rừng (sơn Binh lang), hạt nhỏ, nhọn, chắc và cau vườn (gia Binh lang) hạt to, hình nón cụt.
Cách bào chế:
Theo Trung Y: Ngâm nước ủ mềm, cạo bỏ dưới đáy, thái nhỏ. Chớ chạm tới lửa sợ kém sức, nếu dùng chín thì thà không dùng (Lôi Công Bào Chích Luận).
Bảo quản:
Dễ bị mọt nên phải đậy kín, năng xem luôn. Nếu bị mọt có thể sấy hơi diêm sinh.
Thành phần hoá học:
Trong hạt có tanin. Tỷ lệ tanin trong hạt non chừng 70% nhưng khi chín chỉ còn 15-20%. Ngoài ra còn chất mở với thành phần chủ yếu gồm myristin 1/5, olein 1/4 , laurin ẵ, các chất đường :sacaroza, nanman, galactan 2% và muối vô cơ.
Tác dụng dược lý:
Tác dụng trục trùng chủ yếu là xổ sán (taeniasis) tác dụng đối với sán lợn tốt hơn sán bò, tác dụng làm tê liệt thần kinh của sán kết hợp với bí đỏ (hạt) có tác dụng hợp đồng tốt, nâng cao hiệu quả xổ sán. Thuốc đối với lãi kim cũng có tác dụng nhất định.
Tác dụng đối với hệ thần kinh: Arecolin có tác dụng như thần kinh phó giao cảm, kích thích các thụ thể cholinergic, làm tăng trương lực cơ trơn của trường vị, tăng nhu động ruột và gây tiêu chảy ( cho nên xổ sán lãi không cần thuốc tẩy), làm chậm nhịp tim, hạ huyết áp, tăng tiết nước bọt và mồ hôi, dung dịch thuốc nhỏ mắt làm đồng tử nhỏ lại, tăng co thắt túi mật và cơ trơn tử cung. Arecolin cũng có tác dụng hưng phấn thụ thể cholin biểu hiện hưng phấn cơ vân, các tiết thần kinh và động mạch cảnh, còn đối với trung khu thần kinh thì có tác dụng như cholin.
Binh lang có tác dụng kháng virus và nấm ngoài da.
Vị thuốc binh lang
(Tính vị, quy kinh, công dụng, liều dùng)
Tính vị:
Vị đắng, cay, chát, tính ôn.
Theo sách cổ:
– Sách Danh y biệt lục: vị cay ôn, không độc.
– Sách Bản thảo cương mục: đắng cay ôn sáp không độc.
– Sách Bản thảo cầu chân: cay đắng ôn.
Quy kinh:
Vào kinh Vị và Đại trường.
Theo sách cổ:
– Sách Lôi công bào chế dược tính giải: nhập 2 kinh Vị Đại tràng.
– Sách Bản thảo hội ngôn: nhập thủ thái âm, dương minh, túc dương minh kinh.
– Sách Bản thảo tân biên: nhập Tỳ vị đại tràng phế.
Công dụng:
Hạ khí, hành thuỷ, tiêu hoá, sát trùng (phá tích).
Chủ trị:
Chủ trị các chứng sán lãi, nhiều loại ký sinh trùng đường ruột, thực tích khí trệ, bụng đầy tiện bón, chứng tả lî mót rặn, phù (thủy thũng), cước khí sưng đau.
Theo sách cổ
Sách Danh y biệt lục: “chủ tiêu cốc trục thủy, trừ đàm tích, sát tam trùng, liêu bạch thốn”.
Sách Dược tính bản thảo: “tuyên lợi ngũ tạng, lục phủ ủng trệ, phá kiên mãn khí, hạ thủy thũng, trị tâm thống, phong huyết tích tụ”.
Sách Cước khí luận: “trị cước khí ủng độc, thủy khí phù thũng”.
Sách Bản thảo cương mục: “trị tả lị, mót rặn (hậu trọng), tâm phúc chư thống, đại tiểu tiện khí bí, đàm khí suyễn cấp, liệu chư ngược, ngự chướng lệ ( trị các chứng sốt rét, phòng khí độc gây bệnh dịch).
Liều dùng:
Dùng uống trong và thuốc thang: 6 – 15g.
Nếu dùng độc vị trị Bạch thốn trùng và sán lá, có thể dùng đến 60-100g.
Thuốc tán bột cho vào hoàn tán.
Dùng ngoài rửa tùy yêu cầu (dùng nước sắc hạt cau trị chốc đầu ở trẻ em (gội).
Tác dụng chữa bệnh của vị thuốc binh lang
Trị sán (taeniasis):
Binh lang (cắt lát), Nam qua tử mỗi thứ 30g. Nam qua tử tán nhỏ. Binh lang sắc nước trộn uống. Có thể ăn hết hạt bí ngô rồi uống nước sắc Binh lang.
Binh lang 60g, Sơn tra tươi 1000g (trẻ em giảm nửa, nếu dùng loại khô: người lớn 250g, trẻ em 120g). Rửa Sơn tra bỏ nhân, 3 giờ chiều bắt đầu ăn đến 10giờ tối hết, tối nhịn ăn. Sáng hôm sau sắc Binh lang còn 1 chén trà nhỏ, uống hết 1 lần nằm nghỉ. Lúc buồn đi tiêu nín 15 phút rồi đi ngâm đít vào chậu nước nóng cho ra hết sán.
Trị giun kim (oxyuriasis):
Binh lang 15g, Thạch lựu bì, Nam qua tử đều 10g sắc uống lúc đói trước khi đi ngủ.
Trị sán lá (fasciolopsiasis):
Binh lang 15g, Ô mai 10g, Cam thảo 5g, sắc uống vào lúc sáng sớm bụng đói.
Trị táo bón bụng đầy, do thực tích khí trệ:
Mộc hương Binh lang hoàn (Đan khê tâm pháp): Mộc hương, Binh lang, Thanh bì, Trần bì, Nga truật, Hoàng liên đều 30g, Hoàng bá, Đại hoàng đều 100g, Hương phụ sao, Khiên ngưu đều 120g, tán bột mịn làm hoàn, mỗi lần 6 – 10g, ngày 2 – 3 lần với nước sôi ấm.
Trị sốt rét
Triệt ngược thất bảo ẩm ” Dương thị gia tăng phương”:
Thường sơn 3g, Thanh bì, Trần bì, Chích thảo, Binh lang, Thảo quả nhân đều 2g, sắc nước uống, có thể gia thêm tí rượu, uống trước khi lên cơn 2 giờ.
Chữa trẻ con chốc đầu:
Mài hạt cau thành bột phơi khô hòa với dầu mà bôi
Tham khảo
Thuốc trị sán
Do xét nghiệm thấy nước sắc hạt Cau có tác dụng làm tê liệt sán nhưng chỉ mạnh đối với đầu con sán (trái lại hạt Bí rợ có tác dụng chủ yếu làm tê khúc đuôi) cho nên có bài thuốc sau đây: Sáng lúc bụng đói ăn 40 – 100g hạt bí rợ (bỏ vỏ). Hai giờ sau uống nước sắc hạt Cau (trẻ em trên 10 tuổi 30g,phụ nữ 50 – 60g, người lớn 80g, cho liều hạt cau trên đây đun với 300 ml nước. Đun cho cạn còn 250 ml. Nhỏ dung dịch
Gelatin 2,5% vào cho đến khi kết tủa (để loại chất chát). Gạn lọc, đun cạn cho còn 150 – 200ml). Nửa giờ sau khi uống hạt cau, uống một liều thuốc tẩy (Magie sunfat 30g). Nằm nghỉ, đợi thật buồn đi ngoài, ỉa vào một chậu nước ấm, nhúng cả mông vào.
Kiêng ky:
Người khí hư hạ hãm không tích trệ thì không nên dùng.
Kỵ lửa.