Tên khác : Tên thường gọi: Một dược, Murrh, mạt dược
Tên tiếng Trung: 沒 藥
Tên dược: Murrha; Resina myrrhae.
Tên khoa học: Commiphora myrrha Engl.
Họ khoa học : Trám (Burseraceae).
Nguồn gốc: Một dược là chất nhựa của cây Một dược
Cây một dược
(Mô tả, hình ảnh cây một dược, phân bố, thu hái, chế biến, thành phần hóa học, tác dụng dược lý…)
Mô tả cây một dược
Cây một dược là một cây thuốc quý có dạng cây nhỡ, cao khoảng 3m, phân ít cành, nhánh, các cành đều có gai. Lá mọc cánh, lá kép gồm 3 lá chét, mầu lục sám. Hoa đơn tính, nhỏ, mọc ở nách lá, cách hoa mầu trắng, quả hạch, 2 ngăn, mỗi ngăn có 1 hạt.
Mô tả dược liệu
Vị thuốc một dược là chất gôm nhựa của cây Một dược. Một dược thường ở dạng từng khúc, từng cục, từng khối, hình dáng không đều, thường to bằng quả mận, ngoài đỏ nâu, trong sáng bóng, có đốm trắng, mùi thơm, vị đắng. Tan trong một phần nước hoặc trong rượu. Mài với nước thì ra mầu trắng như sữa. Phơi nắng thì mềm dẻo và thơm. Đốt cháy toả mùi thơm.
Địa lý:
Thường có nhiều ở vùng nhiệt đới. Chưa thấy mọc ở nước ta.
Trên thế giới chủ yếu tập trung ở: Vùng bờ biển 2 bên Hồng hải, và bán đảo Arabian từ vĩ tuyến Bắc 22° hướng Nam đến dải bờ biển Somalia.
Bộ phận dùng:
Nhựa cây Một dược, chảy tự nhiên từ kẽ nứt của cây. Nhựa mới chảy ra thành giọt, sền sệt như dầu đặc, mầu trắng hoặc vàng nhạt, dần dần biến thành mầu vàmg sẫm rồi đỏ nhạt, cuối cùng là đỏ sẫm. Có hình dạng từng cục, từng khối, ngoài vỏ đỏ nâu, trong sáng bóng có đốm trắng, khó tán bột, mài với nước trắng như sữa; phơi nắng thì hoá mềm dẻo và thơm, đốt vào lửa không chảy nhưng cháy có mùi thơm nồng.
Thu hái, sơ chế:
Rạch vào thân vỏ cho nhựa chảy ra. Muốn tăng sản lượng thì rạch sâu vào vỏ thân và cành to.
Bào chế một dược
Một dược chế dấm
Một dược sao
Cho một ít rượu vào nghiền nát, phi qua nước, phơi khô, hoặc nghiền tán với bột nếp (Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải).
Nhặt bỏ tạp chất, tán với Đăng tâm để thành bột (cứ 30g Một dược dùng 1g Đăng tâm), hoặc sao qua với đăng Tâm rồi tán (Phương Pháp Bào Chế Đông Dược).
Bảo quản:
Đậy kín, tránh ẩm, để nơi khô ráo.
Thành phần hóa học :
Trong Một dược có chất dầu keo, chất keo, tinh dầu (Trung Dược Học).
Heerabomyrrholic acid, Commiphoric acid, Commiphorinic acid, Heerabomyrrhol, Heeraboresene(Trung Quốc Y Học Khoa Học Viện Dược Vật Nghiên Cứu, Trung Thảo Dược Hữu Hiệu Thành Phần Đích Nghiên Cứu , Bắc Kinh 1972 : 396).
Commiferin (Dư Quốc Quân, Dược Tài Học 1963 : 377).
Tác dụng dược lý:
Thuốc có tác dụng ức chế nhiều loại nấm gây bênh ngoài da và tác dụng hạ mỡ trong máu (Trung Dược Học).
Vị thuốc một dược
(Công dụng, liều dùng, tính vị, quy kinh)
Tính vị:
Vị đắng, tính ôn.
– Theo Trung dược học: Cay, đắng, bình.
– Theo Dược tính luận: Vị đắng, cay.
– Theo Hải dược bản thảo: Vị đắng, cay, ấm không độc.
– Theo Khai bửu bản thảo: Vị đắng, bình, không độc.
Qui kinh:
– Theo Trung dược học: Vào kinh Tâm, Can, Tỳ.
– Theo Bản thảo kinh sơ: Vào kinh Túc quyết âm.
– Theo Bản thảo tân biên: Vào 2 kinh Tỳ, Thận.
– Theo Bản thảo cầu chân: Vào Tâm, Can.
Công năng:
Hoạt huyết, giảm đau, giảm sưng tấy và làm nhanh lành vết thương.
Trị tổn thương té ngã, vết thương kim khí; các chứng đau gân xương, tâm phúc; trưng hà, kinh bế, ung nhọt sưng đau, trĩ lậu, mắt bị che lấp (mục chướng).
Liều dùng:
Dùng từ 3-10g.
Tác dụng chữa bệnh của vị thuốc một dược
Trị bị đánh đập tổn thương ở trong, gân xương đau nhức:
Một dược, Nhũ hương, Xuyên khung, Xuyên tiêu, Xích thược, Đương quy, Tự nhiên đồng. Tán bột, trộn với sáp ong làm viên (Một Dược Hoàn – Chứng Trị Chuẩn Thằng):
Trị đau dạ dày: phụ nữ bế kinh, thống kinh:
Một dược 5g, Diên hồ sách 10g, Hương phụ 6g, Ngũ linh chi 6g, tán bột, trộn đều, mỗi lần uống 8-10g, ngày uống 2-3 lần với nước nóng hoặc rượu nóng (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Trị mụn nhọt sưng đau:
Nhũ hương, Một dược đều 5g, Xa hương 0,1g, Hùng hoàng 3g. Tán bột, làm hoàn, mỗi lần uống 3-6g, ngày 2 lần với nước ấm (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
Làm sạch mủ, sinh cơ, mau lành miệng: Nhũ hương, Một dược đều 10g, tán bột, đắp vào vết thương (Hải Phù Tán – Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
Trị té ngã sưng đau:
Một dược, Nhũ hương đều 5g, Bach truật, Đương quy, Bạch chỉ đều 10g, Nhục quế, Cam thảo đều 3g. Tán bột, mỗi lần uống 6g-10g, ngày 3 lần với rượu (Nhũ Hương Một Dược Tán – Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
Trị lipit huyết cao:
Một dược, chế thành viên bọc nhựa (Một dược 0,1g), ngày uống 3 lần mỗi lần uống 2-3 viên, liệu trình 2 tháng. Kết quả cho thấy Một dược có tác dụng hạ mỡ trong máu (Trung Y Tạp Chí 1988, 6 : 36).
Trị chấn thương lưng gây đau cấp:
Một dược, Nhũ hương, lượng bằng nhau, tán bột mịn, dùng 30% rượu chế thuốc thành hồ, đắp vùng đau 1-2 lần/ngày thường 3- 5 ngày là khỏi (Hà Nam Trung Y Học Viện Học Báo 1980, 3 : 38).
Tham khảo
Kiêng kỵ
Một dược không dùng cho thai phụ.
Theo sách Bản thảo kinh sơ: Phàm khớp xương đau và ngực bụng sườn xương sườn đau, không phải khí huyết đình lưu mà do huyết hư thì không nên dùng. Sản hậu ác lộ chợt ra nhiều, trong bụng hư đau không nên dùng. Ung nhọt đã vỡ không nên dùng. Mắt đỏ có màng không phải huyết nhiệt nặng không nên dùng.
Dùng thận trọng đối với bệnh nhân có bệnh dạ dày (Trung Dược Học).
Ứng dụng
Công hiệu chủ trị của Mộc dược với Nhũ hương giống như nhau. Thường với Nhũ hương tương tu dùng, điều trị tổn thương té đánh, ứ trệ sưng đau, ung nhọt sưng đau, nhọt lóet sau lâu không thu miệng cùng với tất cả các chứng đau ứ trệ. Phân biệt Nhũ hương thiên về hành khí, duỗi gân, điều trị dùng nhiều vào chứng Tý. Mộc dược thiên về hóa ứ tán huyết, điều trị dùng nhiều vào đau bao tử huyết ứ khí trệ khá nặng.
Lưu ý khi dùng
Dùng Một dược trị chứng té ngã sưng đau, nên uống thuốc với rượu để tăng tác dung thông ứ (Bản Thảo Diễn Nghĩa).
Nhũ hương hoạt huyết, Một dược tán huyết đều có tác dụng trấn thống, tiêu viêm, sinh cơ vì vậy, hai vị này thường được dùng chung với nhau (Bản Thảo Cương Mục).
Giảm liều lúc dùng chung với Nhũ hương, hai vị thuốc có tác dụng giống nhau. Nhũ hương có tác dụng hoạt huyết, mạnh gân, trị chứng tý, vì vậy, thường dùng Nhũ hương trong điều tri chứng đau phong thấp, vì vậy trong bài Quyên Tý Thang dùng Nhũ hương mà không dùng Một dược. Một dược lạị sở trường về tán ứ, chỉ thống, vì thế lúc tri chứng vị quản thống do khí trệ huyết ứ, dùng Một dược mà không dùng Nhũ hương như bài Thử Niêm Tán (Y Học Tâm Ngộ, tập 3).
Vị thuốc này tan máu tiêu sưng, điều trị chủ yếu giống như Nhũ hương, nhưng hành ứ tán huyết thì riêng vị Một dược trội hơn. Cho nên có thể giảm đau được, khí trệ thì đau, huyết ứ cũng đau, Nhũ hương thiên về điều khí, Một dược thiên về tán huyết, hai vị này thường dùng kèm với nhau (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Đối với trường hợp xuất huyết dưới da và xuất huyết đáy mắt có ứ huyết nên dùng Nhũ hương, Một dược kết hợp với thuốc cầm máu (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).