Tên khác: Tên dân gian: Lức, lức cây, Sài hồ nam, Nam sài hồ.
Tên khoa học: – Pluchea pteropoda Hemsl.
Họ khoa học: thuộc họ Cúc – Asteraceae.
Cây lức – cây sài hồ nam
(Mô tả, hình ảnh cây lức, phân bố, thu hái, chế biến, thành phần hóa học, tác dụng dược lý…)
Mô tả:
Cây lức được biết đến là một cây thuốc nam quý. Dạng cây thảo sống lâu năm, cao 2-5m, mang nhiều cành ở phía trên. Lá mọc so le, hình thìa, mép có răng cưa; phiến lá dày, láng ở mặt trên, nhạt màu ở mặt dưới, có mùi thơm hắc. Cụm hoa hình đầu, màu đỏ nhạt, hơi tim tím với 4-5 hàng lá bắc. Các đầu này lại họp thành 2-4 ngù. Quả bế có 10 cạnh, có mào lông không rụng.
Mùa hoa quả: 5-7.
Bộ phận dùng:
Rễ cây và lá – Radix et Folium Plucheae Pteropodae.
Phân bố và thu hái:
Loài có quan hệ với thực vật Trung Quốc, mọc hoang ở vùng nước lợ, và cũng được trồng làm hàng rào. Trồng bằng hạt hoặc bằng cây con. Rễ có thể thu hái quanh năm. Đào rễ về, bỏ rễ con, rửa sạch, phơi hay sấy khô. Thu hái cành mang lá non quanh năm, dùng tươi, phơi khô hay nấu thành cao.
Ở Việt Nam, cây thường thấy ở các tỉnh vùng ven biển, nhiều nhất ở khu vực miền Trung và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Nam sài hồ là cây ưa sáng, thường mọc thành khóm riêng lẻ và thích nghi đặc biệt với vùng nước lợ nhưng cây vẫn có thể sinh trưởng tốt ở vùng nước ngọt hoặc những vùng bị nhiễm mặn, đôi khi cũng tạo thành quần thể tương đối điển hình.
Thành phần hoá học:
Phần trên mặt đất của Nam sài hồ phơi khô chứa các hợp chất triterpenoid. Rễ chứa tinh dầu.
Vị thuốc lức – sài hồ nam
(Công dụng, liều dùng, tính vị, quy kinh…)
Tính vị:
Lức có vị mặn hơi đắng, tính mát.
Quy kinh:
Can, đởm
Tác dụng:
Tác dụng phát tán phong nhiệt, giải uất. Lá làm toát mồ hôi.
Rễ thường được dùng chữa ngoại cảm phát sốt nóng hơi rét, Nhức đầu, khát nước, tức ngực, khó chịu. Lá có hương thơm, thường dùng để xông, còn dùng chữa đau mỏi lưng.
Chủ trị:
Hàn nhiệt vãng lai, ngực sườn đau trướng, miệng đắng, không muốn ăn, buồn nôn (như sốt rét); đau đầu, chóng mặt, dễ cáu gắt, rối loạn kinh nguyệt, sa dạ con, sa trực tràng.
Cách dùng, liều lượng:
Ngày 3 – 12 g, phối hợp trong các bài thuốc. Dạng thuốc sắc hay hoàn tán. Thường phối hợp với các vị thuốc khác như Mạn kinh, Cam thảo đất, Kinh giới, Tía tô, Kim ngân. Lá và cành non giã nát, thêm ít rượu, xào nóng, đắp nơi đau ở hai bên thận để chữa đau mỏi lưng. Có thể dùng rễ.
Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc sài hồ nam – lức
Viên giải cảm:
Bột lá Lức 6,25g, bột Cam thảo 0,3g, bột Bạc hà 6,25g, Tá dược vừa đủ 100 viên, làm viên. Ngày uống hai lần, mỗi lần 5 viên. Trẻ em uống nửa liều người lớn.
Trà giải cảm:
Cây Lức khô, chặt nhỏ, đóng gói 50g, dùng pha nước uống thay trà.
Sốt nóng mùa hè (bệnh ôn nhiệt) hoặc cảm sốt lúc nóng, lúc rét, khát nước Nhức đầu, đắng miệng, ho, nôn oẹ, dùng:
Rễ Lức 10g, Sắn dây 12g, Hương nhu trắng 10g, Thanh bì 8g, sắc uống.
Tham khảo
Kiêng kỵ:
Không dùng cho người can dương thượng thăng, âm hư hoả vượng.
So sánh sài hồ bắc và sài hồ nam
Bắc Sài hồ (Bupleurum sinense DC- Thuộc họ hoa tán): Rễ hình trụ hoặc hình nón thon dài, dài 6-15 cm, đường kính 0,3-0,8 cm, đầu rễ phình to, ở đỉnh còn lưu lại gốc thân, dạng sợi ngắn. Phần dưới phân nhánh. Mặt ngoài màu nâu đen hoặc nâu nhạt, có vết nhăn dọc, vết sẹo của rễ con và lỗ vỏ. Chất cứng và dai, khó bẻ gẫy, mặt gẫy có những lớp sợi, vỏ màu nâu nhạt, phần gỗ màu trắng vàng. Mùi thơm nhẹ, vị hơi đắng, quy kinh can, đởm. Tác dụng: Phát biểu hòa lý, thóai nhiệt thăng dương, giải uất, điều kinh.