Tên khác : Tên thường dùng: yến sào, tổ chim yến, yến thái
Họ: Họ Yến hay họ Vũ yến (danh pháp khoa học: Apodidae)
Chim Yến
(Mô tả, hình ảnh chim yến, phân bố, thu bắt, thành phần hóa học, tác dụng dược lý)
Mô tả
Yến là những loài chim ở trên không nhiều nhất và một số, như yến thông thường, thậm chí ngủ và giao phối khi bay. Các loài lớn, như yến đuôi nhọn họng trắng (Hirundapus caudacutus), là một trong những loài bay nhanh nhất trong giới động vật. Một nhóm, yến hang (tông Collocalini) đã phát triển một dạng định vị bằng tiếng vang để dò tìm đường bay trong các hệ thống hang động tối tăm nơi chúng đậu để ngủ. Một loài, Aerodramus papuensis gần đây được phát hiện là có sử dụng kiểu định vị này vào thời gian ban đêm ở bên ngoài hang nơi nó đậu ngủ. Các loài yến phân bố rộng khắp thế giới trong khu vực nhiệt đới và ôn đới, nhưng giống như các loài nhạn, các loài yến vùng ôn đới là những loài chim di trú và mùa đông chúng bay về vùng nhiệt đới.
Nhiều loài yến có hình dáng đặc trưng, với đuôi ngắn và chẻ, các cánh dài cụp về phía sau, trông tương tự như trăng lưỡi liềm hay boomerang. Kiểu bay của một số loài được đặc trưng bằng hành động “vụt” đặc biệt rất khác với kiểu bay ở nhạn. Kích thước các loài yến dao động từ nhỏ như ở yến lùn (Collocalia troglodytes), chỉ cân nặng 5,4 g và dài 9 cm (3,7 inch) tới yến đuôi nhọn tía (Hirundapus celebensis), cân nặng 184 g (6,5 oz) và dài 25 cm (10 inch).
Tổ của nhiều loài được kết dính trên các bề mặt dốc đứng bằng nước bọt, và các loài chi Aerodramus chỉ sử dụng nước bọt để làm tổ, và đây là cơ sở của món yến sào.
Tổ yến được tìm thấy trên vách đá, hang động nơi chim yến sinh sống. Tổ yến được thu hoạch là tổ chim trắng Aerodramus fuciphagus (yến Hàng) và tổ chim yến đen Aerodramus maximus (yến Tổ đen) nhưng chỉ có loại tổ yến của yến Hàng là được biết đến dưới tên Yến Đảo trên thị trường. Do tính chất nguy hiểm và hạn chế số lượng đảo có thể khai thác nên loại yến sào này thường có giá cao nhất so với các loại yến sào khác trên thị trường. Tổ trắng và tổ màu hồng máu (yến Huyết) được cho là giàu dinh dưỡng hơn và quý hơn. Mỗi tổ nặng 7-8 gam. Yến thường làm tổ trên các vách đá hiểm hóc tại biển khơi, khi thì ở những mũi đá lởm chởm dựng đứng, khi thỉ ở những mỏm núi cheo leo, phía dưới là vịnh nước sâu đầy đá ngầm, muốn tìm và đến được những nơi yến ở để lấy tổ phải rất kiên nhẫn và dũng cảm.
Phân loại – phân bố – thu hoạch tổ yến – yến sào
Các nhà khai thác Yến sào ở Bình Định cho biết, trên thế giới có 3 loại chim Yến mà tổ có thể ăn được. Tổ Yến màu trắng được kết bằng nước bọt của chim Yến hàng. Tổ Yến màu đen gồm có 10% lông cơ thể và 90% còn lại là nước bọt của chim bố mẹ. Loại thứ 3 là tổ Yến rêu, rác lẫn nước bọt chim Yến cùng trộn lẫn và gắn kết với nhau. Ngoài ra, hiện ở Trung Quốc có một loại chim Yến có tên khoa học là “Yến hông trắng” tổ rất lớn, nhưng chứa đến 90% là tạp chất và chỉ có 10% là Yến sào. Tại các hang Yến ở tỉnh Vân Nam, người ta vẫn thường thu hoạch tổ loại chim Yến này. Cứ một tổ Yến họ thu được 10gr sợi bọt Yến sào. Hiện nay người ta cũng chưa biết được giá trị thực của loại Yến này như thế nào, vì vậy rất dễ bị nhầm lẫn khi chọn mua tổ Yến sào trên thị trường. Đối với Yến sào tổ nhỏ, loại tổ Yến có 100% thành phần nước bọt của chim Yến mẹ được phân loại theo kích thước, màu sắc, phẩm chất khác nhau và tất nhiên giá trị cũng khác nhau. Yến loại 1 gọi là “Yến quan”, nặng từ 8-15gr, giá thị trường khoảng 35-40 triệu đồng/1 kg; Tổ “Yến thiên” nặng từ 6-7 gr, giá cả tại thị trường Hồng Kông từ 30-35 triệu đồng/1 kg; Tổ “Yến bài” nặng từ 3-5 gr, giá từ 25-30 triệu đồng/1 kg; “Yến vụn” là các mảnh vỡ của tổ Yến lẫn tạp chất giá khoảng 10-15 triệu/kg. “Yến địa” là loại tổ Yến dính nhiều tạp chất và lẫn phân chim cũng có giá từ 8-10 triệu đồng/kg… còn có loại tổ Yến đã qua chế biến thành sợi và ép lại thành bánh nhỏ, có giá từ 15-20 triệu đồng/kg. Đặc biệt tổ Yến màu hồng, Yến huyết, chất dinh dưỡng cực lớn, do đó giá trị tại thị trường hiện nay từ 40-50 triệu đồng/kg. Theo tìm hiểu của chúng tôi, giới thương gia mua bán “Yến sào” ở Việt Nam thường sử dụng cách phân loại truyền thống để mua bán thành một thói quen thông lệ. Theo đó, loại Yến sào có chất lượng cao gồm “Yến huyết”, “Yến hồng” và “Yến quan”. Tổ Yến xếp từ loại 2 trở xuống gồm “Yến thiên”, “Yến địa”… sẽ tương ứng giảm dần về mặt giá trị cũng như độ dinh dưỡng. Đối với loại “Yến vụn”, là Yến sào khi khai thác bị nát vỡ hoặc những chân tổ còn dính lại trên vách đá được tận thu lần 2. Tuy vậy, thực chất “Yến vụn” cũng là một loại Yến sào có chất lượng cao. Vì vậy những khách hàng ít tiền nên mua loại tổ Yến vụn để sử dụng vẫn bảo đảm độ dinh dưỡng cao.
Tuy vậy chất lượng ít bảo đảm nhất lại thuộc về loại tổ Yến đã qua sơ chế. Loại này về bản chất là do bị ngấm nước biển hoặc lẫn với phân chim. Để sử dụng được, người ta phải đem ngâm nước, lọc sạch tạp chất, sau đó sấy khô và đưa ra thị trường tiêu thụ. Tổ Yến đã sơ chế thường có màu sắc trắng ngà, đẹp mắt nhưng chất lượng đã bị suy giảm do quá trình xử lý. Hiện nay trên thị trường Bình Định, Khánh Hoà và một số nước vùng Đông Nam á xuất hiện loại tổ Yến đã qua sơ chế có mùi khét của dầu ăn. Loại tổ Yến này không phải là đồ giả, nhưng chất lượng thì cần phải xem xét. Sau khi thu hoạch loại tổ Yến này, người ta ngâm chúng với nước cho rã ra thành sợi, sau đó trộn chung với dung dịch dầu ăn nhằm làm cho lông và tạp chất nổi lên bề mặt để lược bỏ, rồi thu lại sợi Yến nguyên chất. Sau khi rửa lại với nước sạch, người ta ép sợi Yến thành từng bánh nhỏ rồi mang bán trên thị trường.
Làm sao biết được tổ yến thật và giả?
Theo một số cán bộ, công nhân thuộc Xí nghiệp Yến sào Bình Định cho biết, Hiện nay trên thị trường vẫn có khá nhiều loại tổ Yến giả được “thiết kế” trông như thật. Khách hàng không có kinh nghiệm sử dụng mặt hàng thực phẩm cao cấp này rất dễ bị mua phải đồ dởm. Do vậy, để tránh “tiền mất tật mang” các chuyên gia đã có một số kinh nghiệm như sau: Cần quan sát kỹ tổ Yến thật bằng mắt một lần trong đời. Thông thường Yến sào vẫn được phép bán trong các siêu thị lớn, hoặc nhà hàng và cơ sở sản xuất, chế biến Yến sào ở miền Trung (Khánh Hoà – Bình Định). Về màu sắc, loại tổ Yến thật thường có màu vàng da cam, màu đỏ, hoặc đỏ da cam. Tổ Yến giả thường có màu trắng, được làm bằng chất aga (rau câu) hoặc bằng keo Agenat trộn lẫn với tinh bột mì (sắn). Về mùi vị, tổ Yến thật có mùi vị tanh, mùi ẩm mốc. Tổ Yến làm giả rất khó đạt được thứ mùi vị đặc trưng này, chúng thường có mùi lạ, hăng hắc hoặc mùi khác với Yến thật. Khách hàng khi mua yến cần thử bằng cách ngâm một ít Yến vào nước. Nếu tổ Yến làm giả thì các kết cấu bằng tinh bột, khi gặp nước sẽ nhão ra. Tổ Yến thật khi ngâm hoặc nấu đều không tan nhão, mà rã ra thành từng sợi Yến nguyên vẹn.
Một cách khác nữa là cho tổ Yến vào dung dịch iốt, nếu là Yến giả sẽ chuyển sang màu xanh, do tinh bột tác dụng với iôt biến thành màu xanh. Đối với Yến huyết – Yến sào có màu đỏ, hoặc hồng, khi nhúng một ít vào nước trà (hoặc chè xanh) nếu gặp Yến giả nhuộm ôxit sắt thì chúng sẽ phản ứng hoá học và đen sẫm lại. Hoặc khi ngâm trong nước, tổ Yến giả nhuộm phẩm màu sẽ bị mất màu, tan trong nước, còn tổ Yến thật dù có đem nấu chín trong nước sôi 100C nó vẫn còn nguyên màu sắc. Nói tóm lại, hiện nay khi cần mua Yến sào, người tiêu dùng nên nhờ những chuyên gia hoặc người thông thạo về tổ Yến giúp đỡ, vì họ chỉ nhìn qua bằng mắt thường hoặc ngửi mùi vị là có thể xác định được Yến thật, Yến giả.
Thành phần hóa học của yến sào
Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, yến sào là hợp chất bao gồm 2 yếu tố chính: glyco và protein. Phần glyco bao gồm 7 loại, cơ thể dễ hấp thụ. Phần protein có chứa nhiều acid amin không thay thế, mà cơ thể không tổng hợp được.
Theo số liệu của Trung tâm Công nghệ Sinh học Đại học Thủy sản và Viện Công nghệ sinh học thuộc Trung tâm Khoa học Tự nhiên và công nghệ quốc gia, trong thành phần yến sào có 18 loại acid amin, một số có hàm lượng rất cao như Aspartic acid, Serine, Tyrosine, Phenylalanine, Valine, Arginine, Leucine, … Đặc biệt, acid syalic với hàm lượng 8,6% và Tyrosine là những chất có tác dụng phục hồi nhanh chóng các tổn thương khi bị nhiễm xạ hay chất độc hại, kích thích sinh trưởng hồng cầu. Ngoài ra, yến sào có cấu trúc glucoprotein, có năng lượng cao, cơ thể dễ hấp thụ. Các nguyên tố đa, vi lượng trong yến sào rất phong phú, có đến 31 nguyên tố xuất hiện bằng phương pháp huỳnh quang tia X, rất giàu Ca và Fe là các khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Các nguyên tố có ích cho ổn định thần kinh trí nhớ như Mn, Br, Cu, Zn cũng có hàm lượng cao. Một số nguyên tố hiếm tuy với hàm lượng thấp, nhưng rất quý giá trong kích thích tăng tiêu hóa hấp thu qua màng ruột như Cr, chống lão hóa, chống chất phóng xạ như Se. Qua đó chúng ta càng không ngạc nhiên về giá trị dinh dưỡng cao và quý giá của yến sào.
Tác dụng dược lý của yến sào
Yến sào có tác dụng làm sạch phổi và các cơ quan hô hấp, làm giảm bệnh cúm và các triệu chứng dị ứng, làm tăng thể trọng, cân bằng các quá trình trao đổi chất trong cơ thể, tăng cường khả năng hoạt động thể lực và phản xạ thần kinh, bổ đối với hệ huyết học, làm tăng số lượng hồng cầu, huyết sắc tố, giảm thời gian đông máu, tăng cường các kích thích sinh trưởng cho các tế bào, phục hồi các tế bào bị thương tổn, chống lão hóa, hồi xuân, tăng tuổi thọ.
Gần đây, khi nghiên cứu tác dụng của yến sào trong trường hợp cơ thể bị nhiễm chất độc hại, người ta nhận thấy yến sào hạn chế mức độ sút cân, phục hồi sức khoẻ nhanh , ổn định các chỉ tiêu huyết học. Người ta cũng đang nghiên cứu dùng yến sào điều trị các bệnh ung thư và HIV/AIDS vì phát hiện có một số hoạt chất sinh học kích thích sinh trưởng tế bào bạch cầu ngoại biên trong yến sào.
Có thể nói rằng, khi ăn món yến sào, thưởng thức được hương vị đặc trưng và bổ dưỡng của yến, người ta sẽ cảm thấy tự hào vì đã nếm được một trong những tinh hoa của trời đất, tạo vật. Tuy nhiên cần chọn mua ở những nơi tin tưởng để tránh muaphải tổ yến giả, chất lượng kém.
Vị thuốc yến sào
(Công dụng, liều dùng, quy kinh, tính vị)
Yến sào, hay tổ chim yến, là tên một loại thực phẩm – dược phẩm nổi tiếng được làm bằng tổ chim yến. Đây là món cao lương mỹ vị của các quốc gia Đông Á như Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam và nhiều quốc gia khác. Ở Việt Nam, yến sào được xếp vào hàng Bát Trân (tám món ăn cao lương mĩ vị). Món súp yến sào được mệnh danh là “món trứng cá caviar của phương Đông”. Món yến sào đã được người Trung Hoa tiêu thụ từ cách đây 400 năm. Món súp yến sào trông giống như chất keo a dao được nấu với gia vị có bổ sung thêm một ít tinh bột, đường. Yến sào là một trong những món ăn được làm từ động vật đắt đỏ nhất.
Tính vị
Theo tài liệu cổ yến sào có vị ngọt, tính bình.
Quy kinh
Kinh phế, tỳ
Công dụng:
Yến sào bổ phế, vị, tăng cường sức khỏe, tỉnh táo tinh thần, tăng cường trí nhớ, thường được dùng trong những tiệc lớn của vua chúa.
Liều dùng – Cách dùng
Tổ yến nên dùng thường xuyên thì mới phát huy được hết công dụng, nên dùng mỗi ngày hoặc cách đều 2 ngày 1 lần với liều lượng vừa đủ thay vì lâu lâu sử dụng một lượng lớn.
Cách chế biến tổ yến đơn giản nhất là chưng cách thủy vì nó không làm cho mất các chất dinh dưỡng có trong tổ yến.
Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc yến sào
Dùng cho trường hợp suy nhược cơ thể.
Yến thả: yến sào 5g, hấp cách thủy, cho vào bát con, thêm thịt gà xé 30g, cho nước luộc gà nóng, thêm gia vị cho đủ độ mặn ngọt. Ăn trước bữa ăn.
Tác dụng kiện tỳ dưỡng huyết.
Yến tần: chim bồ câu đã làm sạch, cho yến sào, gạo nếp, đậu xanh, mộc nhĩ, nấm hương vào trong bụng chim. Hầm cách thủy cho nhừ, thêm gia vị. Ăn trong ngày.
Tác dụng bổ trung, dưỡng khí huyết, dùng cho người suy nhược cơ thể.
Chè yến: yến sào 5g, hấp cách thủy, cho vào bát con. Đường kính đun với nước sôi (lượng đủ ngọt), bắc ra để nguội, thêm lòng trắng trứng và bột mịn vỏ trứng. Đun sôi, lọc trong, đổ vào bát yến. Ăn khi còn ấm và sau bữa ăn.
Trường hợp suy nhược, người già yếu, lao phổi, viêm khí phế quản, bệnh tâm phế mạn.
Yến sào hấp đường phèn: yến sào 5g, đường phèn 30g. Trước tiên đun tan đường phèn, vớt bỏ váng bã cho yến sào vào đun nhỏ lửa cho sôi là được.
Viêm phế quản mạn, lao phổi, giãn phế quản.
Yến sào kỷ tử: yến sào 10g, kỷ tử 15g, đường kính 100g. Yến sào ngâm rửa sạch, cho nước đun sôi cho nở ra, cho tất cả yến sào, kỷ tử và đường kính trong một xoong với lượng nước thích hợp, đun cách thủy 30 phút.
Trường hợp viêm dạ dày, viêm ruột có nôn ói, nấc cụt và các bệnh nội khoa có nôn ói.
Yến sào pha sữa bò: yến sào 10g, ngâm nước cho mềm, đun cách thủy cho chín, cho thêm 250ml sữa bò, khuấy đều cho sôi.
Thai phụ ho nấc, nôn ói; do có tác dụng an thai hòa vị, chỉ ẩu.
Yến sào đỗ trọng hấp đường: yến sào 4g, đỗ trọng 15g, đường kính 100g. Yến sào ngâm nước sôi cho mềm trước, tất cả cùng nấu trong 30 phút, khuấy lắc đều, lấy nước uống.
Chữa ho ra máu.
Yến sào bạch cập: yến sào 12g, bạch cập 12g. Đun nhỏ lửa, hầm kỹ. Lọc lấy nước, thêm đường phèn, đun cho tan. Uống 2 lần trong ngày.
Chữa cơ thể suy nhược.
Yến nấm gà tần: yến sào 40g, thịt gà 200g, nấm hương 20g. Hầm trong 10 phút. Ăn trong ngày.
Canh yến sào bạch chỉ chữa viêm phế quản
Yến sào 20g, bạch chỉ 20g, cho vào bát sứ, đổ vừa nước, đem đun cách thủy đến khi nhừ, lọc bỏ bã, cho đường phèn vào đun sôi là được. Ngày ăn 1-2 lần, cần ăn 5-7 ngày liền.
Tại phòng khám Đông y Nguyễn Hữu Toàn yến sào, tổ yến thường được chỉ định dùng trong các trường hợp: người già gầy yếu, suy nhược cơ thể, mất ngủ, người bị viêm phế quản mãn tính, hen phế quản.
Tham khảo
Kiêng kị:
Người bị cảm mạo phong hàn, phế vị hư hàn, đàm thấp không dùng
Bà mẹ mang thai dưới 3 tháng, em bé sơ sinh không nên dùng yến sào. Khi dùng cho các em bé, nên thử từ từ, vì có thể gây dị ứng cho bé. Tuy nhiên, không nên dùng thường xuyên cho trẻ em, nhất là trước bữa ăn. Việc dùng yến trước bữa ăn sẽ làm tăng đường huyết trong máu, làm giảm cảm giác thèm ăn ở trẻ, làm tăng biểu hiện biếng ăn và có thể làm giảm khẩu phần ăn trong bữa ăn sau đó, dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Nó cũng không phù hợp với những người có rối loạn đường huyết, như bệnh nhân tiểu đường hay viêm tụy.
Nên chế biến yến sào ở nhiệt độ vừa phải, không để sôi trên 100 độ C. Thông thường, phương pháp chế biến tổ yến chủ yếu là hấp, không nấu trực tiếp. Không nên cho đường quá nhiều cho dù là đường phèn, vào món ăn chế biến từ yến sào vì hàm lượng đường càng nhiều sẽ càng làm giảm tác dụng hỗ trợ tích cực của yến sào.
Ngoài ra, theo đông y người có thể trạng đàm thấp, béo mập, da mét, tay chân lạnh, cao huyết áp, thống phong, thường bị đầy bụng, tiêu chảy, lạnh bụng không nên dùng Yến sào.