Thương Truật
Thương truật là vị thuốc Đông y thường dùng chủ trị các chứng đầy bụng, thủy thũng, hạ huyết áp, tiêu chảy,… Ngoài ra, thuốc còn dùng cải thiện một số bệnh lý khác theo chỉ định của thầy thuốc.
+ Tên khác: Mã kế, bảo kế, thiên kế, mao quân bảo khiếp, sơn giới (Hòa Hán Dược Khảo), sơn tinh (Bảo Phác Tử), xích truật (Biệt Lục), mao truật, kiềm chế thương truật, chế mao truật (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển)
+ Tên khoa học: Atractylodes chinensis (DS) Loidz
+ Họ: Cúc (Compositae)
I. Mô tả về cây thương truật
+ Đặc điểm sinh thái của thương truật
Là cây sống lâu năm có chiều cao trung bình khoảng 0,6 m. Thân mọc thẳng đứng, có rễ cây phát triển thành củ to. Lá mọc so le, gần như không cuống. Phần lá ở phía gốc chia làm 3 thùy với thùy giữa lớn và hai thùy hai bên không lớn lắm. Còn lá ở phía trên thân có hình mác, không chia thùy. Mép lá có răng cưa nhọn và nhỏ. Hoa hình ống, đơn hoặc lưỡng tính, tràng hoa có màu tím nhạt hoặc trắng với phiến chia thành 5 thùy xẻ sâu. Hoa có 5 nhị, nhụy có đầu vòi chia hai, bầu có lông mềm và nhỏ. Cụm hoa hình đầu có tổng bao do 5 – 7 lớp như ngói lợp. Lớp dưới cùng của cụm hoa chia rất nhỏ như hình lông chim. Cây có quả khô.
+ Phân bố
Thương truật phân bố chủ yếu ở các tỉnh vùng Trung Quốc như Hà Nam, Giang Tô và Hồ Bắc.
+ Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản
- Bộ phận dùng: Thê rễ khô
- Thu hái: Rễ được thu hoạch vào mùa xuân và thu
- Bào chế: Sau thu hái đem rửa sạch, ngâm nước gạo cho mềm, thái phiến và sao khô. Còn đối với chích thương truật, lấy nước vo gạo rẩy vào thương truật phiến cho ướt đều rồi cho vào nồi sao nhỏ lửa cho đến khi hơi vàng là được.
- Bảo quản: Tránh nơi ẩm ướt và tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp
+ Thành phần hóa học
Củ thương truật chứa nhiều tinh dầu, trong đó có các thành phần chính như b-eudesmol, hydroxy atractylon, atractylodin và hinesol.
II. Vị thuốc
+ Tính vị
Tính ấm, vị cay và đắng
+ Quy kinh
Tỳ và Vị
+ Tác dụng dược lý
- Tác dụng đối với đường huyết: Theo Đường Nhữ Ngu, Trung Hoa Y Học Tạp Chí 1958, cho thỏ nhà uống nước sắc thương truật với liều 8g/kg sẽ thấy lượng đường trong máu tăng lên và cách 1 tiếng sau sẽ hạ xuống rồi 6 tiếng tiếp theo lại lên. Và theo Kin Yung Hi và cộng sự cho biết, nếu tiếp tục cho uống liên tục khoảng 8 – 10 ngày sau đó, lượng đường sẽ trở lại bình thường
- Vận động tiêu hóa: Theo Lý Dục Hạo, Trung Dược Tân Dược Lâm Sàng Dữ Lâm Sàng Dược Lý Thông Tấn 1991, dùng dịch chiết thương truật với liều lượng 75mg/kg có tác dụng vận động tiêu hóa nhờ chứa chất b – eudesmol
- Hệ niệu sinh dục: Theo Trung Dược Học, cho chuột nhắt uống nước sắc Thương Truật, kết quả không thấy có tác dụng lợi niệu nhưng thấy nồng độ muối tăng lên
Chính nhờ những tác dụng dược lý này, thương truật thường dùng chủ trị các bệnh lý như:
- Kiện tỳ
- Minh mục
- Tán hàn
- Khư phong
- Đầy bụng
- Trướng hơi
- Quáng gà
- Cước khí teo chân
- Tiêu chảy
- Thủy thũng
+ Cách dùng và liều lượng
- Cách dùng: Dùng dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột
- Liều dùng: 5 – 10 gram
+ Tác dụng phụ
Tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng để tránh sử dụng thuốc quá liều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
+ Kiêng kỵ
- Người đại tiện lỏng hoặc tỳ vị hư yếu không nên dùng thuốc
- Theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển, bệnh nhân bị táo bón hoặc nhiều mồ hôi không nên dùng
- Khi sử dụng thuốc nên kiêng ăn thịt chim bù cắt, không ăn đào
- Theo Phẩm Nghĩa Tinh Yếu, trong quá trình dùng thương truật nên kỵ tỏi và hồ tuy
III. Bài thuốc chữa bệnh từ thương truật theo kinh nghiệm dân gian
+ Chữa mắt có màng mộng, giữ vững hạ tiêu và làm thanh vùng đầu theo Thụy Trúc Đường Kinh Nghiệm Phương
Sử dụng 1kg thương truật đem rửa sạch và chia làm 4 phần. Sau đó, dùng từng phần tẩm với rượu, giấm, nước gạo nếp và đồng tiện. Sau khoảng 3 ngày ngâm, vớt để ráo, thái mỏng và bồi khô.
Tiếp đó, thêm hắc chi ma vào sao thơm và tán thành bột. Dùng rượu nấu với miếng làm hồ rồi trộn với thuốc bột làm viên to bằng hạt ngô đồng lớn. Mỗi lần uống 30 viên.
⇒ Lưu ý: Nước ngâm thuốc trong 3 ngày, mỗi ngày nên thay bằng nước mới.
+ Chữa trị chân yếu, lưng đau do thấp khí làm tay chân tê mỏi theo Vĩnh Loại Kiềm Phương
Dùng 1kg thương truật đem thái ra và trộn đều rồi chia làm 4 phần bằng nhau. Mỗi phần đều đem ngâm với nước gạo, nước muối, giấm và rượu. Thời gian ngâm là 3 ngày, mỗi ngày đều phải thay nước mới. Sau đó, vớt để ráo và phơi khô rồi trộn đều. Tiếp theo, chia làm 4 phần và mỗi phần sao chung với xuyên tiêu, bổ cốt chỉ, hồi hương và hắc khiên ngưu, mỗi vị 40g.
Sau khi sao thuốc có vị thơm, chỉ lấy thương truật đem tán bột mịn còn các vị thuốc kia đều bỏ. Sử dụng giấm nấu làm hồ và trộn đều với bột thuốc rồi vo thành viên. Mỗi ngày uống khoảng 30 viên. Nên uống chung với rượu hoặc nước muối vào lúc đói.
+ Chữa da mặt vàng, không còn sắc máu hoặc thích nằm, biếng ăn, khí lực và tinh thần đều bị sút kém theo Tế Sinh Bạt Tụy
Dùng 1kg thương truật và 1/2kg địa hoàng đem tán bột và dùng hồ hoàn viên. Tùy thuộc vào mùa mà phối thêm can khương với liều lượng khác nhau. Cụ thể như, vào mùa đông dùng 40g can khương, mùa hè 20g, mùa xuân và thu dùng 28g. Mỗi ngày uống 30 viên, giúp cải thiện triệu chứng bệnh.
+ Điều trị quáng gà theo Thánh Huệ Phương
Sử dụng 60g thương truật tẩm với nước vo gạo. Sau 1 đêm đem phơi khô và tán bột. Tiếp đó, dùng dao tre mổ 1kg gan dê ra và rắc thuốc bột vào rồi dùng dây gai buộc chặt. Sau đó, lấy nước vo gạo và 1 ít gạo nấu chín nhừ, chờ nguội và ăn. Ăn liên tục cho đến khi bệnh khỏi thì thôi.
+ Chữa viêm khớp đau do thấp nhiệt hoặc phong hàn thấp
Dùng thương truật, mộc qua, tang ký sinh, hoàng kỳ, thạch xương bồ, ý dĩ nhân, tần giao, thạch hộc, tỳ giải, thục địa, mỗi vị 10g sắc chung với cam thảo 3g, tàm sa 10g và quế chi 6g. Uống liên tục cho đến khi triệu chứng bệnh thuyên giảm thì ngưng.
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà cách dùng, liều lượng và thời gian dùng thương truật ở mỗi người khác nhau. Do đó, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng thuốc điều trị bệnh.
Để đặt vị thuốc theo định lượng cụ thể, quý khách vui lòng liên hệ 0968951159
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.