Tên khác : Tên khác: Hạ khô thảo (Cây có tên là hạ khô thảo vì theo người xưa cây này sau ngày hạ chí (mùa hạ) thì khô héo nên gọi là hạ khô thảo (trên thực tế ở nước ta, mùa hạ cây vẫn tươi tốt).
Tên Hán Việt: Tịch cú (夕句), Nãi đông (乃东), Yến diện (燕面), Mạch tuệ hạ khô thảo (麦穗夏枯草), Mạch hạ khô (麦夏枯), Thiết tuyến hạ khô (铁线夏枯), Thiết sắc thảo (铁色草), Bổng trụ đầu hoa (棒柱头花) v.v…
Tên khoa học Brunella (Prunella0 vulgaris L.
Họ khoa học: Thuộc họ Hoa môi Lamiaceae.
Cây hạ khô thảo
(Mô tả, hình ảnh cây hạ khô thảo, thu hái, phân bố, thành phần hóa học, tác dụng dược lý…)
Mô tả
Cây hạ khô thảo là một cây thuốc quý. Hạ khô thảo là một cây sống dai có thân vuông màu hơi tím đỏ, lá mọc đối, hình trứng hay hình mác dài, mép nguyên hoặc hơi có răng cưa, có ít lông ở thân và lá. Cụm hoa mọc ở đầu cành giống như bông do nhiều hoa có cuống ngắn mọc vòng, mỗi vòng có 5-6 hoa. Đài hoa có hai môi, môi trên có ba răng, môi dưới có hai răng, hình ba cạnh. Cánh hoa màu tím nhạt hình môi, môi trên như cái mũi, môi dưới sẻ ba, thuỳ giữa rộng hơn, nhị 2 dài, 2 ngắn, đều thò ra khỏi tràng. Vòi nhỏ dài. Quả nhỏ cứng.
Phân bố
Loài cây của các vùng Âu, Á ôn đới, phân bố ở Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và nhiều nước châu Âu
Chủ yếu sản xuất ở các vùng Giang Tô, An Huy, Chiết Giang, Hà Nam v.v…của Trung Quốc.
Ở Việt Nam cây này hiện nay mới phát hiện được ở Sapa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Hà Giang vào các tháng 4, 5, 6 rất nhiều, sang đến tháng 8 một số đã lụi đi. Hiện tại đã được khai thác.
Thu hái
Vào mùa hạ, khi một số quả đã chín thì hái cành mang hoa và quả sấy khô hay phơi khô.
Bộ phận dùng làm thuốc
Ta dùng cụm hoa và quả phơi hay sấy khô (Flos Brunellae cum Fructu) của cây hạ khô thảo.
Có người dùng cả bộ phận trên mặt đất (tháo) hái về phơi hay sấy khô để dùng.
Mô tả dược liệu
Dược liệu: hình chuỳ do bịép nên hơi dẹt, dài 1,5-8 cm, đường kính 0,8-1,5 cm; màu từ nâu nhạt đến nâu đỏ. Toàn cụm quả có hơn 10 vòng đài còn lại và lá bắc, mỗi vòng lại có hai lá bắc mọc đối trên cuống hoa hay quả như hình quạt, đỉnh nhọn, có gân gợn rõ, mặt ngoài phủ lông trắng. Mỗi lá bắc có 3 hoa nhỏ, tràng hoa thường bị rụng, đài có 2 môi, với 4 quả hạch nhỏ hình trứng, màu nâu với vết lồi trắng ở đầu nhọn. Thể nhẹ, chất giòn, mùi nhẹ, vị nhạt.
Thành phần hoá học
Hạ khô thảo chứa alcaloid tan trong nước, 3,5% muối vô cơ, tinh dầu. Trong các muối vô cơ có chủ yếu là kali chlorua. Tinh dầu chứa d-camphor (khoảng 50%) a- và D-fenchon, vết của alcol fenchylic. Chất đắng là prunellin (trong đó phần không đường là acid ursolic; còn có denphinidin cyanidin. Ở Pháp, người ta đã xác định trong cây có nhựa chất đắng, tanin, tinh dầu, chất béo, lipase, một glucosid tan trong nước (0,70g/kg cây khô) và một saponosid acid (1,10g).
Tác dụng dược lý
Thuốc sắc, dịch ngâm nước, ethanol – dịch ngâm nước và dịch ngâm ethanol bổn phẩm đều có tác dụng giáng thấp huyết áp động vật thực nghiệm rõ rệt. Thân, lá, bông và tòan thảo đều có tác dụng giáng áp, nhưng tác dụng của bông rõ hơn; tiêm vào xoang bụng chuột con dịch lắng cồn sắc nước bổn phẩm có tác dụng chống viêm rõ rệt; thuốc sắc bổn phẩm đối với trực khuẩn lỵ, trực khuẩn thương hàn, vi khuẩn phẩy hoắc lọan, trực khuẩn đại trường, trực khuẩn biến dạng, khuẩn cầu chùm và trực khuẩn lao thể người đều có tác dụng ức chế nhất định (Trung dược học).
Cửu Bảo, Điền Tĩnh Quang và Đảo Thanh Cát (1940, Hoà hán dược dụng thực vật) đã thí nghiệm lấy các muối vô cơ trong nước sắc hạ khô thảo, chế thành thuốc tiêm, tiêm tĩnh mạch thỏ, lập tức thấy huyết áp hạ xuống, vận động hô hấp tăng lên, tác dụng lợi tiểu rõ rệt như các muỗi kali khác. Do đó suy ra rằng sở dĩ hạ khô thảo có tác dụng là do lượng muối kali khá cao.
Theo báo Y học Liên Xô, 1951 (kỳ 6 năm thứ bảy) và Y dược học (quyển số 4 kỳ 6 1951) các chất tan trong nước có hạ khô thảo có tác dụng hạ huyết áp lâu dài trên bệnh nhân và làm hết các triệu chứng khó chịu của bệnh cao huyết áp.
Có nơi nhân dân Trung Quốc dùng nấu nước uống thay nước trà.
Tài liệu cổ nói vị hạ khô thảo có tác dụng chữa loa lịch (lở loét, tràng nhạc, mụn nhọt, dò ở trên đầu) rất có công hiệu.
Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân (thế kỷ 16) có kể một trường hợp ông dùng chữa bệnh nhức mắt rất công hiệu như sau: “Có một người con trai đau ở trong con ngươi, nhức cả ở trong quãng xương đầu lông mày và đau thêm nửa đầu, dùng hoàng liên nhỏ vào lại càng thêm đau, uống các thứ thuốc khác cũng đều không công hiệu, liền dùng ngải cứu ở các huyệt quyết âm, thiếu dương tức thời khỏi đau, cứ nhùng nhằng như thế tới hơn một tháng, liền dùng hạ khô thảo 2 lạng (80g), hương phụ (củ gấu) 2 lạng (80g), cam thảo 4 đồng cân (16g). Các vị cùng tán bột, mỗi lần uống 1 đồng rưỡi (6g) hoà với nước chè, uống khỏi miệng, đau nhức bớt ngay. Tiếp đó chỉ uống 4-5 lần nữa bệnh khỏi hẳn.”
Cùng trong tài liệu đó, Lý Thời Trân có kể một tác giả khác là Lê Sĩ Cư trong bộ sách Giản dị phương nói hạ khô thảo hàn đắng và lạnh (như hoàng liên) mà nhỏ vào lại càng đau thêm, nhưng dùng hạ khô thảo rất hay.
Vị thuốc hạ khô thảo
(Công dụng, liều dùng, quy kinh, tính vị…)
Tính vị
Vị đắng, cay, tính hàn, không độc.
Quy kinh
Vào 2 kinh can, đởm
Công dụng
Thanh can hoả, tán uất kết, tiêu ứ sáng mắt, làm thuốc chữa loa dịch, giải trừ nhiệt độc ở tử cung và âm hộ.
Chủ trị
Mắt đỏ sưng đau, nhức đầu, chóng mặt, bươú cổ, tràng nhạc, tuyến vú tăng sinh, nhọt vú sưng đau, huyết áp cao.
Cách dùng, liều lượng:
Ngày dùng 8 – 16g dạng thuốc sắc, dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc hạ khô thảo
Những bài thuốc dùng hạ khô thảo trong nhân dân
Chữa tràng nhạc mã đao:
Hạ khô thảo 5 lạng (200g) đun lấy nước đặc uống, uống trước khi ăn cơm 2 giờ (Bài thuốc trích trong sách “Tiếp thị ngoại khoa – Bản thảo cương mục”).
Cũng bệnh trên có thể dùng hạ khô thảo, hương phụ, bối mẫu, viễn chí đun lấy nước đặc uống rất hay, không nên coi thường (sách kinh nghiệm phương – bản thảo cương mục)
Chữa xích bạch đới:
Hạ khô thảo tán nhỏ, mỗi lần uống 8g với nước cơm (sách Từ Thị Phương).
Chữa tràng nhác:
(loa lịch) hạ khô thảo 8g, cam thảo 2g, nước 3 bát (600ml) sắc còn 200ml chia ba lần uống trong ngày.
Thông tiểu tiện:
Hạ khô thảo 8g, hương phụ tử 2g, cam thảo 1g, nước 600ml, sắc còn 200ml chia làm 3 lần uống trong ngày.
Bị đánh hay bị thương:
Dùng hạ khô thảo tươi tán nhỏ đắp vào vết thương.
Có thể dùng chữa bệnh cao huyết áp với liều 5-15g dưới dạng thuốc sắc.
Tham khảo
Phân biệt hạ khô thảo nam và hạ khô thảo bắc
Hiện nay một số người buôn thuốc nam ở ta và thuốc bắc có thu mua và bán một vị mang tên là hạ khô thảo hay hạ khô nam, hoặc hạ khô thảo Nghệ An hoặc cây cải trời, cải ma.
Cây này được xác định là Blumea subcapitata DC thuộc họ Cúc Asteraceac (Compositae) vậy hoàn toàn không giống cây hạ khô thảo ở Sapa và trước đây ta vẫn nhập của Trung Quốc. Hiện nay Cải trôi đã được xác định tên là Blumeca balsamifera).
Theo Cayla (Journ. Agric. Trop. 9, 1909, 253) cây cải dầu có tinh dầu màu vàng, mùi nồng vì chứa camphora nhiều hơn ở cây đại bi (Blumeca balsamifera).
Theo Baslas K. K. và Deshapande S. S. tinh dầu cải trời có 66% cinelo, 10% d-fenchon và 6% cotral.
Tuy nhiên, trong thực tế chữa bệnh lâu đời của nhiều ông lang, vị thuốc này cũng chữa có kết quả nhiều trường hợp bệnh ngoài ra.
Chúng tôi thấy vẫn tiếp tục nên dùng với tên là cải trời hay là cải ma để tránh nhầm lẫn. Đồng thời nên chú ý nghiên cứu, triển vọng có thể thêm một số vị thuốc quý nữa. Cải trời là một loại cỏ cao 30-59cm, mọc thẳng. Lá phía dưới đơn hoặc hơi xẻ, mép co răng cưa, dài 7cm, rộng 3-4cm, có nhiều lông nhất là mặt dưới. Hoa hình đầu
Kiêng kỵ
Theo sách trung dược học: Người Tỳ Vị hư yếu dùng cẩn thận.