Tên khác : Tên Việt Nam: Mủ khô của cây Sơn, Sơn khô.
Tên khác: Tục mệnh đồng (Hòa Hán Dược Khảo), Hắc tất (Tục Danh).
Tên khoa học: Rhus vernicifera D.C.
Họ khoa học: Anacardiaceae.
Tiếng Trung: 干漆
Cây Can tất
( Mô tả, hình ảnh, thu hái, chế biến, thành phần hoá học, tác dụng dược lý ….)
Mô tả:
Ở Việt Nam dùng cây Rhus succedannea Lin. (= Toxidendron succedanea L Moladenke) là cây nhỡ, lá kép lông chim lẻ có 3-6 đôi lá chét. Lá chét mỏng, nguyên nhẵn, mặt dưới lá màu xanh nhạt, phiến hình thuôn mũi mác nhọn đầu, phần gốc không đều nhau. Mép lá không có răng cưa. Hoa tập họp thành chùy đơn, nhẵn hoặc hơi có lông. Đài hợp, phía trên xẻ thành răng hình bầu dục rộng. Tràng, dài gấp 3 lần các răng của đài. Nhị 5, chỉ nhị mảnh, dài bằng cánh. Quả hạch, hơi dẹt, không có lông. Ra hoa vào tháng 4 và quả chín vào tháng 11.
Địa lý:
Cây được trồng nhiều ở Phú Thọ và trên các đồi miền Bắc nước ta để lấy sơn, có mộc số mọc hoang trong rừng.
Phần dùng làm thuốc:
Dùng mủ, nhựa (Laca japonica).
Mô tả dược liệu:
Nhựa ở cây sơn chảy ra thành khối. lâu năm càng tốt, khô cứng, bóng đen. Thương phẩm từng cục hoặc từng bánh.
Vị thuốc Can tất
( Công dụng, Tính vị, quy kinh, liều dùng …. )
Công dụng:
Phá huyết, tiêu tích, táp thấp, sát trùng dùng làm thuốc thông kinh, đốt lên hít trị lao sái, hầu tý.
Chủ trị:
Kinh nguyệt không thông, phong hàn tê thấp và trùng tích.
Bào chế:
Khi dùng Can tất trong thuốc, nên giã nhỏ, sao nóng rồi mới dùng nếu không thì hại tới trường vị. Nếu là Sơn nước nấu khô càng tốt. Cũng có khi đốt tồn tính. Sơn khô để được lâu càng tốt. Muốn xông thì để sống đốt lấy khói. Dùng sống thì giã nát Sơn khô sao cho bay hết khói.
Bảo quản:
Đựng bình kín, để nơi cao ráo.
Vị thuốc Can tất
( Công dụng, Tính vị, quy kinh, liều dùng …. )
Tính vị:
Vị cay, tính ấm, có độc.
Quy kinh :
Vào kinh Can và Vị (Biệt lục).
Kiêng kỵ:
Không có ứ huyết cấm dùng. Tính Can tất sợ trứng gà, cử dầu mỡ, ghét Xuyên tiêu, Tử tô và Còng, Cua (giải), Bán hạ làm sứ cho nó.
Liều dùng:
1,5 – 3g.
Cách dùng:
Sao cho hết khói hoặc đốt tồn tính.
Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc Can tất
Trị ngũ lao, thất thương, dùng có tác dụng bổ ích :
Can tất, Bá tử nhân, Sơn thù du, Toan táo nhân, đều bằng nhau, tán bột, trộn với mật làm thành viên to bằng hạt ngô đồng, mỗi lần uống 14 viên với rượu nóng, ngày 2 lần (Thiên Kim Phương).
Trị hầu tý khó chữa :
Can tất đốt lấy khói, dùng ống xông vào họng (Thánh Tế Tổng Lục).
Trị cổ độc :
Lấy sơn sống trộn bột ‘Bình Vị Tán’ làm viên to bằng hạt ngô đồng, lần 70-100 viên uống với rượu nóng lúc đói (Trực Chỉ Phương).
Trị lở loét vùng hạ bộ :
Sơn sống bôi vào (Trửu Hậu Phương).
Trị giun sán gây ra kinh giản :
Can tất sao qua cho hết khói, trộn với Bạch vu di, 2 vị bằng nhau, tán bột uống với nước cơm, mỗi lần 1/2 muỗng cà phê (Đỗ Nhâm phương).
Trị các loại đau ở vùng tim (cửu tâm thống), sườn bụng tích tụ trệ khí :
Can tất để trong ống đã khô 30g giã nát, sao cho hết khói tán bột, lấy giấm nấu với bột gạo làm viên lớn bằng hạt ngô đồng lần uống 5- 9 viên với rượu nóng (Giản Yếu Tế Chúng Phương).
Trị sản hậu xanh xao, phù thủng, đau nhức là do khí huyết không đều sinh phù :
Can tất, Đại mạch nha, 2 vị bằng nhau, tán bột, rồi lấy nồi đất sạch mới xếp đầy vào, lấy đất bùn trộn muối trét thật kín, nấu cho đỏ chảy lên, để nguội cho hết độc rồi mới tán bột. Mỗi lần dùng 3-6g uống với rượu nóng. Bài này có thể dùng cho các loại bệnh sau khi sinh (Phụ Nhân Lương Phương).
Trị đau trong bụng do ứ huyết :
Can tất, Đào nhân, Đương quy, Hồng hoa, Tô mộc, Mẫu đơn bì, Ngũ linh chi, Diên hồ sách, Ngưu tất, hoặc sản hậu cảm hàn máu đổ xuống chưa dứt kết thành cục thành khối gây đau gia thêm Can khương, Trạch lan (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Giết các loại sán trong ruột:
Dùng Can tất, Mẫu đơn bì, Tục đọan, Xích thược dược, Đào nhân, Nhụ hương, Một dược, Hồng hoa, Diên hồ sách, Miết giáp. Nếu có kèm theo ứ huyết đau ở vùng bụng rốn, sợ lạnh không phát sốt có thể gia thêm Quế (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Trị dị ứng sơn :
Hoa khế, lá khế sắc uống, bên ngoài rắm rửa (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Tham khảo:
(1) Nhựa khô đựng trong hộp thành phiến cứng, lá sơn nào đẩy nhiều sơn trong bóng là tốt.
(2) Can tất cốt chữa tích huyết và có chất sát trùng. Nếu bệnh không có huyết tích mà dùng lầm thì hại tới vị khí (Bách hợp).