Tên khác: Tên thường gọi: Me rừng, Chùm ruột núi, Du cam tử, Ngưu cam tử, Dư cam tử.
Tên khoa học: Phyllanthus emblica L
Họ khoa học: Thuộc họ Thầu dầu – Euphorbiaceae.
Cây Me rừng
(Mô tả, hình ảnh Cây Me rừng, phân bố, thu hái, chế biến, thành phần hóa học, tác dụng dược lý…)
Mô tả:
Cây cao 5-7m, có khi hơn. Lá nhỏ xếp sít nhau thành hai dây, nom như lá kép lông chim. Hoa nhỏ, màu vàng, mọc thành tán ở nách lá. Quả thịt, hình cầu to bằng quả táo ta, có khía rất mờ.
Ra hoa tháng 4, tháng 5.
Nơi sống và thu hái:
Cây của phân vùng Ấn Ðộ, Malaixia, mọc hoang ở vùng rừng núi, thường gặp ở chỗ sáng. Thu hái quả vào mùa thu đông, dùng tươi hay phơi khô để dành. Thu hái lá vào hè thu, rễ và vỏ quanh năm, dùng tươi hoặc phơi hay sấy khô.
Bộ phận dùng:
Quả, lá, vỏ cây và rễ – Fructus, Folium, Cortex et Radix Phyllanthi Emblicae.
Thành phần hóa học:
Quả chứa acid phyllemblic (6,3%), lipid (6%) acid gallic (5%) và emblicol. Quả Me rừng là nguồn nguyên liệu tự nhiên của vitamin C, trong vỏ quả có tỉ lệ 70-72%. Còn có acid mucic. Quả khô chứa tanin và phức hợp keo mà thành phần chính là acid phyllemblic. Hạt chứa dầu cố định, phosphatid và tinh dầu. Vỏ cũng chứa tanin, leucodelphinidin. Lá cũng chứa tanin.
Vị thuốc từ cây Me rừng
(Công dụng, liều dùng, quy kinh, tính vị…)
Tính vị và tác dụng:
Quả có vị chua ngọt, hơi chát, tính mát. Có tác dụng hạ nhiệt, tiêu viêm, nhuận phế hoà đàm, sinh tân chỉ khát. Ở Ấn Ðộ người ta cũng dùng làm thuốc làm mát, lợi tiểu, nhuận tràng.
Lá có vị cay, tính bình; có tác dụng lợi tiểu.
Rễ có vị đắng chát, tính bình có tác dụng thu liễm, hạ huyết áp. Vỏ cũng có tác dụng thu liễm. Hoa làm mát, hạ nhiệt, nhuận tràng.
Ứng dụng lâm sàng của Me rừng
Chữa cảm mạo phát sốt:
Quả me rừng 10 – 30g, sắc lấy nước uống trong ngày, chia làm nhiều lần.
Chữa tăng huyết áp:
Rễ cây me rừng 15 – 30g, sắc lấy nước uống trong ngày.
Làm lợi tiểu:
Lấy 10 – 20g vỏ thân cây me rừng sắc lấy nước uống nhiều lần trong ngày. Hoặc lấy 10 – 20g lá me rừng sắc lấy nước uống. Cũng có thể cho râu ngô, mã đề sắc cùng lấy nước uống nhiều lần trong ngày.
Trị tiểu đường:
Quả me rừng 15 – 20g, ướp với muối ăn và uống hằng ngày.
Trị nước ăn chân:
Lấy quả me rừng giã lấy nước bôi vào chỗ chân bị nước ăn.
Chữa rắn cắn (chỉ sử dụng khi điều kiện không có y tế hoặc hỗ trợ khi đã được y tế cấp cứu):
Lấy vỏ cây me rừng giã nát pha chút nước rồi ép lấy nước cốt uống còn ba đắp nơi rắn cắn.
Tham khảo:
Tác dụng chữa bệnh của cây me rừng
Quả được dùng chữa:
1. Cảm mạo phát sốt;
2. Ðau họng, Đau răng, miệng khô phiền khát;
3. Ðái đường;
4. Thiếu vitamin C.
Rễ dùng chữa:
1. Huyết áp cao;
2. Ðau thượng vị, viêm ruột;
3. Lao hạch bạch huyết.
Lá dùng chữa:
1. Phù thũng;
2. viêm, viêm da, mẩn ngứa.
Dùng 10-30g quả; 15-30g rễ, vỏ; 10-20g lá, dạng thuốc sắc.
Dùng ngoài lấy lượng lá thích hợp nấu sôi tắm rửa.
Ở Ấn Ðộ, người ta dùng quả khô để trị xuất huyết, ỉa chảy và lỵ, dùng phối hợp với sắt để trị Thiếu máu , vàng da và chứng khó tiêu. Nước lên men từ quả Me rừng dùng trị vàng da, khó tiêu và ho. Bột nước quả Me rừng với dịch Chanh được dùng làm ngưng lỵ trực khuẩn cấp tính. Dịch ứa ra khi chích quả, dùng đắp ngoài, chữa viêm mắt. Hạt được dùng trị hen, viêm cuống phổi và thiểu năng mật. Ở Thái Lan, quả cũng được dùng làm thuốc long đờm, hạ nhiệt, lợi tiểu, trị ỉa chảy, chống bệnh scorbut.