Tên khác : Tên thường gọi: Chút chít, Lưỡi bò, Ngưu thiệt, Dương đề.
Tên khoa học: Rumex wallichi Meisn
Họ khoa học: Thuộc họ Rau răm – Polygonaceae.
Cây Chút chít
(Mô tả, hình ảnh cây Chút chít, phân bố, thu hái, chế biến, thành phần hóa học, tác dụng dược lý…)
Mô tả:
Cây thảo hằng năm cao đến 1m, ít nhánh. Lá dưới thân to, rộng đến 5-7cm, các lá giữa thân thon thuôn, tù hai đầu, hai mặt một màu, mép có răng tròn; các lá ở trên bẹ Xim co với nhiều hoa xanh, ở nách lá nhỏ đến ngọn; cuống hoa 1-2cm, lá đài 3 xanh, mép có răng, lưng có một cục chồi xanh dẹt to. Quả bế trắng, cao 4mm, có 3 góc.
Hoa tháng 2-6.
Bộ phận dùng:
Rễ củ và lá – Radix et Folium Rumicis.
Phân bố và thu hái:
Loài của Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc dại ở bờ ruộng ẩm, hoặc ở trong các đất ruộng sâu; thường xuất hiện từ tháng 11-12 cho đến tháng 6 tại Hà Tây, Hà Nội, Nam Hà ở Lâm Ðồng. Cây mọc hoang dại nơi đất không tốt thì rễ gẫy không thành củ. Nếu được trồng và chăm bón tốt thì củ to. Có thể trồng bằng hạt vào mùa xuân; đào lấy củ vào mùa thu, phơi khô dùng làm thuốc.
Thành phần hóa học
Trong rễ và lá chút chít có antraglucozit. Tỷ lệ antraglucôzit toàn phần trung bình là 3-3,4% trong đó chừng 0,47% ở dạng tự do và 2,54% ở dạng kết hợp.
Ngoài ra còn có một ít tanin và nhựa. Trong một loài Rumex japonicus Meins, người ta đã xác định thành phần antraglucozit là axit chrysophanic và emodin.
Tác dụng dược lý
Thí nghiệm tác dụng cao lỏng và thuốc hãm rễ chút chít trên ruột thỏ cô lập và ếch (5 thí nghiệm trên ruột thỏ, 8 thí nghiệm trên ruột ếch) chúng tôi đã thấy sức căng (tonus), biên độ sức co và tần số nhu động của ruột đều tăng (G.Herman, I. Ciulei, Đỗ Tắt Lợi và Ngô ứng Long, 1960. Y học rạp chí 2).
Vị thuốc Chút chít
(Công dụng, liều dùng, quy kinh, tính vị…)
Tính vị:
Chút chít có vị đắng, tính lạnh
Tác dụng:
Có tác dụng thanh nhiệt, thông đại tiện, sát trùng.
Công dụng, chỉ định và phối hợp:
Lá và rễ nấu lên dùng tắm ghẻ. Còn dùng uống để làm thuốc nhuận tràng và chữa lở ngứa, mụn nhọt. Lá non làm rau ăn được như rau nghể.
Ứng dụng lâm sàng chữa bệnh của cây chút chít
Trị ngứa ngáy có trùng:
Dùng rễ cây Dương đề, đâm nát trộn mỡ heo bỏ vào tý muối xức hàng ngày (Ngoại Đài Bí Yếu).
Trị hầu tý
Dùng rễ cây Dương đề loại nguyên 1 củ, quyết với giấm lâu năm rịt lên cổ (Thiên Kim Phương).
Trị đầu nổi vẩy trắng
Dùng rễ cây Dương đề đâm với nước mật của con dê xức vào (Thánh Huệ Phương).
Trị đại tiện táo bón
Dùng rễ Dương đề sắc với 1 ch n nước còn 6 phân uống lúc nóng (Thánh Huệ Phương).
Trị đại tiện ra máu
Dùng rễ cây Dương đề sắc còn nguyên vỏ, gừng giã mỗi thứ nửa chén rồi sao đỏ, tẩm giấm bỏ bã sắc uống (Vĩnh Loại Kiềm Phương).
Trên mặt nổi từng vết đỏ như đồng tiền lớn
Dùng Đại hoàng 120g đâm lấy nước, Xuyên sơn giáp 10 cân đốt tồn tính, Xuyên tiêu (tán bột) 15g, gừng sống 120g đâm lấy nước, trộn lại nghiền nát, lấy vải bọc lại sát vào, nếu khô bỏ dấm vào sát tiếp (Lục Thị Tích Đức Đường).
Da nổi lên từng đám nhỏ kết thành về ra mồ hôi ngứa.
Dùng rễ Dương đề hai lượng, Khô phàn 6g, Khinh phấn 3g, Sinh khương nửa lượng, tất cả quyết nhuyễn lấy nước rửa, dùng tay cạo cho lóc vẩy để thuốc thấm vào (Lục Thị Kinh Nghiệm Phương).
Ngứa lâu ngày không khỏi
Dùng rễ cây Dương đề đâm vắt lấy nước bỏ vào một chút Khinh phấn trộn sệt sệt xức vào 3-5 lần thì khỏi (Giản Yếu Tế Chúng Phương).
Công hạ gấp trong bệnh bí ỉa
Dùng 2-9g, Dương đề, nhai sống hoặc sắc uống, nếu không ra dùng Dương đề 9g, Chỉ xác 9g, Mộc thông 6g sắc uống, sau 1 giờ chưa đi thì sắc nước thứ 2 uống tiếp (Kinh nghiệm dân gian).
Chữa ghẻ hoặc trứng cá
Dùng rễ bột Dương đề 90g, ngâm với rượu 600, chừng 500ml trong 10 ngày, lọc lấy nước xứ vào nơi hắc lào, có thể dùng để bôi ghẻ hoặc trứng cá (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Trị ngứa ngoài da:
Dùng lá tươi Dương đề giã nát ,sát nhè nhẹ nơi ngứa (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Trị ngưu bì tiển, viêm da thần kinh
Rễ Dương đề 8 chỉ, Khô phàn 6g. Tất cả tán bột trộn chung với dấm xức vào nơi đau ngứa, ngày 1-2 lần ( Dương Đề Căn TánLâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Trị ung nhọt sưng đau:
Rễ dương đề mài với dấm, xức bên ngoài (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Trị táo bón:
Dễ Dương đề 15g sắc uống (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
Trị bón, trĩ nội ra máu, đau nhức không yên:
Rễ Dương đề tươi 30g, thịt heo 120g, nửa kg. Nấu cho thịt mỡ nhừ, lấy nước nấu và ăn thịt (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
Trị viêm amiđan cấp tính:
Rễ dương đề tươi 30g sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Trị xuất huyết nội, tím do dị ứng:
Toàn cây Dương đề tươi 30g, sắc uống, Rễ Dương đề nghiền bột, lần uống 9g, ngày uống 2 lần (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
Chữa bí đại tiện:
Dùng 8-12g củ tươi nhai sống hoặc sắc nước uống.
Chữa hắc lào và các loại lở ngứa
Dùng cành lá Chút chít nấu nước ngâm rửa kỹ lúc còn ấm; lại dùng củ mài giấm bôi. Có thể ngâm củ Chút chít trong cồn hoặc rượu rồi dùng nước thuốc để bôi, nếu có cây tươi thì dùng cành lá hoặc củ xát trực tiếp trị hắc lào và bệnh nấm da.