Tên Khác: Kê nội kim còn gọi Kê Chuân Bì, Kê Hoàng Bì, Kê Tố Tử (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển), Màng Mề Gà (Dược Liệu Việt Nam).
Kê nội kim là lớp màng màu vàng phủ mặt trong của mề hay dạ dày con Gà (Gallus domesticus Brisson) thuộc họ Phasianidae
Kê nội kim
( Mô tả, hình ảnh, thu hái, chế biến, thành phần hoá học, tác dụng dược lý ….)
Mô Tả:
Màng màu vàng cam hoặc nâu, trên mặt có các lớp nhăn dọc. Khi khô thì giòn, dễ gãy vụn, vết bẻ có cạnh bóng, dài khoảng 3,5cm, rộng 3cm, dày chừng 5mm. Sấy lửa thì phồng lên.
Bộ Phận Dùng:
Lớp màu vàng phủ mặt trong của mề gà (Gallus domesticus). Lựa loại khô, sạch tạp chất, nguyên cái hoặc bổ đôi không vụn nát. Không nên dùng màng mề vịt màu xanh, ít nếp nhăn.
Sơ Chế:
Khi mổ gà, bóc ngay lấy màng mề gà, rửa sạch, phơi hoặc sấy. Khi dùng đem sấy với cát cho phồng lên.
Bào Chế:
Mổ ra, gạt bỏ hết chất bẩn, rửa qua nhanh tay, bóc lấy màng vàng, phơi khô (Phương Pháp Bào Chế Đông Dược).
Dùng sống hoặc sao lên, nướng lên dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu). Bảo Quản: Dễ bị mọt và dòn, vụn nát. Để nơi khô ráo, kín, tránh đè nặng làm vỡ nát.
Vị thuốc Kê nội kim
( Công dụng, Tính vị, quy kinh, liều dùng …. )
Công dụng:
Khoan trung, kiện Tỳ, tiêu thực, an Vị (Trấn Nam Bản Thảo).
Tiêu tửu tích, tiêu hầu tý (Bản Thảo Cương Mục).
Hóa đờm, lý khí, lợi thấp (Bản Thảo Tái Tân).
Tiêu thực, vận Tỳ, cố tinh (Trung Dược Học).
Tiêu thức ăn, giúp cho Vị dung nạp thức ăn (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Chủ Trị:
– Trị tiêu chảy, lỵ (Bản Kinh).
– Trị tiểu nhiều, trừ nhiệt làm cho bứt rứt ở trên (Biệt Lục).
– Trị sữa tích trệ, cam tích (Trấn Nam Bản Thảo).
– Trị họng sưng đau, nhũ nga [amidal], miệng lở(Bản Thảo Cương Mục).
– Trị huyền tích, trưng hà, báng, tích tụ, bế kinh (Y Học Trung Trung Tham tây Lục).
– Trị tiêu hóa rối loạn, thực tích, cam tích, đái dầm, Di tinh (Trung Dược Học).
– Trị ăn uống tích trệ ở trong, trẻ nhỏ bị cam tích, nôn mửa, bụng trướng, tiêu chảy, lỵ (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Liều Dùng:
6 – 12g. Thuốc sao lên tán bột uống tốt hơn là cho vào thuốc thang (Trung Dược Học).
Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc Kê nội kim
Trị sau khi sinh xong bị đái dầm:
Kê nội kim, liều lượng tùy dùng, tán nhỏ, uống với rượu ấm (Kê Nội Kim TánChứng Trị Chuẩn Thằng).
Trị cam tích, bụng đầy, ăn ít:
Kê nội kim (sao) 60g. Tán bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần4 – 6g với nước cơm hoặc nước sôi ấm (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
Trị cam tích, bụng to:
Kê nội kim 12g, Miết giáp (nướng) 30g, Xuyên sơn giáp đều 8g. Tán bột. Mỗi ngày uống 1 lần, mỗi lần 1,5 – 3g (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
Trị đại trường viêm mạn:
Kê nội kim (sao) 10g, Bạch truật 10g. Tán bột, trộn đều. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 4 – 6g (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
Trị tiêu chảy kéo dài do Tỳ hư:
Kê nội kim, Bạch truật, Can khương đều 60g, Đại táo nhục 240g (chưng chín). Tất cả sao chín, tán bột, trộn với Táo nhục giã nát, trộn đều làm thành bánh, sấy khô. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 10g (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
Trị sỏi mật, sỏi đường tiểu:
Kê nội kim 12g, Kim tiền thảo 15g, Uất kim 10g, Hồ đào 15g, Hải kim sa 15g. Sắc uống (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
Trị sỏi tiết niệu:
Lục Nhất Tán (Cam Thảo, Hoạt thạch) 30g, Hỏa tiêu 10g, Kê nội kim 10g. Tán bột. Ngày 2 lần mỗi lần 2 – 6g (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).