CHỈ XÁC
1. Tên gọi khác:
- Chỉ xác, Nô lệ, Thương xác, Đổng đình nô lệ (Hòa Hán dược khảo).
2. Tên khoa học:
– Fructus Citri Aurantii.
– Họ Cam (Rutaceae).
3. Mô tả:
– Cây gỗ nhỏ, cao 2 – 10m. Thân nhẵn, không gai hoặc có gai ngắn, thẳng. Lá mọc so le, hình trái xoan, phiến dai, gốc tròn, đầu tù có khi lõm, hơi có răng ở gần đầu lá; cuống có cánh rộng, có khi to bằng phiến lá, hai mặt nhẵn, mặt trên bóng.
– Cụm hoa là một chùm mọc ở kẽ lá, gồm 6 – 8 hoa nhỏ, màu trắng hoặc màu vàng nhạt, có 5 lá dài, 5 cánh hoa, 20 nhị. Quả hình cầu hoặc hình trứng, có núm, vỏ ngoài sần sùi, khi chín màu vàng nhạt, ruột màu vàng lục, rất chua.
– Mùa hoa: tháng 2 – 4, mùa quả: tháng 5 – 8.
4. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản:
4.1. Bộ phận dùng:
– Quả hái vào lúc gần chín, thường bổ đôi để phơi cho mau khô.
4.2. Thu hái:
– Chọn vào tháng 9-10, hái những trái gần chín, phơi khô lúc trời khô ráo hoặc hái quả xanh có đường kính 3-5cm bổ ngang làm đôi phơi khô.
4.3. Chế biến:
– Chỉ xác phiến: Loại bỏ tạp chất, rửa sạch, ủ mềm, nạo bỏ ruột, hột, thái lát ngang, phơi hoặc sấy khô. Lát thái hình dải hay hình cung không đều, dài 5 cm rộng đến 1,3 cm. Quan sát lát ngang bề ngoài màu nâu đến nâu thẫm, giữa có màu nâu hơi vàng hoặc trắng, có 1 – 2 lớp túi tinh dầu ở phía ngoài vỏ, đôi khi thấy tép màu nâu hay tía đỏ, sợi cứng, mùi thơm, vị đắng, hơi chua.
– Chỉ xác sao cám: Cho cám vào chảo, đun đến khi bốc khói cho Chỉ xác phiến vào sao đến khi có màu vàng thẫm lấy ra, sàng bỏ cám, để nguội. Dùng 1 kg cám cho 10 kg Chỉ xác. Các phiến hình dải hay hình vòng cung không đều, hơi thẫm màu, đôi khi có vết cháy, mùi thơm nhẹ.
4.4. Bảo quản:
– Để nơi khô ráo, tránh ẩm.
5. Thành phần hóa học:
– Hesperidin, Neohesperidin, Naringin (R F Albach và cộng sự, Phytochemistry 1969, 8 (1) : 127).
– Synephrine, N-Methyltyramine (Hà Triều Thanh, Trung Dược Chí 1981, 12 (8) : 345).
– Vỏ quả chứa chất dầu 0,469%, trong đó có (-Pinene, Limonene, Camphene, (-Terpinene, p-Cymene, Caryophyllene (Nobile Luciano và cộng sự, C A 1969, 70 : 31620b).
6. Tính vị qui kinh:
– Vị chua, tính hàn qui kinh Phế, Vị.
7. Tác dụng dược lý:
7.1. Theo Y học cổ truyền:
– Hạ khí, tiêu tích trệ, thông trường, trừ đờm, tiêu thực (sao giòn), cầm máu(sao tồn tính)
– Chủ trị: Ngực sườn khí trệ, đầy trướng, đau, sa dạ dày, sa trực tràng( lòi dom), sa dạ con. Đánh trống ngực, bệnh thần kinh gây mất ngủ, trằn trọc ban đêm, động kinh, đau nửa đầu, ho đờm, tiểu tiện khó.
7.2. Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
– Chỉ xác có tác dụng cường tim, tăng huyết áp do thành phần chủ yếu là Neohesperidin nhưng không làm tăng nhịp tim. Thuốc có tác dụng co mạch, tăng lực cản của tuần hoàn ngoại vi, tăng co bóp của cơ tim, tăng lượng cGMP của cơ tim và huyết tương nơi chuột nhắt.
– Nước sắc Chỉ xác có tác dụng ức chế cơ trơn ruột cô lập của chuột nhắt, chuột lang và thỏ, nhưng đối với chó đã được gây rò dạ dày và ruột thì thuốc lại có tác dụng hưng phấn làm cho nhịp co bóp của ruột và dạ dày tăng. Đó cüng là cơ sở dược lý của thuốc dùng để trị chứng dạ dày sa xuống, dạ dày gĩan, lòi dom, sa trực trường… Kết quả thực nghiệm cho thấy Chỉ xác vừa có tác dụng làm giảm trương lực cơ trơn của ruột và chống co thắt, vừa có thể hưng phấn làm tăng nhu động ruột, do trạng thái chức năng cơ thể, nồng độ thuốc và súc vật thực nghiệm khác nhau mà có tác dụng cả hai mặt ngược nhau, như vậy dùng thuốc để điều chỉnh sự rối loạn chức năng đường tiêu hóa ở trạng thái bệnh lý là tốt (Trung Dược Học).
– Nước sắc Chỉ xác có tác dụng hưng phấn rõ rệt đối với tử cung thỏ có thai hoặc chưa có thai, cô lập hoặc không, nhưng đối với tử cung chuột nhắt cô lập lại có tác dụng ức chế, tác dụng hưng phấn tử cung của thuốc phù hợp với kết quả điều trị chứng tử cung sa có kết quả trên lâm sàng (Trung Dược Học).
8. Một số ứng dụng:
8.1. Chữa táo bón:
– Chỉ xác, bồ kết, lượng bằng nhau. Hai vị phơi khô, tán nhỏ làm thành viên bằng hạt ngô. Ngày uống 10 viên vào buổi tối trước khi đi ngủ.
8.2. Chữa đại tiện không thông, nôn nghén:
– Chỉ xác, mộc thông, mỗi vị 8g sắc uống.
8.3. Chữa dạ dày, gan kém hoạt động do sỏi mật , viêm túi mật , khó đi ngoài:
– Chỉ truật thang: Chỉ thực 20g, bạch truật 6g. Sắc chia 3 lần uống mỗi ngày. “Chỉ truật thang” (bài thuốc của Trương Trọng Cảnh)
8.4. Chữa đau tức ở cùng gan, dưới sườn phải, hoặc ở dưới mỏ ác trên rốn, ăn không tiêu, tích báng, bụng trướng nổi gân xanh, đi ngoài phân sống trắng bệch, hoặc nhiều lần lượng ít, ợ hôi thối:
– Chỉ xác, nghệ đen, mỗi vị 8g sắc uống.
8.5. Chữa trẻ em cam tích, hôi miệng, bụng căng to, thường hay đau bụng, phân thối khẳm:
– Chỉ thực 8g, nghệ đen 6g, quả giun 6g. Sắc uống hoặc sao, tán bột, uống mỗi lần 5 – 6g với nước sắc hạt muồng sao.
8.6. Chữa huyết ứ, hàng tháng thấy kinh chậm, sau chu kì bình thường, lượng kinh ít, màu thẫm hoặc đen hoặc bụng đau tức có khi có hòn cục, ấn vào càng đau, đại tiện thường táo:
– Chỉ xác 12g, lá mần tưới 12g, ngưu tất 12g (hoặc cỏ xước 20g), ích mẫu 16g, nghệ xanh 16g, tô mộc 12g, củ gấu (tứ chế) 16g. Sắc uống ngày một thang, uống 3 – 5 thang.
Lưu ý: Chỉ xác và Chỉ thực là hai vị thuốc rất dễ nhầm lẫn.
Chỉ xác với Chỉ thực khí vị giống nhau, nhưng Chỉ thực nhỏ tính mạnh chạy khỏe như một người tướng trẻ hăng hái xung phong không lùi bước nào, còn Chỉ xác to tính hoãn, đi chậm vào được ở ngực, cách, phổi, vị, đại trường, chữa chứng tê ngứa (Vì Phế chủ bì mao, tỳ chủ cơ nhục, phong hàn, thấp vào 2 kinh ấy thì sinh ngứa hay tê) phải có Chỉ xác mới chữa được các chứng ấy (Bản Thảo Đơn Phương).
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.