La hán quả là vị thuốc có vị ngọt, tính mát giúp nhuận tràng, thanh nhiệt, tiêu độc. Dược liệu này có nhiều tác dụng chữa bệnh, được dùng để trị táo bón, viêm phế quản, ho đàm, hỗ trợ điều trị ung thư và một số căn bệnh khác.
- Tên khác: Quả mộc miết, quả la hán, giải khổ qua
- Tên khoa học: Momordica grosvenori Swingle
- Họ: Bầu bí
Mô tả về cây la hán
Đặc điểm thực vật
- Cây là hán là một loại thực vật lưỡng niên dạng thân leo. Thân cây có thể dài từ 1 – 3 mét. Dọc thân mọc nhiều tua cuốn có khả năng bấm vào cây khác để leo lên.
- Lá la hán hình trái tim, một đầu ngọn. Chiều dài lá khoảng 10 – 20 cm, bề ngang khoảng 3,5 – 12cm. Lá rụng theo mùa.
- Cây mọc hoa dạng chùm. Mỗi chùm chứa 2 – 3 hoa. Hoa có cuống dài khoảng 3 – 5 cm. Cánh hoa sắc vàng nhạt, mỏng.
Bộ phận dùng
Quả la hán là bộ phận được thu hái điều chế làm dược liệu
Dược liệu
Quả la hán hình cầu, kích thước đường kính dao động từ 5 – 8 cm, màu xanh lục. Khi được đem phơi và sấy khô thì vỏ chuyển sang sắc nâu vàng hoặc nâu sẫm, bên ngoài bóng và được bao phủ bởi một lớp lông nhung mỏng.
Bên trong quả có thịt, nhiều hạt. Lớp vỏ già bên ngoài khá giòn, dùng tay bóp nhẹ có thể vỡ ra để lộ ra lớp thịt màu trắng ngà, chất xốp nhẹ. Bên trong lớp vỏ có 10 vân sợi chạy xuống theo chiều dọc. Hạt hình tròn, bẹt, ở giữa hơi trũng xuống tạo thành một cái rãnh nhỏ.
Phân bố:
Cây la hán có nguồn gốc từ khu vực phía Bắc Thái Lan và Nam Trung Quốc. Nếu như trước đây, cây chủ yếu mọc hoang thì ngày nay nhờ có giá trị kinh tế cao mà hạt la hán được nhân giống cung cấp cho những người có nhu cầu trồng trong vườn nhà.
Thu hái – Sơ chế:
Quả la hán thường được thu hoạch vào tháng 7 -9 hàng năm. Những quả già, to, cứng chắc và không nghe tiếng động khi lắc sẽ được hái về phơi hoặc sấy khô làm dược liệu.
Bảo quản:
Quả la hán sau khi được phơi khô nên bảo quản nơi thoáng mát. Tránh để nơi ẩm ướt khiến dược liệu bị ẩm, nhiễm nấm mốc và vi khuẩn.
Thành phần hóa học:
Trong quả la hán chứa:
- Vitamin C
- Sắt
- Kẽm
- Mangan
- Đường glucose
- Niken
- Thiếc cùng nhiều nguyên tố vi lượng tốt cho sức khỏe
Vị thuốc la hán quả
Tính vị
- Theo Lĩnh Nam Thái Dược Lực: Vị ngọt
- Theo Quảng Tây Trung Dược Chí: Dược liệu này có vị ngọt, tính mát và không chứa độc
Quy kinh
- Kinh Phế
- Kinh Tỳ
Tác dụng:
– Công dụng theo y học cổ truyền:
Đông y cho rằng, dược liệu này có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, lương huyết, nhuận trường, tiêu đàm, giảm ho. Chủ trị:
- Táo bón
- Nóng trong người
- Đại tiện bí
- Ho gà, ho có đàm
- Viêm khí phế quản, viêm họng
- Dị ứng
- Lao phổi…
– Nghiên cứu y học hiện đại cũng ghi nhận nhiều tác dụng của với sức khỏe con người như:
- Chống oxy hóa:
Trong quả la hán chứa nhiều chất mogrosid – thành phần tạo nên vị ngọt đặc trưng của quả. Chất này cũng đã được khoa học chứng minh là có tác dụng chống oxy hóa cực mạnh. Nó giúp làm chậm tiến trình lão hóa, bảo vệ các tế bào trong cơ thể khỏi sự tấn công của các gốc tự do và ngăn ngừa bệnh tật.
- Ngăn ngừa béo phì, tiểu đường:
Vị ngọt tự nhiên trong loại quả này có thể thay thế cho đường khi chế biến một số loại đồ ăn, thức uống. Dược liệu này cũng chứa hàm lượng calo khá thấp nên đặc biệt có lợi cho người bị béo phì, tiểu đường. Người bình thường sử dụng cũng giảm thiểu được nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm trên.
Từ nhiều thế kỷ qua, y học cổ truyền Trung Quốc cũng đã dùng làm thuốc điều trị bệnh tiểu đường. Dược liệu này hoạt động bằng cách làm giảm hàm lượng đường trong máu, kích thích tuyến tụy sản xuất nhiều insulin hơn. Qua đó đẩy lùi các triệu chứng bệnh đái tháo đường một cách tự nhiên.
- Thanh nhiệt, kháng viêm, trị nóng trong, táo bón
Quả la hán được dân gian dùng nấu nước uống để làm mát cơ thể mỗi khi có biểu hiện nóng trong, táo bón. Ngoài ra, dược liệu này còn thể hiện rõ đặc tính kháng viêm. Nó giúp chống lại tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể, giảm sưng đau ở khu vực tổn thương.
- Ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư
Chất chống oxy hóa trong la hán có khả năng ức chế sự tăng sinh của khối u, ngăn chặn không cho tế bào ung thư lan rộng. Mặc dù người bị ung thư cần kiêng ăn đường nhưng chất ngọt trong quả la hán là đường tự nhiên nên hoàn toàn không ảnh hưởng tiêu cực đến bệnh ung thư giống như các loại đường nhân tạo.
- Phòng chống nhiễm trùng
Tác dụng kháng khuẩn của loại quả này có thể thay thế được thuốc kháng sinh trong các trường hợp bị nhiễm trùng không quá nghiêm trọng. Khi tiến hành nghiên cứu thực nghiệm trên các bệnh nhân bị sâu răng và nha chu, các nha nghiên cứu nhận thấy dược liệu này có khả năng ức chế vi khuẩn một cách đáng kinh ngạc. Ngoài ra, còn giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị nhiễm trùng do nấm candida.
- Cung cấp năng lượng, giảm mệt mỏi
Khi tiến hành thử nghiệm nước quả la hán trên chuột thì những chú chuột được cho uống loại nước này có thể vận động trong thời gian dài hơn hẳn. Điều này không có gì ngạc nhiên bởi la hán quả chứa chất ngọt tự nhiên giúp cung cấp nguồn năng lượng dồi dào, giảm mệt mỏi sau khi tập thể dục hoặc lao động nặng nhọc.
- Chống dị ứng
Các chất trong la hán quả còn có khả năng kháng histamin – một chất được sinh ra do phản ứng quá mạnh của hệ miễn dịch với các yếu tố dị nguyên xâm nhập vào cơ thể. Điều này có thể giúp giảm ngứa, chống viêm do dị ứng.
- Giải độc, kích thích tiêu hóa, làm mát máu
La hán quả có tính hàn giúp làm mát máu, hỗ trợ giải độc gan, làm sạch đường ruột. Đồng thời dược liệu này còn được biệt đến với tác dụng nhuận tràng, kích thích tiêu hóa, giúp ăn uống ngon miệng hơn.
- Ngăn ngừa các bệnh lý về hô hấp, tim mạch
Uống nước có thể giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh lý ở đường hô hấp như ho gà, viêm phế quản, viêm thanh quản, ho hay bệnh viêm amidan. Một số trường hợp bị cao huyết áp, xơ cứng động mạch dùng dược liệu này cũng thấy các triệu chứng được cải thiện đáng kể.
Quả la hán được nhiều người ưu ái gọi với cái tên là quả thần tiên. Lý do bởi không chỉ tốt cho sức khỏe, nó còn bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất quý giúp da dẻ mịn màng và nuôi dưỡng mái tóc óc mượt.
- Kéo dài tuổi thọ
Uống nước la hán quả trong nhiều năm có thể giúp kéo dài tuổi thọ, cải thiện sức khỏe tổng thể.
Cách dùng và liều lượng:
La hán quả được dùng để nấu nước hoặc sắc uống hàng ngày. Liều dùng thông thường là 9 – 15g quả khô. Tuy nhiên, tùy theo vấn đề sức khỏe bạn đang gặp phải, thầy thuốc có thể tăng giảm liều lượng cho phù hợp.
Bài thuốc sử dụng la hán quả
Điều trị viêm phế quản, viêm khí quản, cảm mạo, ho nhiều đờm:
- Chuẩn bị: 1 quả la hán, 10g hạnh nhân
- Cách sử dụng: Đập nhỏ, cho vào ấm sắc kỹ cùng với hạnh nhân và 1 lít nước. Chia uống 3 – 4 lần trong ngày.
Điều trị ho gà, dị ứng:
- Chuẩn bị: La hán và mứt hồng mỗi vị một quả
- Cách sử dụng: Tất cả đập cho vụn. Thêm 500ml nước sắc cạn còn một nửa. Chia thuốc làm 2 phần uống hết trong ngày.
Điều trị bệnh lao phổi, viêm họng (có biểu hiện khô họng, ho khan, ít hoặc không có đờm)
- Chuẩn bị: 1 quả la hán, 10g xuyên bối mẫu, đường mật
- Cách sử dụng: La hán đập ra cho vụn, cho vào ấm cùng xuyên bối mẫu và một ít đường mật. Sắc kỹ uống 2 lần trong ngày, mỗi ngày 1 thang.
Điều trị viêm họng, khàn tiếng, mất tiếng, nóng trong, táo bón:
- Chuẩn bị: 1 quả la hán
- Cách sử dụng: Đập nhỏ la hán, cho vào ấm chế nước sôi hãm như pha trà hoặc nấu nước uống ngày 2 lần.
Cải thiện các triệu chứng bệnh lao
- Chuẩn bị: 50g quả la hán, 1 lạng thịt lợn bằm
- Cách sử dụng: La hán thái nhỏ, thịt bằm xào chín. Thêm một tô nước vào nấu kỹ làm canh. Nêm nếm gia vị cho vừa miệng, dọn ra ăn kèm với cơm.
Thay thế đường trong các trường hợp bị tiểu đường:
- Chuẩn bị: 2- 3 quả la hán
- Cách dùng: La hán quả nấu lấy nước đặc. Khi dùng chỉ cần lấy một ít nước thêm vào thức ăn hoặc đồ uống để tạo vị ngọt thay thế cho đường.
Trà la hán thanh nhiệt, giải độc, làm đẹp
– Cách 1:
- Chuẩn bị: 2 quả la hán
- Cách thực hiện: Rửa sạch phần lông nhung phía bên ngoài quả la hán. Sau đó tách ra nhiều phần nhỏ cho vào bình hãm với 1,5 lít nước sôi. Ủ trong 20 phút. Có thể uống nóng hoặc cho vào ngăn mát tủ lạnh uống dần.
– Cách 2:
- Chuẩn bị: 25g hoa cúc và 3 quả la hán
- Cách sử dụng: La hán bóp nhỏ, cho vào ấm nấu cùng 1,5 lít nước. Đun sôi, để nhỏ lửa liu riu trong 30 phút. Cuối cùng cho hoa cúc vào nấu thêm 10 phút nữa thì ngưng.Gạn nước uống hết trong ngày thay cho trà.
Kiêng kỵ khi sử dụng la hán quả
- Người có thể tạng hàn ( còn gọi là dương hư, hư hàn ) không nên dùng quả la hán. Biểu hiện của tình trạng này là sợ lạnh, da tái nhợt, đi ngoài phân lỏng, tứ chi lạnh, rêu lưỡi trắng…
- Khi dùng chung với các loại thuốc, thực phẩm chức năng hay bất kỳ dược liệu nào cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ, thầy thuốc để tránh hiện tượng tương tác.