Hoàng Kỳ
Dược liệu hoàng kỳ là bộ phận rễ của cây có cùng tên được thu hoạch và bào chế để làm thuốc. Hoàng kỳ có vị ngọt, tính ấm, được quy vào kinh Phế và Tỳ, có tác dụng lợi tiểu, bổ khí, trừ mủ, sinh cơ. Hãy tham khảo bài viết dưới đây để biết thêm những thông tin khác từ dược liệu này.
1. Tên gọi – Phân nhóm
- Tên gọi khác: Miên hoàng kỳ, Tiễn kỳ, Bắc kỳ, Sinh hoàng kỳ, Đái thảm, Thục chi, Ngải thảo,…
- Tên khoa học: Astragalus membranaceus
- Họ: Thuộc họ Cánh bướm (Fabaceae)
2. Đặc điểm sinh thái
Mô tả: Cây hoàng kỳ là cây thảo, sống lâu năm. Khi trưởng thành, cây có thể cao tới 70 cm. Thân mọc thẳng đứng được phân thành nhiều cành. Lá kép dạng lông chim, lá đơn mọc mọc so le. Lá chét hình trứng dài, đầu lá nhọn hoặc tròn. Kích thước hoa dài hơn lá, hoa mọc thành cụm dưới lá lá, hoa có màu vàng tươi. Qủa hình đậu dẹt, đầu thuôn dài, vỏ quả có những lông tơ ngắn. Rễ dài, hình trụ và đâm sâu vào lòng đất, vỏ bọc ngoài rễ có mày vàng nâu hoặc màu đỏ nâu
Phân bố: Dược liệu hoàng kỳ chủ yếu được trồng ở các tỉnh thuộc Trung Quốc như: Hoa Bắc, Tây Bắc, Đông Bắc, Du Lâm, Diên An, Tứ Xuyên, Bửu Kê,… Cây thường mọc ở những bãi đất cá, bên bờ rừng, vũng rãnh thoát nước. Hiện, cây hoàng kỳ chưa được di thực vào nước ta.
3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản
Bộ phận dùng: Bộ phận rễ của cây hoàng kỳ có các đặc tính của dược phẩm, được thu hoạch và bào chế để làm thuốc.
Thu hái: Thời điểm thích hợp để thu hoạch là vào màu thu, 3 năm thu hoạch một lần. Thu hoạch những cây càng nhiều năm tuổi càng thu được chất lượng sản phẩm cao.
Chế biến: Đào lấy phần rễ của cây hoàng kỳ, rửa sạch bằng nước để loại bỏ lớp đất cát, bụi bẩn, tạp chất còn bám vào, cắt bỏ đầu rễ và rễ con, sau đó đem phơi nắng hoặc sấy cho khô. Sau khi khô, phân loại hoàng kỳ thành các loại khác nhau (loại to và loại nhỏ), thái thành phiến nhỏ để dùng. Hoặc có thể bào chế bằng cách khác, đem hoàng kỳ đã được thái phiến tẩm với một ít mật ong, hòa với một ít nước sôi, sau đó đem sao trên lửa nhỏ cho vàng.
Bảo quản: Hoàng kỳ được bảo quản trong bọc kín hoặc hũ thủy tinh, đậy kín bao bì sau những lần sử dụng để được sử dụng lâu dài. Đối với hoàng kỳ tẩm với mật ong không được cất trữ và sử dụng trong thời gian dài. Bảo quản ở độ phòng, nơi thoáng mát, không để dược liệu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
4. Thành phần hóa học
Bộ phận rễ của cây Hoàng kỳ có chứa các thành phần hóa học sau:
- Tinh bột
- Saccharose
- Glucose
- Chất nhầy
- Cholin
- Betain
- Các loại acid amin
- Calycosin
- Các loại Astragaloside
5. Tính vị
- Vị ngọt, tính hơi ôn (Trung Dược học)
- Vị ngọt, tính hơi ôn (Bản Kinh)
- Vị ngọt, tính bình, khí ấm (Y học Khải Nguyên)
- Vị ngọt, tính hơi ấm (Trung Dược Đại từ điển)
- Vị ngọt, tính ấm (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách)
6. Quy kinh
Dược liệu hoàng kỳ được quy vào các kinh sau:
- Kinh Phế và Tỳ (Trung Dược Đại Từ Điển).
- Kinh Phế và Tỳ (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách)
- Kinh Phế, Tỳ và Tâm (Trung Dược học)
- Kinh Tam tiêu, Tỳ và Thận (Thang dịch bản thảo)
7. Tác dụng dược lý Dược liệu hoàng kỳ :
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể, điều tiết miễn dịch, thúc đẩy sự hình thành kháng thể
- Thúc đẩy quá trình chuyển hóa protid của huyết thanh và gan, tăng cường chuyển hóa sinh lý của tế bào
- Lợi tiểu
- Chữa suy tim do mệt mỏi hoặc bị nhiễm độc, tăng lực co bóp tim
- Tăng sức đề kháng của mao mạch, giãn mạch ngoại vi, có tác dụng hạ áp (thí nghiệm trên thỏ)
- Chữa thận hư do nhiễm mỡ
- Kháng trực khuẩn lỵ, kháng liên cầu khuẩn dung huyết, tụ cầu vàng
- Hưng phấn trong việc co bóp tử cung (thí nghiệm trên chuột cống)
- Ức chế ruột cô lập (thí nghiệm ở thỏ)
- Kháng tế bào ung thư, tăng trưởng xương đùi của phôi thai (thí nghiệm ở gà)
- Bảo vệ gan, chống giảm hàm lượng Glycogen ở gan
Theo Y học cổ truyền:
- Bổ tỳ vị, bổ khí huyết, cố biểu, lợi tiểu (Trung Quốc dược học đại tự điển)
- Bổ trung ích khí (Trung dược đại tự điển)
- Bổ khí, lợi thủy, thác độc, bài nùng, cố biểu, sinh cơ, lâu lành các vết thương (Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc Dược Điển)
- Chữa mụn nhọt, lở loét, trị bệnh phong hủi, bổ hư, ngũ trĩ, tiểu nhi bách bệnh (Bản kinh)
- Trị đái tháo đường, đái đục, đái rát, buốt
- Trị khí hư, tiêu chảy lâu ngày, huyết hư, suy nhược cơ thể
- Trị hư lao, mồ hôi tự tiết, đổ mồ hôi trộm
- Mạnh cơ bắp, bổ huyết
- Trị huyết băng, đái hạ
- Trị suy thận, tai điếc
8. Cách dùng – Liều lượng Dược liệu hoàng kỳ
Liều lượng: Dùng 12 – 20 gram mỗi ngày, nếu cần thiết có thê tăng liều tối đa là 80 gram/ ngày.
Cách dùng: Hoàng kỳ được dùng dưới dạng sắc hoặc sắc thành cao đặc. Có thể sử dụng Hoàng kỳ kết hợp với các vị thuốc khác, tùy thuộc vào từng bài thuốc.
9. Những bài thuốc từ Dược liệu hoàng kỳ
Hoàng kỳ là một trong những vị thuốc quý trong nền Y học cổ truyền. Trong bài thuốc chữa bệnh từ Hoàng kỳ, đa số kết hợp dược liệu này cùng với một số các vị thuốc khác để chữa một số bệnh lý ở người như: tiêu chảy lâu ngày, đổ nhiều mồ hôi, mụn nhọt bị vỡ, rong huyết,…
Dưới đây là những bài thuốc từ Hoàng kỳ bạn đọc có thể tham khảo và áp dụng điều trị bệnh:
Bài thuốc từ Dược liệu hoàng kỳ chữa phong thấp, mạch phù, đổ nhiều mồ hôi:
Dùng Hoàng kỳ, Phòng kỷ mỗi vị 40 gram, 30 gram Bạch truật và 20 gram Cam thảo. Đem các vị thuốc trên tán thành bột mịn, sử dụng mỗi lần 20 gram. Thêm 4 lát gừng tươi và 1 quả táo, sắc lấy nước để dùng. Dùng thuốc khi còn nóng.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa âm dương yếu, cơ thể mất cảm giác, chứng phong tý, huyết tý:
Dùng Hoàng kỳ, Thược dược, Quế chi mỗi vị 120 gram, 240 gram Sinh khương và 12 trái táo. Đem các vị thuốc trên sắc cùng với nước để dùng, có thể chia thành nhiều phần nhỏ để sử dụng trong ngày. Dùng thuốc khi còn nóng, nếu thuốc nguội, nên hâm nóng lại trước khi dùng.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa vàng da, tiểu sẫm màu, chân bị sưng, trúng gió, các triệu chứng bất thường của nghiện rượu:
Dùng 80 gram Hoàng kỳ cùng với 40 gram Mộc lan. Đem hai vị thuốc trên tán thành bột mịn. Sử dụng 8 gram cho mỗi lần uống cùng với rượu nóng, uống mỗi ngày 3 lần.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa tiêu khát, tiêu rát:
Dùng Hoàng kỳ, Chích thảo, Mạch môn (không sử dụng phần lõi), Quát lâu, Phục thần mỗi vị 120 gram cùng với 200 gram Can địa hoàng. Đem một thang thuốc trên sắc để lấy nước dùng. Dùng thuốc khi còn nóng.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa tiểu không thông:
Dùng 8 gram Hoàng kỳ đem sắc cùng với hai chén nước, sắc cô đặc còn một chén nước. Người bệnh nên dùng thuốc khi thuốc còn nóng. Đối với trẻ em chỉ dùng 4 gram Hoàng kỳ để trị tiểu không thông.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa sưng tấy ở hai bên ngón tay và chân:
Dùng 80 gram Hoàng kỳ cùng với 120 gram Lan nhự, đem hai nguyên liệu trên ngâm với giấm để qua đêm, rồi đem sắc cùng với 5 chén mỡ heo. Sắc cô đặc còn nửa phần nước, lọc bỏ bã chỉ lấy phần nước đắp lên vị trí vị sưng tấy, lở loét. Thực hiện mỗi ngày 3 lần, dùng đến khi bệnh tình tiêu biến.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa thổ ra huyết, phế ung:
Dùng 80 gram Hoàng kỳ đem tán thành bột mịn. Sử dụng mỗi lần 8 gram sắc cùng với 5 phần nước, sắc cô đặc còn 3 phần để dùng. Mỗi ngày sử dụng 3 – 4 lần, dùng khi thuốc còn nóng.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa khô miệng, khô môi, tiêu khát và rát, cơ thể mỏi mệt, chán ăn, hồi hồi, tay chân có ghẻ nhọt, mụn nước:
Dùng 240 gram Hoàng kỳ (nướng cùng với mật) và 40 gram Chích thảo, đem hai vị thuốc trên giã nát. Mỗi lần sử dụng 8 gram cùng với 1 quả táo sắc lấy nước dùng. Người bệnh nên dùng khi thuốc còn nóng.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa mệt mỏi ở người già:
Dùng Hoàng kỳ, Trần bì mỗi vị 20 gram, đem hai vị thuốc trên tán thành bột mịn. Mỗi lần sử dụng 12 gram cùng với 1 chén vừng đen (nghiền nát và lọc lấy phần nước), sắc trên ngọn lửa nhỏ, rồi cho một thìa mật ong và tiếp tục sắc đến khi cô đặc lại. Dùng thuốc khi bụng đói hoặc trước bữa ăn.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa nôn ra máu nhiều không dứt:
Dùng 10 gram Hoàng kỳ cùng với 20 gram Tử bối phù bình, đem hai vị thuốc trên tán thành bột mịn. Mỗi lần sử dụng 4 gram cùng với nước gừng và mật ong.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa mồ hôi tự tiết, đổ mồ hôi hột:
Dùng Hoàng kỳ và Phòng phong mỗi vị 40 gram cùng với 80 gram Bạch truật, đem thang thuốc trên tán thành bột mịn. Mỗi lần sử dụng 12 gram để sắc lấy nước dùng, thêm 3 lát gừng để sắc cùng.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa ung thư (mụn nhọt) lâu ngày nhưng không vỡ mụn nước:
Dùng 16 gram Hoàng kỳ, 12 gram Xuyên khung 8 gram Đương quy, 6 gram Tạo giác thích cùng với 4 gram Xuyên sơn giáp (sao). Đem một thang thuốc trên sắc cùng với nước để dùng, dùng khi thuốc còn nóng.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa ung thư (mụn nhọt) phá mủ:
Dùng Hoàng kỳ, Mẫu lệ, Nhân sâm, Phục linh, Sinh khương mỗi vị 12 gram cùng với 8 gram Cam thảo và 4 gram Ngũ vị tử. Đem một thang thuốc trên sắc lấy nước dùng. Người bệnh nên dùng khi thuốc còn nóng, nếu thuốc nguội cần hâm nóng lại trước khi dùng.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa tiểu đục do khí hư:
Dùng 20 gram Hoàng kỳ (sao với muối) cùng với 40 gram Phục linh. Đem hai vị thuốc trên sắc tán thành bột mịn. Mỗi lần sử dụng 8 gram cùng với nước, uống khi bụng đói hoặc trước bữa ăn.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa tiểu ra máu, gây ra đau rát:
Dùng Hoàng kỳ và Nhân sâm với liều lượng bằng nhau, đem tán thành bột mịn. Lấy một củ cải lớn, sắc thành từng miếng nhỏ rồi đem tẩm cùng với 80 gảm mật, đem sao cho đến khi hết mật. Dùng củ cải chấm ăn cùng với hỗn hợp bột hoặc có thể sử dụng uống cùng với nước muối.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa đái đường, hồi hộp, vàng da, ăn uống không ngon miệng, lở mụn nhọt do tiêu khát, tác dụng bổ hư, bổ khí huyết, phòng chống các bệnh ung thư:
Dùng 240 gram Hoàng kỳ (lấy 120 gram sấy khô rồi tán thành bột) cùng với 40 gram Phấn cam thảo (lấy 20 gram sao vàng và tán thành bột mịn). Mỗi lần sử dụng 8 gram cùng với nước nóng, uống mỗi ngày 3 lần. Hoặc có thể đem một thang thuốc trên sắc để lấy nước dùng.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa đi ngoài ra máu, chữa ngứa (phong):
Dùng Hoàng kỳ và Hoàng liên với liều lượng bằng nhau. Đem hai vị thuốc trên tán thành bột mịn, thêm một ít bột miến rồi hoàn thành viên. Sử dụng mỗi ngày đến khi bệnh tình thuyên giảm.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa mắt đỏ, táo bón do nhiệt:
Dùng 40 gram Hoàng kỳ cùng với 8 gram Đương quy (tẩm rượu). Đem hai vị thuốc trên sắc để lấy nước dùng, uống khi bụng đói.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa ho ra máu:
Dùng 160 gram Hoàng kỳ cùng với 40 gram Cam thảo, đem hai vị thuốc trên tán thành bột mịn. Mỗi lần sử dụng 8 gram cùng với nước nóng.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa ngứa bộ phận sinh dục (cả nam và nữ):
Dùng Hoàng kỳ và Nhân sâm mỗi vị 40 gram, 4 gram Long não, đem tán thành bột mịn. Cho một ít nước cốt ngó sen để hoàn thành viên có kích thước bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần sử dụng 20 viên cùng với nước ấm.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa suy nhược cơ thể, chóng mặt, hoa mắt, rong kinh, băng huyết, sa trực trường, sa tử cung do khí hư:
Dùng Hoàng kỳ, Đương quy, Bạch truật, Đảng sâm, Cam thảo mỗi vị 12 gram; Sài hỗ và Trần bì mỗi vị 6 gram cùng với 4 gram Thăng ma. Đem một thang thuốc trên sắc lấy nước dùng, nên dùng thuốc khi còn nóng.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa sốt do huyết hư, mất máu nhiều cho khí hư:
Dùng 40 gram Hoàng kỳ cùng với 8 gram Đương quy. Đem hai vị thuốc trên sắc cùng với lượng nước vừa đủ, thêm một ít Đồng tiện để uống trị bệnh.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa mụn nhọt nổi do huyết hư gây sưng tấy, lở loét lâu ngày không lành:
Dùng Hoàng kỳ và Kim ngân hoa mỗi vị 16 gram; Đương quy, Thiên hoa phấn mỗi vị 12 gram; Bạch truật và Xuyên khung mỗi vị 8 gram cùng với 4 gram Cam thảo. Đem một thang thuốc trên sắc cùng với nước để dùng. Hoặc có thể sử dụng bài thuốc sau: dùng 20 gram Hoàng kỳ, 20 gram Kim ngân hoa, 16 gram Đương quy và 6 gram Cam thảo, sắc thang thuốc trên cùng với một lượng nước để dùng.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa đau khớp do phong thấp, suy nhược cơ thể:
Dùng Hoàng kỳ, Bạch thược, Quế chi mỗi vị 120 gram cùng với 240 gram Sinh khương và 12 trái Đại táo. Đem một thanh thuốc trên sắc lấy nước dùng. Người bệnh nên dùng thuốc khi còn nóng.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa suy nhược mãn tính do tỳ hư, tiểu chảy lâu ngày không khỏi, ăn uống kém, rong kinh, sa tử cung, sa trực tràng:
Dùng Hoàng kỳ, Bạch truật, Đương quy, Đảng sâm mỗi vị 12 gram; Sài hồ, Thăng ma mỗi vị 6 gram cùng với Trần bì và Cam thảo mỗi vị 4 gram. Đem một thang thuốc trên sắc cùng với nước để dùng. Dùng thuốc khi còn nóng, nếu nguội cần hâm nóng lại trước khi dùng.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa sa bao tử:
Dùng Hoàng kỳ (sống), Sài hồ, Thăng ma, Ngũ vị tử với liều lượng bằng nhau, đem bào chế thành dung dịch tiêm. Mỗi lần sử dụng 4 ml để tiêm vào bắp thịt, thực hiện mỗi ngày 2 lần (sáng và tối).
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa bệnh trĩ (lòi dom), sa trực trường:
Dùng 30 – 50 gram Hoàng kỳ, 15 gram Đan sâm, 10 gram Sơn tra nhục cùng với Thăng ma và Phòng phong mỗi vị 3 gram. Đem một thang thuốc trên sắc cùng với nước để dùng. Ngoài ra, có thể kết hợp bôi sa trực tràng bằng cách: sử dụng một thang thuốc trên đem tán thành bột mịn, cho thêm một ít Hương dầu rồi bôi lên vùng trực trường.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ phòng cảm mạo:
Mỗi ngày sử dụng 5 viên Hoàng kỳ (mỗi viên có chứa 1 gram thuốc sống), sử dụng mỗi ngày 3 lần. Hoặc sử dụng 15 gram Hoàng kỳ sắc lấy nước để uống. Lộ trình sử dụng là 10 ngày.
Dùng 15 gram Hoàng kỳ cùng với 10 gram Đại táo, đem hai vị thuốc trên tán thành bột mịn. Mỗi ngày sử dụng 2 lần, uống cùng với nước.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ phòng bệnh viêm đường hô hấp cho trẻ em:
Dùng 2 gram Hoàng kỳ sống bào chế thành dung dịch tương ứng với 2 ml. Sử dụng liều lượng trên để uống mỗi ngày 1 lần.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa viêm mũi dị ứng:
Dùng dung dịch tiêm từ Hoàng kỳ để tiêm vào mỗi bên mũi 2 ml. Thực hiện mỗi ngày 3 lần, lộ trình thực hiện tối đa là 10 lần tiêm.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa viêm phế quản mãn tính:
Dùng 24 gram Hoàng kỳ, 19 gram Tuyền phúc hoa, 10 gram Bách bộ cùng với 6 gram Địa long. Đem các vị thuốc trên tán thành bột mịn rồi hoàn thành viên, mỗi viên là 0,31 gram. Mỗi lần sử dụng 6 viên cùng với nước, mỗi ngày uống 3 lần. Lộ trình thực hiện tối đa là 10 ngày.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa loét dạ dày, loét hành tá tràng:
Dùng dung dịch Hoàng kỳ tiêm vào bắp thịt, mỗi lần sử dụng 2 ml tương ứng với 2 gram thuốc sống. Sử dụng thuốc mỗi ngày 2 lần (sáng và tối).
Dùng Hoàng kỳ, Bạch thược mỗi vị 12 gram, 30 gram Đường phèn, 5 gram Cam thảo, Quế chi và Sinh khương mỗi vị 3 gram cùng với 5 quả Đại táo. Đem các vị thuốc trên sắc lấy nước dùng, chia phần thuốc trên thành hai phần để sử dụng. Dùng khi thuốc còn nóng.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa bệnh viêm gan mãn tính:
Dùng 4 ml dung dịch Hoàng kỳ tiêm vào bắp thịt (tương ứng với 4 gram thuốc sống). Mỗi ngày sử dụng một liều.
Dùng dung dịch Hoàng kỳ 4 ml (tương ứng với 8 gram thuốc sống) cùng với 1 gram Đan sâm. Mỗi ngày tiêm một lần, mỗi tuần tiêm 6 lần. Lộ trình thực hiện tối đa 3 tháng.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa bệnh tim mạch:
Dùng 30 gram Hoàng kỳ, Đan sâm, Xích thược mỗi vị 15 gram, 12 gram Đương quy và 10 gram Xuyên khung. Mỗi ngày sử dụng một thang thuốc trên để sắc lấy nước dùng. Lộ trình sử dụng thuốc từ 4 – 6 tuần.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa chứng bạch cầu giảm:
Dùng 30 gram Hoàng kỳ (sống), 15 gram Điều sâm cùng với 20 quả Tiểu hồng táo. Đem những vị thuốc trên sắc lấy nước dùng. người bệnh nên dùng thuốc còn nóng.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa bệnh thận:
Dùng 100 gram Hoàng kỳ (sống) chế thành cao lỏng và chia thành hai lần uống mỗi ngày. Lộ trình điều trị từ 0,5 – 3 tháng. Thận trọng khi sử dụng kết hợp cùng với các loại thuốc Tây.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa viêm cầu thận mãn tính:
Dùng 2 ml dung dịch Hoàng kỳ (tương đương với 8 gram thuốc sống) để tiêm vào bắp thịt. Lộ trình thực hiện tối đa là 30 ngày.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa sốt xuất huyết:
Dùng 5 ml dung dịch Hoàng kỳ (tương đương với 5 gram thuốc sống) để tiêm vào tĩnh mạch hoặc sử dụng 20 ml để truyền dịch. Thực hiện mỗi ngày 2 lần, lộ trình thực hiện tối đa là 7 ngày.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa thị lực giảm sau phẫu thuật:
Dùng 2 ml dung dịch Hoàng kỳ (tương đương với 4 gram thuốc sống) để tiêm vào bắp thịt. Lộ trình thực hiện là 30 lần.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa phì đại tuyến tiền liệt:
Dùng 100 gram Hoàng kỳ, 30 gram Hoạt thạch, đem hai vị thuốc trên sắc hai lần nước. Ngoài ra dùng thêm 3 gram Hổ phách đem tán thành bột mịn rồi trộn vào nước sắc trên. Dùng thuốc khi bụng đói hoặc trước bữa ăn.
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa bệnh vảy nến:
Dùng một lượng Hoàng kỳ để bào chế thành cao, 1 viên tương ứng với 1,3 gram thuốc sống. Mỗi lần sử dụng 4 viên uống cùng với nước, uống mỗi ngày 2 lần. Hoặc có thể sử dụng 2 ml dung dịch Hoàng kỳ để tiêm bào bắp thịt (tương ứng với 8 gram thuốc sống).
Bài thuốc từ Hoàng kỳ chữa lupus ban đỏ:
Dùng 30 – 90 gram Hoàng kỳ để sắc lấy nước dùng mỗi ngày. Lộ trình sử dụng từ 1 – 12 tháng tùy thuộc vào tình trạng bệnh.
10. Kiêng kỵ
- Không sử dụng các bài thuốc từ Hoàng kỳ để chữa một số bệnh lý cho các đói tượng dị ứng hoặc mẫn cảm với một số thành phần có trong dược liệu này.
- Không sử dụng Hoàng kỳ đồng thời với Miết giáp và Bạch tiễn bì.
- Rối loạn tiêu hóa nếu bụng đầy thuộc thực chứng, dương chứng: Không dùng.
- Thực chứng mà âm hư dương thịnh: Không dùng.
- Mụn đậu, ghẻ lở do huyết nhiệt, khí thịnh: không dùng.
- Phần biểu có tà khí: Không dùng.
- Ngực, hoành cách mô có bỉ khí, tích tụ: Không dùng.
Bài viết đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin về Hoàng kỳ và công dụng của dược liệu này. Tuy nhiên, thông tin bài viết chỉ mang giá trị tham khảo, không thay thế lời khuyên hay phương pháp điều trị của bác sĩ. Người bệnh nên thăm khám để xác định chính xác bệnh lý đang mắc phải trước khi quyết định sử dụng các bài thuốc từ dược liệu này. Bạn đọc không được tự ý sử dụng dược liệu này để chữa bệnh khi chưa có chỉ định từ bác sĩ hoặc lương y.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.