ĐƯƠNG QUY
1. Tên gọi khác
Vị thuốc Đương quy còn gọi là Tần quy, Vân quy, Xuyên quy.
2. Tên khoa học
Angelica Sinensis (Oliv.) Diels.; Angelica Polymorpha Maxim, var. sinensis Oliv. thuộc họ Hoa tán Apiaceae (Umbelliferae).
3. Mô tả
Đương quy là cây thảo sống nhiều năm, cao từ 40cm – 1m. Thân hình trụ, có rãnh dọc. Lá kép xẻ 3 lần lông chim, cuống lá dài, có bẹ ôm lấy thân, mép lá chia thùy và răng cưa không đều. Hoa tự hình tán kép, màu trắng xanh. Quả bế có rìa màu tím nhạt. Toàn cây có mùi thơm đặc biệt.
Cây được di thực và trồng nhiều ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ nước ta.
4. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản
4.1. Bộ phận dùng
Bộ phận dùng làm thuốc của cây Đương quy là rễ.
4.2. Thu hái
Thu hoạch vào cuối thu ở những cây trên 3 năm tuổi
4.3. Chế biến
Đào lấy rễ, rũ sạch đất cát, để héo, phân loại to, nhỏ; bó thành từng bó rồi đem sấy nhẹ cho khô.
4.4. Bảo quản
Độ ẩm không quá 15%.
5. Thành phần hóa học
Butylidene phthalide, n-valerophenone-o-carboxylic acid, dihydrophthalic, sucrose, vitamine B12, carotene, beta-sitosterol.
6. Tính vị qui kinh
Vị ngọt, cay, ôn. Qui kinh Can Tâm Tỳ.
7. Tác dụng vị thuốc đương quy
7.1. Theo Y học cổ truyền
Đương quy có tác dụng bổ huyết hoạt huyết, nhuận táo hoạt trường, điều huyết thông kinh. Chủ trị chứng tâm can huyết hư, kinh nguyệt không đều, đau kinh, tắt kinh, các bệnh thai tiền sản hậu, tổn thương do té ngã, đau tê chân tay (tý thống ma mộc), nhọt lở loét (ung thư sang thương), chứng huyết hư trường táo kiêm trị khái suyễn.
7.2. Theo nghiên cứu dược lý hiện đại
Đương qui có tác dụng 2 chiều đối với tử cung. Chất tan vào nước hoặc cồn không phải tinh dầu có tác dụng hưng phấn tử cung cô lập; còn chất bốc hơi sôi ở nhiệt độ cao và dầu Đương qui có tác dụng ức chế và lúc áp lực trong tử cung cao thì thuốc làm tăng co bóp tử cung. Đương qui còn có tác dụng tăng gia sự tổng hợp protid khiến tử cung dày lên. Đương qui còn có khả năng chống sự thiếu hụt vitamin E phòng ngừa sẩy thai nhưng không thể hiện rõ tác dụng như oestrogen.
- Dịch ngâm Đương qui cho chuột nhắt làm tăng huyết sắc tố và hồng cầu. Tác dụng này có quan hệ với hàm lượng vitamin B12 và acid folic trong Đương qui.
- Đương qui có tác dụng làm dãn động mạch vành, tăng lưu lượng máu của động mạch vành, giảm tiêu hao lượng oxy của cơ tim, giảm ngưng tập của tiểu cầu, chống sự hình thành huyết khối, có tác dụng làm giảm rối loạn nhịp tim và hạ lipid huyết. Đương qui có tác dụng làm dãn huyết quản ngoại vi, làm dịu co thắt cơ trơn của huyết quản ngoại vi, tăng lưu lượng máu; vì thế mà Đương qui có tác dụng giảm đau. Tinh dầu Đương qui làm huyết áp tăng nhưng chất hòa tan trong nước thì làm hạ huyết áp.
- Tác dụng chống viêm: nước chiết xuất Đương qui giảm thấp tính thẩm thấu của huyết quản, ức chế các chất gây viêm của tiểu cầu như 5TH phóng ra.
- Tác dụng giảm đau, an thần do tinh dầu Đương qui.
- Đương qui có tác dụng làm tăng chức năng miễn dịch không đặc hiệu của cơ thể, tăng khả năng thực bào của đại thực bào, thúc đẩy sự chuyển dạng Lympho bào. Nhưng cũng có người cho rằng Đương qui có tác dụng ức chế miễn dịch.
- Có tác dụng lợi tiểu do thành phần đường mía trong Đương qui, cao nước thô của Đương qui có tác dụng hưng phấn đối với cơ trơn ruột non và bàng quang của súc vật thí nghiệm.
- Có tác dụng làm dãn cơ trơn phế quản và làm giảm cơn hen (bình suyễn).
- Có tác dụng bảo vệ gan, phòng ngừa glycogen gan giảm thấp.
- Tác dụng kháng khuẩn: nước sắc Đương qui có tác dụng ức chế các loại trực khuẩn coli, lî, thương hàn, phó thương hàn, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn bạch hầu, liên cầu khuẩn tán huyết. Tinh dầu Đương qui có tác dụng ức chế tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn coli, trực khuẩn lî Flexner, trực khuẩn mủ xanh.
- Có tác dụng phòng chống thiếu vitamin E trích yếu văn kiện nghiên cứu Trung dược, nhà xuất bản Khoa học 1965, tr265).
Về tác dụng đối với huyết áp, có tài liệu nói: theo Schmidt, Y Bác An và Trần khắc Khôi (1924, Chinese Med.J 38, 362), tinh dầu của Đương qui có tác dụng hạ huyết áp, nhưng thành phần không bay hơi của Đương qui lại có tính chất làm co cơ trơn ở thành mạch máu làm cho huyết áp tăng cao.
- Đương qui có tác dụng nhuận tràng thông tiện.
- Đương Quy cũng tham gia chữa viêm khớp trong vai trò tăng cường chức năng Gan, cân bằng thể trạng bệnh nhân.
8. Một số ứng dụng vị thuốc đương quy
8.1. Tứ vật thang: (Hòa tể cục phương):
Thục địa 12g, Đương qui 8g, Bạch thược 8g, Xuyên khung 4g, sắc uống.
Là bài thuốc chính để điều huyết (lý huyết). Trị các chứng huyết hư, huyết ứ, kinh nguyệt không đều, các chứng tai biến tiền sản hậu đều trên cơ sở bài thuốc đó mà gia giảm.
8.2. Đương quy bổ huyết thang (Nội ngoại thương biên hoạt luận):
Đương qui 8g, Hoàng kỳ 30 – 40g, sắc nước uống.
Trị chứng Tâm huyết hư (hồi hộp, dễ quên, mất ngủ, tâm phiền, bứt rứt).
8.3. Nhất quán tiễn (Liễu châu y thoại):
Đương quy thân 12g, Bắc Sa sâm 12g, Mạch môn 8g, Sinh địa 8g, Kỷ tử 16g, Xuyên luyện tử 4 – 6g, sắc uống.
Dùng trong trường hợp can huyết hư (đau váng đầu, hoa mắt, ù tai, chân tay co rút).
Mua vị thuốc Đương Quy
Mua vị thuốc theo định lượng cụ thể, quý khách vui lòng đặt mua trên trang Thuốc Hay. Top hoặc liên hệ 0968951159
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.