Tên khác Tên thường gọi: Rau dớn, Dớn rừng, Thái quyết, ráng song quần rau, rau dớn rừng,…
Tên nước ngoài: pucuk paku (Malaysia), paco (Philippines) dhekia (ঢেকীয়া) ở Assam “Dhenkir Shaak (ঢেঁকির শাক) trong tiếng Bengal, và linguda ở miền bắc Ấn Độ. Tại Thái Lan nó được gọi là phak khut (tiếng Thái: ผักกูด)
Tên khoa học: – Diplazium esculentum (Retz) Sw (Hemionitis esculenta Retz
Họ khoa học: thuộc họ Rau dớn – Athyriaceae.
Cây rau dớn
(Mô tả, hình ảnh cây rau dớn, phân bố, thu hái, thành phần hóa học, tác dụng dược lý…)
Mô tả:
Cây rau dớn không chỉ là một loại rau đặc sản mà còn là một cây thuốc quý. Rau dớn là loài dương xỉ có thân rễ nghiêng, hướng lên cao tới 15cm, thường bao phủ vẩy ngắn màu hung. Cuống lá dài 60-100cm, dày, màu vàng lợt hoặc nâu đen và phủ vẩy ở gốc, phiến lá thay đổi tuỳ theo tuổi của cây, nhưng có thể dài tới 1,5m, các lá rau dớn non kép lông chim một lần, các lá lược già kép lông chim hai lần, các lá chét bậc nhất ở dưới và ở trên đều chia thuỳ lông chim dài khoảng 8-10cm, rộng 2cm, các lá chét ở giữa lớn hơn, có cuống, chóp hình tam giác, các lá chét bậc hai gồm 8-10 cái mỗi bên, không cuống, thuôn hình ngọn giáo, gân liên kết hình lông chim với 6-10 gân con ở mỗi bên trong các thuỳ. Ổ túi bào tử dài mỏng, nằm trên các gân con. Bào tử hình thận.
Bộ phận dùng:
Toàn cây – Herba Diplazii Esculenti.
Nơi sống và thu hái:
Rau dớn là một loại rau có ở vùng núi rừng hay nơi bờ suối, bờ khe, dưới các tán rừng thấp có độ ẩm ướt cao, nó cũng thường mọc nhiều ở bờ suối, bờ khe, những nơi ẩm ướt và tránh ánh nắng mặt trời, dớn mọc hoang dại dọc khe suối, bên những tảng đá. Cây rau dớn mọc ven khe suối xen lẫn với các loại cây cỏ khác. Ở một số nơi, rau dớn mọc thành vạt, thành đám rộng dưới những tán cây rừng râm mát. Đặc biệt rau dớn chỉ thích hợp với môi trường hoang dã nên ít khi trồng được.
Vùng sinh thái phân bố tự nhiên của rau dớn trải dài theo đai cao từ mực nước biển tới độ cao 2.300 m. Theo địa lí trên thế giới rau dớn phân bố ở Nhật Bản (Kyushu), Đài Loan, Trung Quốc (An Huy, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu, Hải Nam, Hồ Nam, Giang Tây, Tứ Xuyên, Tây Tạng, Vân Nam, Chiết Giang), Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Việt Nam, Campuchia, Malaisia, Indonesia, Phillippines, Singapore, Papua New Guinea.
Ở nước ta, rau dớn mọc phổ biến nơi ẩm ướt, ở miền đồng bằng cho tới miền núi từ độ cao 1000-1200m, trong các trảng cỏ, ven rừng ẩm, ven suối ở nhiều nơi. Cây rất đa dạng.
Thành phần hoá học:
Rau dớn có chứa 86% nước, 4% protid, 8% hydrat carbon gồm chủ yếu là cellulose. Là cây có giá trị dinh dưỡng cao.
Các lá rau dớn non này có thể chứa lượng nhỏ các độc tố dương xỉ, nhưng cho tới nay người ta vẫn chưa ghi nhận các trường hợp ngộ độc
Vị thuốc rau dớn – thái quyết
(Công dụng, liều dùng, quy kinh, tính vị…)
Tính vị,
Rau dớn còn là loại rau có tính mát.
Công dụng:
Lợi tiểu, chống táo bón, rau có thể phơi khô để dành nấu nước uống giải nhiệt
Chữa các bệnh phổ biến như cảm, ho, viêm họng.
Ăn rau dớn sẽ làm máu lưu thông, giải độc và giải nhiệt trong mùa nắng nóng, chất nhầy trong lá có tác dụng nhuận trường và làm dịu đau lưng.
Rau dớn có tính mát, lợi tiểu, chống táo bón, làm ngưng các cơn đau âm ỉ do viêm đại tràng, và giúp dễ ngủ, ngủ sâu, giúp cơ thể khỏe mạnh.
Rau dớn được sử dụng làm rau ăn ở nhiều nước. Người ta lấy lá non, ngọn non dùng luộc, nấu canh, xào thịt, cũng có thể dùng ăn sống.
Liều dùng
Liều dùng không cố định.
Dùng tươi là tốt nhất.
Ứng dụng lâm sàng của rau dớn
Rau dớn cũng được sử dụng trong y học dân gian tại một vài nơi. Cụ thể, thuốc sắc từ lá rau dớn có tính chống sốt rét, được sử dụng trong chữa trị sốt rét, đau tai, đau răng, vàng da và táo bón, được phụ nữ mang thai dùng làm thuốc trong thời gian sinh đẻ để điều trị hậu sản.
Lá rau dớn non giã dập được dùng chữa ghẻ, nhọt và nhiễm trùng da của trẻ sơ sinh. Thuốc sắc từ lá lược cũng dùng để xoa vào vết thương và được sử dụng để điều trị bệnh ghẻ cóc và hạ sốt.
Thân rễ được dùng làm thuốc tẩy giun, chống côn trùng và sâu bệnh. Thân rễ giã dập cũng được dán để hạ sốt, điều trị hen suyễn, ho, đau bụng, kiết lỵ, tiêu chảy, chảy máu cam.
Ở Malaixia, người ta thường sắc nước cho phụ nữ sinh đẻ uống.
Tham khảo
Tránh nhầm lẫn rau dớn và dương xỉ
Cây Rau dớn có ngoại hình bên ngoài gần giống cây dương xỉ (Microsorum pteropus, thuộc họ Polypodiaceae; có nguồn gốc từ Châu Á) nhưng kích thước nhỏ hơn với cành dài mang lá nhỏ xòe trên đầu cây ra xung quanh như tán một cây dù.
Cây Rau dớn là loài dương xỉ có thân chính (thân rễ) nghiêng, hướng lên cao tới 15cm, thường bao phủ vẩy ngắn màu hung.
Lá rau dớn xanh mượt, lá mọc so le, hình ngọn giáo, thông thường thì đoạn vòi cuốn, hình dạng như cái vòi voi, chưa mọc lá thì sử dụng trong ẩm thực ngon, loại rau này mau hư và dập rau chịu đất ẩm, mọc quanh khe đá, bờ rừng.
Thuộc Bộ Dương xĩ nên cây rau dớ không có hoa thật, sinh sản hữu tính bằng bào tử phát trển ở mặt dưới của lá sinh sản khi cây già.
Ổ túi bào tử dài mỏng, nằm trên các gân con. Bào tử hình thận.
Cây rau dớn mọc ven khe suối xen lẫn với các loại cây cỏ khác. Có nơi, mọc thành vạt, thành đám rộng dưới những tán cây rừng râm mát.
Ngọn của cây rau dớn khi vào mùa lụt thì có hình dung non tơ mỡ màng, dễ gảy gọn khi bị gãy thì từ cơ thế ưa ứa dòng nhựa xanh trong. Rau dớn có vị hơi nhơn nhớt.
Khi thu hái làm rau đừng tham lam hái cả cành dài mà chỉ nhón tay ngắt những ngọn non cong cong như cái vòi voi, dài chừng một gang tay. Ngọn rau dớn mùa lụt non tơ mỡ màng, chỉ khẽ bấm móng tay vào đã gãy gọn, ưa ứa dòng nhựa xanh trong văn vắt như mời gọi.
Món ăn ngon từ rau dớn
Rau Dớn luộc: Rau dớn hái về còn tươi xanh mà luộc lên chấm với mắm cái thì không gì đậm đà và thú vị bằng.Trước khi luộc, nên ngâm rau với nước muối pha loãng để tiệt trứng côn trùng bám vào lá. Không nên luộc quá chín, rau sẽ bị nhũn, mất đi hương vị của nó. Do vậy khi nước vừa sôi lên, nhanh tay cho rau vào đảo đều rồi vớt ra ngay để ráo, lúc này rau sẽ có một màu xanh rất bắt mắt.
Rau dớn trộn tôm thịt: Dùng tôm sông và thịt heo ba chỉ xắt hạt lựu ướp với hành tím băm nhỏ, nước mắm, bột ngọt, tiêu trộn đều lên khoảng vài phút. Sau đó phi hành lên thật thơm rồi cho tôm thịt vào xào chín. Khi thịt tôm đã chín và thấm đều gia vị, cho rau vào chảo đảo đều. Rau dớn trước khi trộn cũng cần luộc sơ qua. Trước lúc mang lên bàn ăn, để món rau rừng hấp dẫn và thơm ngon hơn, rắc lên trên bề mặt ít đậu phộng rang.
Chế biến món rau dớn xào: Rau dớn tươi rửa sạch, trụng sơ qua nước sôi và vớt ra để ráo. Khử dầu phộng thứ thiệt với tỏi giã giập, khi mùi thơm bốc khói là cho số rau dớn này vào đảo đều năm phút và bắc xuống. Nêm đường, bột ngọt, tương ớt, hạt tiêu, nước chanh tươi, đậu phụng rang giã giập… và gắp ra đĩa. Với món dớn xào tỏi hay xào chung với thịt bò, thịt lợn… thì đừng quên rắc thêm ít hạt mắc khẻn, thứ hạt tiêu thơm lựng mang hương vị đặc trưng của núi rừng. Mùi thơm hăng hắc của hạt tiêu bám vào từng ngọn rau xanh biếc, giòn giòn còn vương chút nhớt đọng lại nơi đầu lưỡi như tôn thêm vị thơm ngon nguyên sơ và đậm đà, khác hẳn những loại rau công nghiệp nơi phố thị nhạt hoét.
Nộm rau rớn: Nộm rau dớn là món ăn đặc trưng của người Thái ở Lai Châu nói riêng và đồng bào Tây Bắc nói chung. Rau dớn người Thái gọi là “pắc cút”, loại cây thuộc họ quyết, giống như cây dương xỉ, thân to, tán lá rộng, mặt lá có màu xanh nhẵn. Loại cây này chỉ mọc ở bờ suối, khe suối, nơi có độ ẩm cao.
Để làm được món nộm rau dớn vừa ngon, vừa mang hương vị đặc trưng của dân tộc Thái, người ta thường chỉ hái những ngọn rau dớn cong non, là bánh tẻ, sau đó rửa sạch, phơi nắng cho tái. Tiếp đó cho rau dớn vào chõ xôi bằng gỗ để đồ, sau khoảng thời gian 20 phút. Để rau chín và giữ được màu xanh. Ở công đoạn này, nhất thiết rau dớn phải đồ chứ không nên luộc để giữ vị bùi bùi, ngọt ngọt của món nộm. Khi rau đã đồ chín, bỏ rau vào bát to, cho rau thơm, ớt, gừng, tỏi, nước chanh tươi, mì chính và muối trắng trộn đều. Để khoảng 5 phút cho ngấm gia vị, sau đó cho lạc rang giã nhỏ vào là có thể ăn ngay được. Món nộm rau dớn khi ăn sẽ cảm nhận được mùi thơm đặc trưng của các loại rau, vị bùi của rau dớn, vị chua ngọt xen lẫn một chút vị cay của ớt.
Ngoài món nộm, người Thái còn chế biến các món ăn độc đáo khác như rau dớn xào tỏi, rau rớn xào cùng nước măng chua…
Với cách chế biến khá đơn giản, rau dớn không chỉ là đặc trưng của dân tộc Thái mà còn là đặc sản của các nhà hàng tại Lai Châu. Vì vậy khi đến với Lai Châu, thực khách không có dịp ăn món nộm rau dớn của chính bàn tay người Thái làm thì cũng có thể ghé qua các nhà hàng để tận hưởng vị ngon của món ăn đậm chất dân dã vùng cao này.