Tên khác : Tên dược: Pericarpium reticulatac viride.
Tên thực vật: citrus reticulata blanco.
Tên thường gọi: Green tangerine peel (thanh bì).
Cây quýt
( Mô tả, hình ảnh, thu hái, chế biến, thành phần hoá học, tác dụng dược lý ….)
Mô tả:
Quýt không chỉ là cây ăn quả mà còn là một cây thuốc quý. Cây gỗ nhỏ có dáng chắc và đều, thân và cành có gai. Lá đơn, mọc so le; phiến lá hình ngọn giáo hẹp có khớp, trên cuống lá có viền mép. Hoa nhỏ, màu trắng, ở nách lá. Quả hình cầu hơi dẹt, màu vàng da cam hay đỏ, vỏ mỏng, nhẵn hay hơi sần sùi, không dính với múi nên dễ bóc; cơm quả dịu, thơm; hạt xanh.
Hoa tháng 3-4, quả tháng 10-12.
Nơi sống và thu hái:
Gốc ở Ấn Ðộ và Trung Quốc, được trồng khắp nơi để lấy quả.
Ở Việt Nam được trồng nhiều nhất là ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Hà Giang, Tuyên Quang, Hưng Yên, Bắc Giang…
Thu hái quả chín, bóc lấy vỏ phơi khô làm Trần bì, Trần bì để càng lâu càng tốt; để lấy vỏ quả ngoài gọt hết lớp vỏ trong; quả còn xanh bóc lấy vỏ phơi khô dùng làm Thanhh bì. Hạt Quýt lấy ở quả chín phơi khô làm Quất hạch.
Bộ phận dùng và phương pháp chế biến:
Khi quả quýt còn xanh (tháng 6 hoặc 7) lấy vỏ xanh, rửa sạch và phơi nắng.
Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
Tác dụng ức chế mạnh cơ trơn của ruột nên chống co thắt, tác dụng của thuốc là trực tiếp lên cơ trơn. So sánh với Trần bì thì Thanh bì làm giãn cơ trơn của ruột mạnh hơn. Tinh dầu của thuốc có tác dụng kích thích ôn hòa lên ruột làm tăng tiết dịch tiêu hóa và bài khí tích trệ trong ruột. Chích tĩnh mạch dịch Thanh bì hoặc nước sắc thuốc bơm vào tá tràng làm tăng tiết mật rõ rệt ở chuột cống, chứng minh thuốc có tác dụng lợi mật. Tinh dầu của Thanh bì có tác dụng hóa đàm. Thanh bì có tác dụng kháng Histamin, chống co thắt khí quản làm giảm cơn suyễn. Thanh bì chích tĩnh mạch cho súc vật thực nghiệm làm tăng nhanh huyết áp và duy trì thời gian dài, nhờ vậy mà thuốc có tác dụng chống choáng. Thuốc còn có tác dụng cải thiện nhịp nhanh trên thất.
Thành phần hóa học
Flavonoid, phần lớn thành phần tương tự như Trần bì.
Vị thuốc Thanh bì
( Công dụng, Tính vị, quy kinh, liều dùng …. )
Tính vị:
Vị đắng, cay và tính ấm.
Qui kinh:
Can, đường mật và vị.
Theo các sách cổ:
Sách Bản thảo đồ kinh: vị đắng. Sách Y học khởi nguyên: khí ôn, vị cay. Sách Thang dịch bản thảo: Túc quyết âm kinh, thủ thiếu dương kinh. Sách Lôi công bào chế dược tính giải: nhập 2 kinh Can, tỳ.
Công dụng:
Sơ can phá khí, tán kết tiêu trệ.
Liều dùng:
3-10g.
Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc Thanh bì
Can khí uất kết biểu hiện như tức và đau ngực, hạ sườn:
Thanh bì, Sài hồ, Uất kim, Hương phụ, Thanh quất diệp. Liều tùy gia vừa đủ. Sắc uống. (Kinh Nghiệm Dân Gian).
Viêm tuyến vú:
Thanh bì, Qua lâu, Bồ công anh, Kim ngân hoa, Liên kiều. Liều tùy chứng gia vừa đủ. Sắc uống ngày một thang. (Kinh Nghiệm Dân Gian).
Trị sưng đau tinh hoàn, thiên truỵ, sán thống:
Thanh bì, Ô dược, Tiểu hồi hương, Mộc hương. Liều tùy chứng gia vừa đủ. Sắc uống. (Thiên Thai Ô Dược Tán).
Chữa ứ huyết biểu hiện như chướng và đau thượng Vị:
Thanh bì, Sơn tra, Mạch nha, Thần khúc. Liều tùy chứng gia vừa đủ. (Bài Thanh Bì Hoàn).
Chữa Can uất huyết hư ngực sườn đầy tức, hàn nhiệt vảng lai:
Sài hồ 8g, Thanh bì 12g, Đương quy 12g, Bạch thược 16g, Bạch truật 12g, Phục linh 14g, Cam thảo 6g. Bạc hà 12g, Sinh khương 3 lát. Sắc uống.