Tên khác : Xuyên tiêu còn gọi là Hoàng lực, Sơn tiêu, hoa tiêu,
Tên tiếng trung: 川 椒
Tên khoa học: Zanthoxylum simulans Hance
Họ khoa học: Họ Cam Quýt (Rulanceae)
Cây Xuyên tiêu
(Mô tả, hình ảnh cây xuyên tiêu, phân bố, thu hái, chế biến, thành phần hóa học, tác dụng dược lý…)
Mô tả:
Cây nhỏ leo với thân hơi đen, có gai, mọc thành bụi cao khoảng 1-2m, có nhiều nhánh màu đỏ nhạt, vươn dài có thể tới 10m, có gai ngắn, cong về phía dưới. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, dài 18-25cm, có 2-3 đôi lá chét mọc đối; phiến lá chét hình trái xoan, gốc tròn đầu nhọn, mép khía răng mỏng, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới nhạt hơn; hai mặt của gân chính đều có gai. Hoa mọc thành chùm hoặc thành chùm xim co, đơn độc hay tập hợp thành bó ở nách lá. Quả có 1 đến 5 ô dính quanh trục, có phần ngoài nhăn nheo, phần trong vàng, nhăn, như giấy da, tách ra được. Mỗi ô chứa một hạt, có vỏ dày, cứng bao bởi một màng màu đen nhánh.
Phân bố:
Cây xuyên tiêu mọc ở Ðông Trung Quốc, Ðài Loan, Triều Tiên và các nước Ðông dương. Cây mọc ở ven rừng, núi đất và núi đá, lùm bụi vùng trung du ở nhiều nơi thuộc các tỉnh Lào Cai, Hòa Bình, Vĩnh Phú, Bắc Thái, Cao Bằng, Lạng Sơn qua Nghệ An, Hà Tĩnh tới Ðắc Lắc.
Bộ phận dùng:
Vỏ quả.
Thu hái:
Rễ thu hái quanh năm, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô.
Quả đã mở mắt, trong có một hột đen; vỏ ngoài sắc nâu hồng, khô, thơm, vỏ trong trắng ít thơm. Vỏ đem phơi nắng đến thật khô, khi dùng sao qua, thấy thơm là được. Quả chưa mở mắt thì không nên dùng.
Chế biến:
Theo Trung Y: Sao qua cho ra mồ hôi, còn nóng cho vào ống tre, dùng que cứng đâm giã cho tróc vỏ trong lấy vỏ ngoài mà dùng hoặc chỉ sao nóng đổ lên miếng giấy sạch đặt trên đất, lấy bát úp kín lại, đợi nguội lấy ra giã bỏ vỏ trong lấy vỏ ngoài mà dùng.
Theo kinh nghiệm Việt Nam: Dùng cả quả (vỏ và hột) sao qua thấy thơm, ướt mặt là được.
Bảo quản:
Đậy kín, để chỗ khô, ráo, tránh nóng.
Thành phần hóa học của xuyên tiêu:
Chủ yếu có chứa 1% tinh dầu với thành phần chủ yếu là limonen (44%), geranial (12,14%), neral (10,95%), linalol (6,84%). vv.
Vị thuốc xuyên tiêu
(Công dụng, liều dùng, quy kinh, tính vị…)
Tính vị
Vị cay, tính ôn.
Quy kinh
Vào kinh Phế, Tỳ và Thận.
Tác dụng:
Tán hàn, trục thấp, ấm trung tiêu, trợ hoả, hành thuỷ, làmthuốc giải độc, sát trùng.
Chủ trị:
Bụng lạnh đau, nôn mửa đi tả, trị lãi đũa, trị thấp, kiện vị.
Liều dùng:
Ngày dùng 3 – 6g.
Kiêng ky:
Âm hư hoả vượng thì không nên dùng.
Ứng dụng lâm sàng của xuyên tiêu:
Chữa các chứng trung tiêu hư hàn, bụng đau, nôn, không thích ăn, có lãi đũa:
Xuyên tiêu, Can khương, Nhân sâm. Sắc nước bỏ bã, gia đường phèn uống nóng. Tác dụng: Ôn trung bổ hư, giáng nghịch, chỉ thống. (Đại Kiến Trung Thang).
Trị hư lao, gối lạnh, liệt dương, tay chân mỏi:
Xuyên tiêu 40g, Lộc nhung 80g, Ngưu tất 60g, Nhục thung dung 40g, Phòng phong 1,2g, Phụ tử 40g, Quế tâm 1,2g, Thỏ ty tử 80g, Tục đoạn 40g, Viễn chí 1,2g, Xà sàng tử 40g. Tán bột, trộn với mật làm hoàn, to bằng hạt ngô đồng lớn. Mỗi lần uống 30 viên với rượu ấm. Tác dụng: Ôn thận dương, ấm lưng gối, mạnh gân xương. (Xuyên Tiêu Hoàn – Kê phong Phổ Tế Phương).
Trị vào tháng hè cảm hàn thấp, tiêu chảy không ngừng:
Nhục đậu khấu 20g, Xuyên tiêu 40g. Tán bột, trộn với bột gạo hồ làm hoàn. Ngày uống 12-16g với nước cơm. (Xuyên Tiêu Hoàn II – Tiểu Nhi Vệ Sinh Tổng Lục Phương).
Chữa rắn cắn:
Xuyên tiêu, phối hợp với hạt Hồng bì, rễ Ðu đủ làm thành bột bôi xung quanh vết cắn. (Kinh Nghiệm Dân Gian).
Chữa sỏi Gan, sỏi Mật:
Nhân trần 20g, Kim tiền thảo 30g, Cỏ xước 30g, Quả dứa dại 20g, Cỏ mực 16g, Chỉ xác 8, Cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang. (Lương Y Uông Nhuyến).
Phân biệt Mắc Khén và Xuyên Tiêu
Rất nhiều bạn bị nhầm lẫn giữa hạt mắc khén Tây Bắc, hạt tiêu Tứ Xuyên (hay còn gọi là hoa tiêu, nên mình viết riêng bài này để giúp bạn giải đáp thắc mắc sự giống và khác nhau để tránh mua nhầm sản phẩm. Thật may là mình có mắc khén và Xuyên tiêu ở nhà nên có thể tự mình kiểm chứng.
MẮC KHÉN:
- Tên khoa học: Zanthoxylum Rhetsa
- Thuộc họ: Rutaceae (họ Cam Quýt)
- Thuộc chi: Zanthoxylum (chi Sẻn, chi Xuyên tiêu, chi hoa tiêu)
- Tên gọi tiếng Anh: Indian Prickly Ash, Sichuan pepper, Indian ivy-rue
- Tên gọi tiếng Lào: Mak khaen
- Tên tiếng Việt: Mắc khén
XUYÊN TIÊU: (loại dùng để nấu trong các món Tứ Xuyên)
- Tên khoa học: Zanthoxylum simulans
- Thuộc họ: Rutaceae (họ Cam quýt)
- Thuộc chi: Zanthoxylum (chi Sẻn, chi Xuyên tiêu, chi hoa tiêu)
- Tên gọi tiếng Anh: chinese Sichuan pepper, Chinese prickly-ash
- Tên gọi tiếng Trung: tiêu đỏ: 大红袍花椒 (da hong pao huājiāo), tiêu xanh: 青花椒 (qing huajiao)
- Tên gọi tiếng Việt: tiêu Tứ Xuyên, hoa tiêu
Sự giống và khác nhau giữa Mắc khén và xuyên tiêu Tứ Xuyên Trung Quốc:
– Dù cả 2 loại là họ hàng với nhau nhưng chúng là 2 loài khác nhau trong cách trồng trọt, mùa vụ, ra hoa cũng như vị của hạt. Cả 2 loại hạt đều có vị tê khi cắn phải, hình dạng cũng gần giống nhau dù nhìn kỹ sẽ có sự khác biệt (mắc khén có nhiều hạt tạo thành hình hoa xòe và nhỏ hơn còn tiêu Xuyên là những hạt tròn rời rạc). Mắc khén có mùi hương nồng vỏ quýt hơn, hăng hơn, trong khi tiêu Xuyên lại có mùi dịu hơn hẳn, vị cay, nóng và tê rõ rệt hơn hạt mắc khén. Do đó chúng có mùi vị tương đối khác nhau và không phù hợp để thay thế cho nhau trong nấu ăn, đặc biệt là các món Tứ Xuyên.
– Mắc khén và tiêu Xuyên tên tiếng Anh là Sichuan pepper, tên này thực ra là tên chỉ chung cho dòng tiêu Zanthoxylum (các bạn biết đó, người nước ngoài họ không rành về các loại tiêu châu Á nên họ chỉ có 1 ít tên chung chung để gọi, nhưng thực chất tìm hiểu kỹ thì chúng là những loại khác nhau, phổ biến ở các vùng khác nhau, canh tác và ra hoa cũng khác chút)