Tên khác : Còn gọi là: Thuốc sốt rét, dây thần nông, bảo cự hành, dây thần thông, khua cao ho (Lào), bandaul pech (Cămphuchia), liane quinine (Pháp)
Tên khoa học: Tinospora crispa(L.) Miers., (Menisermum crispum L., Cocculus tuberculatus L., C. crispus DC.),
Họ khoa học: Thuộc họ Tiết dê – Menispermaceae.
Cây dây kí ninh
(Mô tả, hình ảnh cây dây ký ninh, thu hái, chế biến, thành phần hoá học, tác dụng dược lý ….)
Mô tả cây
Cây ký ninh là cây thuốc nam quý. Là một loại dây leo, thân rất xù xì, màu nâu nhạt, sống dai, dài tới 6-7m hay hơn. Thân non nhẵn, thân già màu nâu xám, rất xù xì nom như da cóc. Lá hình trái xoan ngược – dạng tim hay hình thuôn, mọc so le, mép nguyên, dài 8-12cm, rộng 5-6cm, có cuống ngắn, gầy. Hoa tập hợp thành 1-2 chùm mọc ở nách những lá đã rụng. Quả hình trứng, khi chín có màu vàng rồi đỏ, dài chừng 12 mm, có cơm quả dày, chứa 1 hạt màu đen.
Phân bố:
Dây ký ninh mọc hoang tại nhiều tỉnh miền bắc nước ta như Hoà Bình, Hà tây, Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Nó còn mọc ôer Lào, Cămpuchia, Philipin.
Việc trồng cây ký sinh rất dễ dàng, chỉ cần cắt thân thành từng mẩu dài chừng 10-15cm, trồng nghiên xuống đất. Mùa nực phát triển rất mạnh. Theo M.Brancourt, trong 24h, thân cây ký ninh có thể dài tới 20-25cm. Mùa rét cây ngừng phát triển
Bộ phận lùng làm thuốc:
Để làm thuốc, dùng dây già thu hái quanh năm, rửa sạch, cắt thành đoạn ngắn chừng 0,5-1cm, thái mỏng dùng tươi hay phơi khô. Có thể tán bột, luyện viên cho dễ uống. Khi chế biến, có thể ngâm nước vo gạo hay nước tiểu trẻ em.
Thành phần hoá học
Trong thân L. Beauquesne đã lấy ra được một ít ancaloit. Một số tác giả cho chất ancaloit đó là chất becberin. Nhưng theo L. Beauquesne thì đó là chất panmatin. Tỷ lệ ancaloit đó chừng 0,10% so với thân khô. Ngoài ancaloit ra L. Beauquesne còn lấy ra được một chất đắng với một tỷ lệ 0,60-0,80% tính trên thân cây khô. Chất đắng này đã được xác định là một glucozit không có tinh thể, khó thuỷ phân bằng axit, phần đường có thể là một metylpentoza, phần không đường cho phản ứng Liebecman.
Trong rễ, nhiều tác giả đã chiết ra được chất ancaloit becberin, chất đắng columbin (chừng 2,2%) và chất picroretin.
Tác dụng dược lý
Chống chu kỳ trong sốt, bổ đắng, hạ nhiệt, làm ra mồ hôi, tiêu đờm, tiêu viêm, tiêu độc, lợi tiểu, lợi tiêu hoá.
Vị thuốc dây ký ninh
(Công dụng, Tính vị, quy kinh, liều dùng …. )
Tính vị, tác dụng:
Vị đắng, tính mát có tác dụng chống chu kỳ trong sốt, bổ đắng, hạ nhiệt, làm ra mồ hôi, tiêu đờm, tiêu viêm, tiêu độc, lợi tiểu, lợi tiêu hoá.
Công dụng
Công dụng phá huyết thông kinh trệ, trục ứ, chỉ phúc thống, sát chư trùng, trừ thấp nhiệt, tiêu thũng đầy, cũng chữa sốt rét hay.
Người ta còn cho súc vật như trâu, bò, ngựa ăn bột ký dây ninh trộn với thóc hay ngô , súc vật ăn sẽ khoẻ, lông mượt, béo tốt.
Ngoài công dụng dùng trong, dây ký ninh còn được dùng ngoài bằng cách đắp hoặc sắc lấy nước rửa các vết lở loét rất hiệu quả.
Liều dùng
Dùng dưới hình thức cao, bột, viên
Liều dùng chữa sổ rét. Ngày uống 0,5-1,5g cao dưới hình thức thuốc viên.
Bột thân cây chế thành rượu thuốc hay thuốc ngâm; Bột thuốc ngày uống 2-3g, rượu thuốc ngày 4-8g.
Ứng dụng lâm sàng của dây ký ninh
Sốt có cơn, rét run, sởn gai ốc, mình mẩy chân tay đau nhức trong người nóng như thiêu, đầu đau như búa bổ, khát, tức ngực, miệng rất đắng, người toát mổ hôi, ướt dầm dề. Mạch đang cơn sốt phù huyền sác, có khi hồng đại sác.
Bài thuốc: sài hồ 12g, địa long (sao gừng) 12g, thường sơn sao rượu 16g, dây ký ninh 12g, muồng trâu 12g, thảo quả 8g, binh lang 8g, trần bì 8g, rễ bá bệnh 8g, bán hạ chế 8g. Các vị cho vào 600ml nước, sắc lấy 200ml nước thuốc, uống ngày 1 thang.
Tham khảo
Trong y học cổ truyền Ấn Độ, tất cả các bộ phận của cây được sử dụng rộng rãi về tác dụng bổ chung, chống viêm, chống dị ứng, bảo vệ gan, tăng dục, tăng thích nghi và hoạt tính điều hoà miễn dịch trong các bệnh nhiễm khuẩn. Dây thần thông cũng được dùng trị các bệnh da, vàng da, thiếu máu, sốt, sốt rét và thấp khớp. Dây thần thông là một thành phần của một số lớn bài thuốc sắc trong y học cổ truyền Ấn Độ trị bệnh về khớp.
Tinh bột từ thân và rễ được dùng làm chất bổ dưỡng trong bệnh tiêu chảy và lỵ mạn tính. Dịch ép từ cây tươi là một thuốc lợi tiểu mạnh, trị bệnh về tiết niệu và bệnh lậu. Ngoài tác dụng trị sốt rét, rễ thần thông còn có hoạt tính chống stress và trị bệnh phong. Dây thần thông cũng được dùng trong thú y.
Thân cây tán bột hoặc sắc lấy nước cho vào bơ sữa trâu lỏng, sữa dê hoặc mật ong được dùng để lọc máu, làm ổn định sức khoẻ người cao tuổi và làm bắp thịt chắc khoẻ.
Một bài thuốc chữa sốt rét gồm thân rễ thần thông, thân rễ củ gấu và gừng khô, mỗi vị 5g. Sắc với nước uống trong này, trong 4 – 5 ngày.
Thân cây của dây thần thông trộn lẫn với vỏ thân của cây tra nhỏ (Thespesia lampas) và lá xuyên tâm liên được dùng dới dạng thuốc sắc để chữa sốt rét.
Trong 1210 trường hợp các bệnh nhiễm khuẩn khác nhau được điều trị với chế phẩm Septilin bào chế từ dây thần thông và một số dược thảo khác, có 610 trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, 105 trường hợp chảy dịch tai mạn tính, 175 trường hợp nhiễm khuẩn bề mặt da, 15 trường hợp viêm eczema da và 185 trường hợp vết mổ được khâu. Septilin có hiệu quả trong đa số trường hợp. Không có tác dụng phụ hoặc phản ứng dị ứng, ngay cả khi dùng hàng ngày.
Một chế phẩm khác chứa dây thần thông, nhọ nồi, nhục đậu khấu, mỗi vị 100mg, và một số thành phần dược thảo khác, được dùng điều trị có hiệu quả sỏi thận với các biến chứng khác nhau mà không có tác dụng phụ. Sự phân rã sỏi xảy ra sau 15 ngày dùng thuốc. Dây thần thông được dùng trị loét miệng. Nghiền 3 – 5g rễ trong nước thành bột nhão và uống các ngày một lần. Rễ tươi được nhai và ngậm một lúc trong miệng.
Trộn 5ml dịch ép từ dây thần thông tươi với 10 – 20 hạt hồ tiêu và 10ml mật ong và uống làm một lần. Cứ cách 4giờ uống một liều như vậy để trị bệnh lậu. Rễ và thân dây thần thông được dùng kết hợp với các thảo dược khác trị rắn cắn và bọ cạp đốt. Nước sắc từ thân cây tán bột là thuốc hồi phục chức năng, bổ và tăng dục. Toàn cây giã nhuyễn đắp trị gãy xương.
Dây thần thông được dùng để cải thiện khả năng tâm thần, trị các rối loạ thần kinh. Một thuốc sắc từ lá được dùng điều trị bệnh gút (thống phong). Cây cũng được dùng làm thuốc an thần, trị hen, viêm quầng và lao phổi. Dùng dịch ép từ toàn cây hoặc thân bôi đắp ngoài trị bệnh nám da và ghẻ, và cũng dùng uống để tẩy máu. Lá được dùng trị khí hư.
Một chế phẩm bào chế từ các cây dây thần thông, hương nhu, dung, Asparagus racemosus được dùng điều trị rối loạn nội tiết ở phụ nữ. Đó là những vị thuốc được biết đến về công dụng hỗ trợ hệ nội tiết của phụ nữ và làm tăng sự “khoẻ mạnh về tình dục” ở phụ nữ.
Dây thần thông cũng được dùng trị giang mai, viêm phế quản, di tinh, và liệt dương.
Dùng 4 thìa cà phê dịch ép thân tươi dây thân thông cùng với 1 thìa cà phê mật ong uống lúc đói, ngày 2 lần trong 7 ngày để trị di tinh, dùng trong 1 tháng. Cũng được chỉ định làm thuốc kích dục và làm tăng tinh trùng trong tinh dịch.
Ở Sri Lanka, thân dây thần thông được dùng trị sốt, bệnh da, vàng da và bệnh giang mai. Tinh bột từ rễ và thân cây được dùng trị tiêu chảy mạn tính và lỵ mạn tính dai dẳng, và là một chất dinh dưỡng có giá trị, trong trường hợp ruột bị kích thích và không tiêu hoá được thức ăn thông thường. Nó có tác dụng điều trị các triệu chứng của thấp khớp. Dịch ép cây tươi là thuốc lợi tiểu mạnh. Để trị rắn cắn và côn trùng độc cắn đốt, dùng dịch ép và nước sắc rễ đắp vào nơi bị thương và uống cứ nửa giờ một lần.
Thường dùng trị cảm sốt, phát ban, sốt rét cơn, ho, tiêu hoá kém và tiêu mụn nhọt. Dùng ngoài lấy nước sắc rửa mụn nhọn lở loét. Lá nghiền nát dùng đắp lên các vết thương và đắp trị ghẻ. Ở Ấn Độ, người ta dùng trong suy yếu toàn thân.
So sánh
Ở nước ta còn một loại cây gần giống dây ký nin, gọi là dây thần nông. Người ta dùng thân cây của cây thần nông, tươi hoặc khô. Đây không phải là cây canhkina và không có chất quinin mặc dù mang tên dây ký ninh. Được xác định tên khoa học là Tinospora cordifolia Miers. Thân ít xù xì hơn, là tròn hình tim hơn, quả dài hơn, cùng một công dụng như dây ký ninh.