Tên khác: Tên thường gọi: Thiên thảo còn được gọi là Thiến thảo, Tây thảo, Thiến căn, Huyết kiến sầu, Hoạt huyết đan, Mao sáng (mèo), Địa huyết là rễ phơi hay sấy khô của cây Thiến thảo.
Tên tiếng Trung: 茜草
Tên dược: Radix Rubiae
Tên khoa học: Rubia cordifolia L
Họ khoa học: Thuộc họ Cà phê Rubiacae.
Cây Thiên thảo
(Mô tả, hình ảnh cây Thiên thảo, phân bố, thu hái, chế biến, thành phần hóa học, tác dụng dược lý…)
Mô tả:
Cây mọc leo, sống lâu năm, rễ sống dai, thân vuông, có gai rất nhỏ, mọc quặp xuống. Lá mọc vòng 4 lá một (thực tế là lá mọc đối, với lá kém phát triển, trông như 4 lá mọc vòng). Phiến lá hình bầu dục đầu nhọn, dài 2-4cm, rộng 2,5-3cm, mép cũng có gai, gân lá hình cung. Hoa nhỏ màu vàng nhạt, mọc thành xim dài 3-20cm ở đầu cành hay kẽ lá. Quả tròn, màu đen, khi chin trong chứa 1-2 hạt hình cầu, đường kính 4mm, hõm ở giữa, lưng phình lên. Mùa hoa quả: tháng 9-11
Phân bố:
Cây mọc hoang dại ở những vùng núi cao mát như Sapa, Nghĩa lộ, Lai châu. Người ta đào rễ vào thu đông, rửa sạch, thái mỏng, phơi hay sấy khô
Bộ phận dùng và phương pháp chế biến:
Rễ được đào vào mùa xuân hoặc mùa thu, rửa sạch và phơi nắng cho khô.
Thành phần hóa học:
Trong rễ thiến thảo có chứa một chất glucozit, axit rutherythric, alizarin, một ít purpurin, rubiadin, glucoza.
Dưới tác dụng của men (erythrozin hay rubiaza) axit rutherythric sẽ tách ra thành glucoza và alizarin hay dioxyanthraquinon, purpurin là một trioxyanthraquinon, chất glucozit sinh ra purpurin chưa tách ra được, rubiadin là một metylpurpuroxanthin. Chất purpuroxanthin trong Rubia sikkimensis là một đồng phân màu vàng của alizarin và là một dioxyanthraquinon.
Tác dụng dược lý:
Tác dụng cầm máu: Cho uống than Thiến thảo làm rút ngắn thời gian chảy máu của đuôi chuột nhắt trắng. Nước ấm ngâm kiệt rễ Thiến thảo rút ngắn thời gian đông máu của thỏ, có tác dụng cầm máu nhẹ.
Tác dụng kháng khuẩn: Thuốc có tác dụng ức chế đối với các loại tụ cầu khuẩn vàng, trắng, phế cầu khuẩn và trực khuẩn cúm.
Tác dụng giảm ho hóa đàm: Thuốc sắc cho chuột nhắt uống có tác dụng cầm ho hóa đàm, nếu cho cồn kết tủa thuốc sẽ không có tác dụng này.
Tác dụng đối với cơ trơn: Nước sắc Thiến thảo có tác dụng đối kháng với acetylcholin làm co thắt ruột cô lập của thỏ. Chất chiết xuất nước của rễ Thiến thảo làm hưng phấn tử cung cô lập của chuột lang, cho sản phụ uóng làm tăng co bóp tử cung.
Tác dụng đối với sỏi đường niệu: Cho chuột nhắt uống chế phẩm thuốc 20% có tác dụng ngăn ngừa hoặc hạn chế sự hình thành sỏi thận và bàng quang. Tác dụng thúc đẩy tống sỏi có thể do thuốc có tác dụng hưng phấn co bàng quang.
Tác dụng làm tăng bạch cầu: chất glucozit I và II đều có tác dụng làm tăng bạch cầu ngoại vi.
Tác dụng chống ung thư: chất RA được chiết xuất từ cây Thiến thảo có tác dụng chống ung thư đối với bệnh bạch cầu của chuột nhắt, ung thư đại tràng, ung thư nước ổ bụng và phòng chống di căn của tế bào ung thư. Độc tính của thuốc đối với tế bào bình thường rất thấp.
Độc tính của thuốc: cho chuột nhắt uống nước sắc của thuốc với liều 150g/kg không có tử cung, nếu tăng liều lên 175g/kg thì cứ 5 con có 1 con chết.
Vị thuốc Thiên thảo
(Công dụng, liều dùng, quy kinh, tính vị…)
Tính vị:
Ðắng, lạnh.
Quy kinh:
Vào kinh Can
Công năng:
Lương huyết chỉ huyết; Hoạt huyết hóa ứ.
Chỉ định và phối hợp:
Xuất huyết do nhiệt bức huyết vong hành. Thiên thảo phối hợp với Ðại kế, Tiểu kế và Trắc bách diệp.
Mất kinh do huyết ứ. Thiên thảo phối hợp với Ðương qui, Xuyên khung và Hương phụ.
Huyết ứ và đau do ngoại thương. Thiên thảo phối hợp với Hồng hoa, Ðương qui và Xích thược.
Chứng phong đàm ứ trệ (đau khớp). Thiên thảo phối hợp với Kê huyết đằng và Hải phong đằng.
Liều lượng:
Ngày dùng: 10-15g
Kiêng kỵ:
Dùng thận trọng trong các trường hợp: Tỳ vị hư nhược, tinh huyết kém, âm hư hỏa vượng, không có huyết ứ.
Ứng dụng lâm sàng của Thiên thảo
Dùng cầm máu: Trị các chứng chảy máu cam, nôn ra máu, tiêu ra máu, kinh kéo dài, huyết hư.
Thiến mai hoàn ( Phổ tế bản thị phương) gồm: Thiến thảo, Ngãi diệp, Ô mai lượng bằng nhau tán bột mịn luyện mật làm hoàn, uống mỗi lần 2 – 4g, ngày 2 – 3 lần. Trị chảy máu cam do nhiệt.
Cát căn tán: Thiến thảo, A giao đều 10g, Hoàng cầm, Trắc bá đều 8g, Sinh địa 16g, Cam thảo 3g, chế thành dạng bột hoặc sắc uống ( trị thổ huyết, chảy máu cam). Nôn ra máu có thể dùng độc vị Thiến thảo tán bột sắc uống hoặc phối hợp với Đậu đen, Cam thảo tán bột làm hoàn uống gọi là Thiến thảo hoàn ( trong sách Thần tế tổng lục).
Trường hợp nôn ra máu mà cơ thể hư yếu, thuốc kết hợp với Hoàng cầm, Trắc bá diệp, Hoàng kỳ, Đương qui ( bài Thiến căn tán trong Phổ tế phương). Trường hợp cần cầm thổ huyết mạnh hơn gia Tam thất, Kê huyết đằng sắc uống ( thổ huyết thần phương Y môn bổ yếu).
Thiến căn thang: Thiến căn, Địa du đều 10g, Đương qui 12g, Địa hoàng 16g, Hoàng cầm, Chi tử đều 8g, Hoàng liên 6g, Đậu xị 12g, Phỉ bách 12g, sắc uống trị xích lî thể nhiệt.
Trị chảy máu răng sau khi nhổ răng:
Dùng bột Thiến thảo rắc lên miếng gạc đắp vào cắn chặt sau 1 – 2 phút cầm máu (Thông báo Vệ sinh y dược 1974, 1:54) 2. Trị tắt kinh: dùng Thiến thảo 20g sắc uống.
Trị Xích bạch đới:
Dùng bài: Thanh đới thang: Thiến thảo, Hải phiêu tiêu, Long cốt, Mẫu lệ đều 12g, Hoài sơn 20g, ( Xích đới gia Bạch thược, Khổ sâm. Bạch đới gia Lộc giác sương) sắc uống.
Trị viêm phế quản mạn tính:
Dùng Thiến thảo và vỏ cây cam chanh chế thành thuốc sắc hoặc thuốc viên cho uống trị 123 ca, mỗi liệu trình 10 ngày, sau 1 liệu trình tỷ lệ có kết quả là 40,7%, sau 2 liệu trình là 69,1% kết quả tốt, đối với thể hen kết quả càng rõ rệt (tư liệu Y học của Bộ vệ sinh quân khu Phúc châu 1972,3:10)