Tên khác : Tên thường gọi: Chùm ngây, cây ba đậu dại, cây cải ngựa, cây dùi trống, cây thần dược, cây vạn năng, cây dầu bel,…
Tên tiếng Trung: 辣木
Tên khoa học: Moringa oleifera
Họ khoa học: Moringaceae
Cây Chùm ngây – Moringa oleifera
(Mô tả, hình ảnh cây Chùm ngây – Moringa oleifera, phân bố, thu hái, chế biến, thành phần hóa học, tác dụng dược lý)
Mô tả
Chùm ngây là cây thuốc nam quý, dạng cây thân gỗ nhỏ. Khi cây phát triển được 1 tuổi, nếu không cắt ngọn, cây cao khoảng 5 – 6 m với đường kính 10 cm. Còn ở độ tuổi trưởng thành (3 – 4 tuổi) cây có chiều cao trung bình từ 5 – 10 m.
Vỏ cây có màu xám trắng dày và có các khe rãnh. Khi bị thương, vỏ sẽ tiết ra chất gôm và dưới tác động của môi trường chúng sẽ chuyển từ màu trắng sang màu nâu đỏ hoặc nâu đen. Thân cây không có gai.
Lá cây thuộc dạng lá kép, mọc so le nhau, có chiều dài 30 – 60 cm và lá có màu xanh mốc. Đối với lá chét, chúng dài 12 – 20 mm, thường mọc đối nhau có khoảng 6 – 9 đôi.
Hoa chùm ngây có màu trắng, mọc thành cụm trông giống hoa đậu và thường nở rộ vào tháng 4 đến tháng 6.
Quả cây chùm ngây có màu nâu, có thiết diện tam giác và mọc thõng xuống. Mỗi quả dài 30 – 50 cm và rộng 1,5 – 2,5 cm, chứa ít nhất 20 hạt. Thông thường, hạt có màu nâu tối hoặc sáng, có 3 cạnh, dạng màng và có cánh màu trắng với chiều dài 1,5 – 2,5 cm và có đường kính 1 – 1,4 cm.
Khu vực phân bố
Chùm ngây là cây của vùng cận nhiệt đới, nhiệt đới, đã được sử dụng từ hơn 4000 năm trước đây. Nơi đầu tiên sử dụng cây này là Ấn Độ. Ngoài ra cây còn phân bố ở nhiều nước Nam á, Bắc phi và nhiều quốc gia khác trên thế giới hàng ngàn năm nay.
Ở Việt Nam chùm ngây trước có nhiều ở vùng Ninh Thuận, Bình Thuận, Nha Trang, Kiên Giang, Thanh Hóa,… Còn hiện nay được trồng ở nhiều tỉnh miền Bắc để làm rau dinh dưỡng.
Bộ phận dùng
Toàn cây có thể dùng để làm thuốc: Quả, rễ, lá non, hoa và các nhánh non. Trong đó lá thường được dùng làm rau ăn.
Thu hái
Lá thu hái quanh năm, lá hái về được phơi khô dùng dần hoặc dùng tươi làm thuốc hoặc làm thực phẩm.
Thu hoạch quả từ tháng 7 đến tháng 9. Hoa từ tháng 4 – 6.
Thành phần hóa học
Vỏ cây chùm ngây chứa: galactose, arabinose và acidýglucuronic), -sitosterol và benzylanin.
Rễ cây chùm ngây: Chứa hoạt chất glucosinolate như 4 (-L-rhamnosyloxy)-benzyl glucosinolate)
Tong 100g lá chùm ngây non còn tươi có 6,35g chất đạm, 1,7g chất béo, 8g bột đường, 1,9g chất xơ, 3,75g chất khoáng (trong đó phốt pho 50mg, kali 216mg, canxi 122mg, magie 123mg, đồng 0,1mg, sắt 16mg, caroten 6.250 UI), các vitamin B1 0,2mg, B2 0,21mg, PP 2,25mg và C 110 – 220mg. .
Hoa chùm cây: Polysaccharid là thành phần hóa học chính được tìm thấy trong hoa cây chùm ngoài.
Hạt chùm ngây: Chứa các hoạt chất như glucosinolate và peptid
Toàn thân: chứa pterygospermin
Như vậy có thể thấy chùm ngây là một loại cây giàu dinh dưỡng, các loại vitamin, các chất chống oxy hóa, ngăn ngừa lão hóa.
Tác dụng dược lý
Hoạt chất saponin chứa trong chùm ngây có tác dụng giảm đau, hạ sốt và hỗ trợ bảo vệ mô thận, gan.
Lá chùm ngây chứa các chất như flavonoids, oleanoic acid, hyperosid, terpenoid và rutosid có tác dụng chống viêm loét dạ dày do rượu.
Cao chiết lá chùm ngây có tính kháng khuẩn mạnh mẽ giúp tiêu diệt nấm Candida albicans và chủng khuẩn Gram dương như Enterococcus feacalis, Staphylococcus aureus. Đồng thời, chúng giúp làm yếu đi hoạt động của vi khuẩn Gram âm như Pseudomonas aeruginosa, Salmonella thyphimurium, Klebsiella pneumoniae và Escherichia coli.
Hoạt chất niazimicin có trong lá chùm ngây có tác dụng ngăn chặn tế bào ung thư phát triển.
Hoạt chất sillymarin chứa trong lá chùm ngây có tác dụng làm tăng chức năng men gan, giúp bảo vệ gan khỏi các tổn thương do tiêu thụ nhiều chất béo.
Hoạt chất niaziminin và isothiocyanate, lá cây chùm ngây có thể giúp hạn chế tình trạng động mạch bị dày, làm giảm huyết áp.
Bên cạnh đó còn rất nhiều những nghiên cứu khoa học về tác dụng của chùm ngây đối với sức khỏe như: giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tăng cường hệ miễn dịch, giảm táo bón, giảm cân, và hỗ trợ điều trị bệnh sỏi thận,…
Vị thuốc Chùm ngây – Moringa oleifera
(Tính vị, quy kinh, công dụng, liều dùng)
Tính vị
Lá chùm ngây có vị ngọt, hơi đắng.
Quy kinh
Quy vào kinh tỳ, kinh bàng quang
Công dụng
Rễ có tính kích thích giúp máu lưu thông tốt có tác dụng trợ tim, bổ tuần hoàn. Đồng thời, chúng còn giúp tiêu hóa dễ dàng.
Vỏ cây có tác dụng tốt đối với hệ thần kinh
Quả, hạt và gôm nhựa từ thân cây có công dụng làm giảm đau nhức
Hoa có chứa chất kích thích và gây kích dục
Liều dùng – Cách dùng
Có thể dùng dạng tươi hoặc khô.
Nếu lá khô (hoặc lá khô tán thành bột) có thể dùng liều từ 70-80g. Dùng quá liều có thể tiêu chảy.
Kiêng kị
Phụ nữ có thai không dùng vì có thể gây sảy thai
Dùng liều lượng nhiều, trong thời gian dài có thể gây tê liệt thần kinh, tổn thương thận và gan.
Ứng dụng lâm sàng với vị thuốc chùm ngây
Trị máu nhiễm mỡ, hỗ trợ điều trị bệnh gout
Bài thuốc: rễ chùm ngây tươi 100g (30g khô) rửa sạch, nấu với 1 lít nước sôi 15 phút. Uống thay trà trong ngày.
Chữa huyết áp cao, trị suy nhược cơ thể
Lá chùm ngây non 150g rửa sạch, giã nát, thêm 300 ml nước sạch, lọc lấy nước cốt (hoặc dùng máy xay sinh tố) thêm mật ong, trộn đều, chia uống 3 lần trong ngày.
Chữa u xơ tiền liệt tuyến
Bài 1: Rễ chùm ngây tươi 100g (khô 30g), lá trinh nữ hoàng cung tươi 80g (khô 20g). Nấu với 2 lít nước còn lại 500ml. Chia làm 3 lần, uống trong ngày.
Bài 2: Hạt chùm ngây giã nát quấy đều 5 phút với 3 lít nước. Để lắng 2 giờ thì có nước trong dùng được.
Chữa đau dạ con sau sinh
Bài thuốc: Rễ cây Chùm ngây 100g rửa sạch, thái mỏng, phơi khô sao vàng, hạ thổ. Sắc với 250ml nước , còn 150ml nước thuốc , chia làm 2 lần. Uống lúc đói.
Làm đẹp da, chữa nám da
Cách làm: lá chùm ngây tươi 20g giã nhuyễn thoa lên lên da mặt khoảng 5-7 phút, sau đó rửa mặt sạch với nước. Ngày có thể làm 1, 2 lần trong 1 tuần liên tiếp sẽ có hiệu nghiệm.
Thuốc ngừa thai của người Raglay
Cách làm: cứ 5 ngày thì dùng 2 nắm rễ cây chùm ngây còn tươi (150g) rửa sạch băm nhỏ nấu với 2 lít nước còn nửa lít thuốc chia uống 2 lần trong ngày.
Tham khảo
Hạt chùm ngây làm trong nước
Theo kinh nghiệm của người dân vùng lũ thì hạt của quả chùm ngây già còn có tác dụng làm trong nước, lọc nước. Cách làm như sau: Dùng 2 trái chùm ngây tươi đã có hột già. Lấy hột giã nát quậy đều 5 phút với 3 lít nước đục vùng lũ lụt, nước đục ở ruộng, ao, hồ. Để lắng 2 giờ thì có nước trong dùng được.
Món ăn bài thuốc từ chùm ngây
Cháo chùm ngây thích hợp trẻ con, người gầy yếu, suy dinh dưỡng
Các món canh: Lá chùm ngây non rửa sạch, cắt nhỏ, nấu canh với tôm, cá, thịt nạc… nêm gia vị vừa đủ, rau chín tới.
Trộn dầu giấm: Lá chùm ngây non và đọt non vừa đủ dùng, rửa sạch. Có thể thêm cà chua bi và hành tây trộn với dầu giấm, gia vị, tiêu, đường.
Chùm ngây có thể sử dụng làm rau ăn hàng ngày, đặc biệt tốt cho trẻ suy dinh dưỡng.
Trồng trọt, chăm sóc cây chùm ngây
Vì cây chùm ngây giàu dinh dưỡng, có tác dụng tốt cho sức khỏe và có tác dụng hỗ trợ điều trị nhiều bệnh, do đó hiện nay được trồng ở nhiều nơi để chiết xuất làm dược phẩm, hóa mỹ phẩm, và các sản phẩm dinh dưỡng. Phòng khám Đông y Nguyễn Hữu Toàn cung cấp 1 số thông tin về gieo hạt và trồng trọt để mọi người có thể tham khảo.
Mặc dù chùm ngây ra hoa, quả suốt năm, nhưng thời gian tốt nhất để thu thập hạt giống là tháng 8-9, vì giai đoạn này hạt có chất lượng cao.
Trước khi gieo hạt, nên ngâm trong nước sạch trong 24 giờ. Sử dụng gieo hạt, với khoảng cách 1 cm và độ sâu rãnh 2-2,5 cm. Che phủ đất sau khi gieo, để giữ đất ẩm, tưới nước một lần vào buổi sáng và buổi tối. Khoảng 10 ngày hạt bách đầu tách ra, nảy mầm, và khoảng 1 tháng đã có lá non. Khi cây cao chừng 40-50 cm có thể đánh ra trồng được.
Trồng cây chùm ngây tương đối dễ, về cơ bản giống các loại cây khác, chỉ cần chú ý vấn đề tưới tiêu để tránh cây bị thối rễ.
Các bệnh thường gặp với cây chùm ngây: bệnh rụng lá, hoặc bệnh do côn trùng nhện đỏ gây ra.