Tên khác: Cơm nếp
Tên khoa học Strobilanthes affinis (Griff.) Y.G. Tang (S. acrocephalus T. Anders, var. glabrior R. Ben., thuộc họ Ô rô – Acanthaceae.
Cây Cơm nếp
( Mô tả, hình ảnh cây Cơm nếp , thu hái, chế biến, thành phần hoá học, tác dụng dược lý ….)
Mô tả:
Cây thảo bò rồi đứng, nhánh phình ở các mấu, có lông mịn. Lá mọc đối, không bằng nhau từng cặp, phiến xoan rộng 6x4cm, đầu có mũi, gốc tù, gân phụ 5-6 cặp, mép khía răng tròn và nhăn nheo, hai mặt đều có lông thưa; cuống dài 1cm. Chùm hoa ở ngọn nhánh, có lá bắc kết lợp; lá đài có lông và rìa lông; tràng màu lam hay hồng, cao 1,5cm; nhị 4, thò; bầu và vòi nhuỵ có lông.
Hoa tháng 3-5 trở đi tới tháng 8-9.
Bộ phận dùng:
Cả cây trừ rễ – Herba Strobilanthis Affinis.
Nơi sống và thu hái:
Cây mọc hoang thành bãi dưới tán rừng thưa, chỗ ẩm mát, ở thung lũng, gần các suối trong rừng ẩm núi cao Hà Giang, Bắc Thái, Lạng Sơn, Ninh Bình. Thu hái cây quanh năm, tốt nhất là vào đầu mùa hè, phơi khô.
Vị thuốc Cơm nếp
(Công dụng, liều dùng, quy kinh, tính vị…)
Tính vị, công dụng:
Vị đắng, mùi thơm, tính ấm; có công dụng an thần lợi sữa, tiêu viêm.
Công dụng, chỉ định và phối hợp:
Thường được dùng làm thuốc lợi sữa và bó gãy xương.
Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc Cơm nếp
Phụ nữ nuôi con ít sữa
Dùng 50-100g lá tươi, luộc vớt bỏ bã, cho gạo nếp vào nấu cháo ăn.
Bó gãy xương:
50g lá tươi giã nhỏ với 20 g lá Chanh, 20g lá Dâu tằm, 5g muối trắng, một con gà con, đắp bó chỗ gãy.
Cây cơm nếp độc và không độc
1. Cây cơm nếp (họ Dứa gai) – không độc:
Trong các sách thuốc ở nước ta, thường gọi là “cây lá dứa”. Cây còn có các tên khác, như “dứa thơm”, “lá dứa thơm”, “cây cơm nếp”, “lá nếp”; sách thuốc Trung Quốc thường gọi là “hương lan”, … tên khoa học là Pandanus amaryllifolia Roxb. (Panadanus odorus Ridl), thuộc họ Dứa gai (Pandanaceae). Cây cơm nếp mọc thành bụi, có thể cao 1m, đường kính thân 1-3cm, phân nhánh. Lá hình mũi mác, nhẵn, xếp thành hình máng, dài 40-50cm, rộng 3-4 cm, mép không gai, mặt dưới có màu nhạt, có nhiều gân cách nhau 1mm. Lá có mùi thơm như mùi cơm nếp (nên có tên là cây cơm nếp); đặc biệt, nếu để khô sẽ càng thơm hơn.
Cây vốn mọc hoang dại, do lá có mùi thơm dịu, hiện tại được trồng khắp nước ta, nhiều nhất ở các tỉnh phía Nam, để lấy lá (tươi hay khô) cho vào thức ăn như bánh, kẹo, rượu, …
Tại Malaixia, cây cũng được trồng để lấy lá bỏ vào thức ăn và hấp cơm cho có mùi thơm; còn dùng để nhuộm hồ cho có màu xanh chlorophylle.
Ở “chợ thuốc Nam”, cũng như ở các hàng lá tại các chợ ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, người ta thường bó lá cơm nếp thành từng bó nhỏ từ 7-10 lá để bán lẻ, rồi gộp nhiều bó nhỏ bó lại thành bó lớn, để bán buôn. Suốt cả bốn mùa, lúc nào cũng có, do lá có thể thu hái quanh năm.
Kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy: Trong thành phần của lá cơm nếp có một số hợp chất thơm, chịu được nhiệt. Thứ mùi đặc trưng, thơm dịu nhẹ, như mùi cơm nếp, là do một enzym không bền vững, dễ bị ô-xy hóa tạo nên.
Ngoài sử dụng để chế biến các món ăn, lá còn được phối hợp với một số vị thuốc khác, nấu nước xông, giúp sản phụ mới sinh con có thêm sức khỏe và da dẻ hồng hào.
Về độc tính, theo sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của cố Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Đỗ Tất Lợi: Nhân dân, đặc biệt nhân dân các tỉnh phía Nam, thường dùng “lá dứa thơm” (cây cơm nếp) để làm thơm kẹo bánh. Chưa hề thấy ai nói gặp hiện tượng ngộ độc do dùng lá dứa này để làm thơm thức ăn.
Đối với vấn đề cây cơm nếp có thể gây ung thư, chúng tôi chưa thấy có tài liệu chính thực đề cập tới.
2. Cây cơm nếp (họ Ô-rô) – có độc:
Trong các sách thuốc ở nước ta, còn đề cập đến một cây cơm nếp khác; có tên khoa học là Strobilanthes acrocephalus T. Anders, thuộc họ Ô rô (Acanthaceae).
Cây mọc hoang dại thành bãi, dưới tán rừng thưa, nơi ẩm mát. Không thấy trồng để chế biến thức ăn.
Là loài cây thảo (cỏ), thân mềm, mọc bò rồi dựng đứng lên, ở mỗi mấu đốt thân phình lên. Lá mọc đối, thành từng cặp không bằng nhau; mép khía răng cưa tròn và nhăn nheo, hai mặt đều có lông thưa, để héo có mùi thơm như mùi cơm nếp (do đó có tên là “cây cơm nếp”). Hoa mọc thành bông ở kẽ lá hay đầu cành. Mùa hoa quả từ tháng 3-5 tới tháng 8-9.
Để làm thuốc, dùng toàn cây, trừ bỏ rễ, cắt thành từng đoạn, phơi hay sấy khô. Mùa thu hái gần như quanh năm, nhưng tốt nhất vào mùa hè.
Dân gian dùng cây này sắc uống (hoặc sắc lấy nước nấu cháo) để lợi sữa và tăng sức khỏe cho sản phụ; còn dùng làm thuốc an thần, chữa đau đầu khó ngủ. Một số địa phương, thường sử dụng cây cơm nếp này, phối hợp với lá chanh, lá dâu tằm, gà con, … để bó gãy xương. Tuy nhiên, cây này có độc, do đó người không có kinh nghiệm, chỉ nên dùng để đắp ngoài.
Cây này cũng mang tên cơm nếp, nhưng trên thực tế, người ta không dùng làm thơm thức ăn vì có độc.
Như vậy: Để tạo mùi thơm hoặc nhuộm màu thức ăn, chỉ nên dùng cây cơm nếp (họ Dứa gai), giới thiệu ở trên.