Tên khác : Tên thường gọi: Thường gọi là Hạt tiêu, còn có tên là Cổ nguyệt, Hắc cổ nguyệt, Bạch cổ nguyệt, bạch hồ tiêu, Hắc xuyên, Bạch xuyên là quả gần chín của cây Hồ tiêu phơi hay sấy khô, dùng làm thuốc đợc ghi đầu tiên trong sách Tân tu bản thảo.
Tên thực vật của cây Hồ tiêu là Piper Nigrum L.
Họ khoa học: Thuộc họ Hồ tiêu (Piperaceae).
Cây hồ tiêu
(Mô tả, hình ảnh cây hồ tiêu, thu hái, chế biến, thành phần hoá học, tác dụng dược lý ….)
Mô Tả:
Cây hồ tiêu được xem là một trong những cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, giá trị xuất khẩu cao nhất so với các mặt hàng nông sản khác. Đồng thời hồ tiêu cũng là một cây thuốc quý trong Đông y. Cây có dạng dây leo, thân dài, nhẵn không mang lông, bám vào các cây khác bằng rễ. Thân mọc cuốn, mang lá mọc cách. Lá như lá trầu không, nhưng dài và thuôn hơn. Có hai loại nhánh: một loại nhánh mang quả, và một loại nhánh dinh dưỡng, cả hai loại nhánh đều xuất phát từ kẽ lá. Đối chiếu với lá là một cụm hoa hình đuôi sóc. Khi chín, rụng cả chùm. Quả hình cầu nhỏ, chừng 20-30 quả trên một chùm, lúc đầu màu xanh lục, sau có màu vàng, khi chín có màu đỏ. Từ quả này có thể thu hoạch được hồ tiêu trắng, hồ tiêu đỏ, hồ tiêu xanh và hồ tiêu đen. Đốt cây rất dòn, khi vận chuyển nếu không cận thận thì cây có thể chết. Quả có một hạt duy nhất.
Thu hoạch và chế biến:
Hồ tiêu được thu hoạch mỗi năm một lần. Muốn có hồ tiêu đen, người ta hái quả vào lúc xuất hiện một số quả đỏ hay vàng trên chùm, nghĩa là lúc quả còn xanh; những quả còn non quá chưa có sọ rất giòn, khi phơi dễ vỡ vụn, các quả khác khi phơi vỏ quả sẽ săn lại, ngả màu đen. Muốn có hồ tiêu trắng (hay hồ tiêu sọ), người ta hái quả lúc chúng đã thật chín, sau đó bỏ vỏ. Loại này có màu trắng ngà hay xám, ít nhăn nheo và ít thơm hơn (vì lớp vỏ chứa tinh dầu đã mất) nhưng cay hơn (vì quả đã chín).
Bên cạnh hai sản phẩm nói trên, tuy hiếm hơn, còn có hồ tiêu đỏ, là loại hồ tiêu chín cây hoặc được thu hái khi rất già, ủ chín sau đó được chế biến theo cách thức đặc biệt để giữ màu đỏ của vỏ.
Hạt tiêu phơi hay sấy khô thành màu đen gọi là Hồ tiêu đen. Nếu đem quả chín ngâm nước vài ngày xát cho tróc vỏ ngoài phơi khô thành màu trắng gọi là Hồ tiêu trắng (Tiêu sọ). Hạt tiêu dùng sống, giã nát hoặc tán bột dùng làm gia vị hoặc làm thuốc.
Phân bố
Các nước khác có trồng tiêu nhiều như Thái lan, Malaixia, Indonexia, Ấn độ, Campuchia, đảo Hải nam (Trung quốc).
Cây Hồ tiêu được trồng khắp nơi từ Nam chí Bắc nhiều nhất là ở các tỉnh Châu đốc, Hà tiên, Bà rịa, Quãng trị.
Hồ tiêu đỏ có màu đỏ thẫm hơi ngả đen, được sản xuất tại Ấn Độ và tại huyện Chư Sê và Bà Rịa – Vũng Tàu Việt Nam. Giá trị xuất khẩu của tiêu đỏ sau khi chế biến cao hơn gấp 3 đến 4 lần so với hạt tiêu đen
Thành phần hóa học:
Hồ tiêu cũng rất giàu vitamin C, thậm chí còn nhiều hơn cả cà chua. Một nửa cốc hồ tiêu xanh, vàng hay đỏ sẽ cung cấp tới hơn 230% nhu cầu canxi 1 ngày/1 người.
Trong tiêu có 1,2-2% tinh dầu, 5-9% piperin và 2,2-6% chanvixin. Piperin và chanvixin là 2 loại ankaloit có vị cay hắc làm cho tiêu có vị cay. Trong tiêu còn có 8% chất béo, 36% tinh bột và 4% tro
Tác dụng dược lý
Dùng liều nhỏ tăng dịch vị, dịch tụy, kích thích tiêu hóa ăn ngon, nhưng liều lớn kích thích niêm mạc dạ dày gây sung huyết và viêm cục bộ, gây sốt viêm đường tiểu, đái ra máu.
Piperin và piperidin gây độc ở liều cao, piperidin làm tăng huyết áp, làm tê liệt hô hấp và một số dây thần kinh (50mg/kg cân nặng). Piperin tiêm bắp cho thỏ và chuột bạch hoặc cho hít hơi với liều cao thì sau một thời gian kích thích ngắn, có hiện tượng thở nhanh lên chân sau tê liệt rồi mê hoàn toàn, co quắp, chết do ngừng thở. Giải phẩu thi thể, các phủ tạng đều có hiện tượng xuất huyết.
Hồ tiêu có tác dụng sát trùng, diệt ký sinh trùng, gây hắt hơi. Mùi Hồ tiêu đuổi sâu bọ nên được dùng để bảo vệ quần áo len khỏi bị sâu cắn.
Ankaloit Hồ tiêu có tác dụng an thần đối với chuột nhắt rõ rệt
Vị thuốc hồ tiêu
(Công dụng, liều dùng, tính vị, quy kinh…)
Tính vị qui kinh:
Hồ tiêu vị cay tính nóng.
Sách Tân tu bản thảo: vị cay, đại ôn, không độc.
Qui kinh:
Vị Đại tràng.
Sách Bản thảo kinh sơ: nhập thủ túc dương minh kinh.
Tác dụng:
Sách Tân tu bản thảo: ” Chủ hạ khí, ôn trung, trừ đờm, trừ phong lãnh ở tạng phủ”.
Sách Bản thảo diễn nghĩa: ” Hồ tiêu trị chứng vị hàn đàm, ói nước, ăn vào ói ngay rất tốt. Dùng nhiều tẩu khí Đại trường hàn hoạt nên dùng, cần tùy chứng mà phối hợp các vị thuốc khác”.
Sách Bản thảo cầu chân: “Hồ tiêu so với Thục tiêu nóng hơn. Phàm các chứng do hỏa suy hàn nhập đàm thực ứ trệ bên trong, trường hoạt lãnh lî, âm độc phúc thống, vị hàn ói nước, nha sĩ phù nhiệt tác thống (răng lợi do nhiệt xông sinh đau, dùng hạt tiêu trị đều có kết quả, thuốc làm cho hàn khí bị loại trừ mà bệnh tự khỏi. Nhưng thuốc chỉ có tác dụng trừ hàn, tán tà không như Quế Phụ có tác dụng bổ hỏa ích nguyên nên trường hợp tẩu khí động hỏa, âm hư khí bạc, rất nên kî Hồ tiêu”.
Liều dùng:
Lượng dùng cho vào thuốc thang: 2 – 3g, thuốc tán 1 – 2g. Dùng ngoài lượng vừa đủ.
Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc hồ tiêu
Trị động kinh:
Tác giả dùng Kháng giản linh trị 73 ca động kinh đã dùng thuốc tây không khỏi. Liều thường dùng mỗi ngày 150 – 200mg, có ca dùng liều gấp đôi, liệu trình từ 6 tháng đến 2 năm. Kết quả rõ 36 ca, tiến bộ 34 ca, tỷ lệ có kết quả 95,9%, không kết quả 3 ca. Có 35 ca làm lại điện não đồ, có 23 ca được cải thiện, có kết quả tốt đối với loại động kinh nguyên phát hoặc do chấn thương cơn lớn, không có phản ứng phụ rõ rệt, trường hợp dùng thuốc trên 200mg mỗi lần, có ca váng đầu, buồn ngủ kém ăn hoặc buồn nôn (Báo cáo của phòng khám Động kinh Bệnh viện Nhân dân thuộc Học viện Y học Bắc kinh- Tạp chí Nội khoa Trung hoa 1977,6:321).
Trị trẻ em tiêu chảy:
Lấy 1 – 2 hạt tiêu trắng tán bột bỏ vào rốn của trẻ em dùng băng dính dán lại 24giờ thay một lần, có thể dùng 2 – 3 lần. Đã trị 209 ca có kết quả 81,3% (Tạp chí Trung y Hà bắc 1985,4:23).
Trị quai bị:
Bột Hồ tiêu 0,5 – 1g trộn với bột mì trắng 5 – 10g, trộn với nước nóng thành dạng hồ cho vào gạo đắp lên chỗ đau, dán băng keo mỗi ngày thay 1 lần. Tác giả Bạch vân Điền trị 18 ca kết quả tốt (Tạp chí Y học Sơn tây 1960,1:66).
Trị chứng ngũ tạng phong hàn, nôn ( bị lạnh bụng gây nôn):
Dùng hạt tiêu 30g. Ngâm trong 1 ít rượu. Trước khi ăn uống 1-2 ly con( 5-10 thìa cà phê).
Trị thương hàn, ho ngược lên, khí lạnh nhiễm vào dạ dày:
Hạt tiêu 30 hạt đập dập, xạ hương 2g, rượu 200ml. Sắc còn 100ml. Uống nóng.
Trị chứng đau phía dưới tim:
Dùng 49 hạt tiêu, 10g sữa bò tươi nguyên chất, cho hạt tiêu vào nghiền đều. Đối với đàn ông thì cho thêm 1 lát gừng sống, với phụ nữ thêm 1 miếng đương quy hòa vào với rượu mà uống.
Trị đau dạ dày:
Táo tàu 7 trái, bỏ hạt, 7 hạt tiêu sọ cho vào ruột táo tàu, buộc lại đem chưng cách thủy cho nhừ rồi nghiền nát, viên bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần uống 7 viên với nước ấm.Người khỏe mạnh có thể uống 10 viên sẽ khỏi đau. Nếu thấy dạ dày nóng và đói thì cho ăn cháo.
Trị buồn nôn nhiều ngày không dứt:
Dùng 1 gam bột hạt tiêu 30g, gừng sống thái lát sấy khô, nghiền thành bột. Hai thứ trộn đều rồi cho vào 200ml. nước sắc còn 100ml. Chia uống 3 lần trong ngày lúc nước còn ấm.
Trị buồn nôn, không ăn được:
Hạt tiêu 15g, bán hạ 15g. Cả 2 nghiền thành bột, giã gừng cho thêm tí nước vắt lấy nước gừng hòa vào 2 loại bột trên rồi viên to bằng hạt đậu nành.Mỗi lần uống 20-30 viên với nước gừng loãng.
Chữa bệnh thổ tả (miệng nôn trôn tháo):
Dùng 49 hạt hồ tiêu, 150 hạt đậu xanh, cả hai nghiền bột, trộn đều. Mỗi lần uống 3g với nước canh đu đủ.
Trị đại tiện bí, đau, trướng bụng:
Hồ tiêu 21 hạt đập dập, nước 200ml, sắc còn 100ml. bỏ bã rồi cho vào 20g mang tiêu. Sắc uống.
Trị sốt rét:
Sốt ngày 1 lần hoặc sốt cách ngày đều dùng hạt tiêu sọ nghiền thành bột, đựng lọ. Xác ve sầu sấy khô, nghiền bột, đựng lọ khác. Mỗi lần dùng từng loại 3g, hai thứ trộn vào nhau, gói giấy kín. Sau 3-4 giờ thì bóc ra lấy thuốc uống với nước chín.
Trị thiếu canxi gây co rút:
Dùng 20 hạt tiêu sọ, 2 vỏ quả trứng gà. Cả 2 sấy vàng nghiền bột rồi chia thành 14 gói. Mỗi ngày uống 1 gói với nước ấm.
Trị viêm thận:
Dùng 7 hạt tiêu và 1 quả trứng gà. Chọc 1 lỗ ở đầu quả trứng rồi nhét hạt tiêu vào, dùng bột mì bịt kín lỗ thủng. Lấy 1 tờ giấy ướt bọc toàn bộ quả trứng đem đun cách thủy cho chín, ăn. Người lớn ăn ngày 2 quả, trẻ em 1 quả, ăn liên tục 10 ngày là 1 liệu trình điều trị. Nghỉ 3 ngày rồi ăn đợt 2.
Trị cước do lạnh:
Dùng hạt tiêu 10%, nước 90%, ngâm hạt tiêu vào, Sau 7 ngày gạn lấy nước bôi chỗ bị cước, ngày 1 lần.
Trị răng đau, sâu răng:
Dùng hạt tiêu, tất bát, lượng bằng nhau, nghiền nhỏ, hòa sáp ong, viên như hạt vừng. Mỗi lần dùng 1 viên nhét chỗ răng sâu.
Trị bệnh chàm:
Dùng 10 hạt tiêu sọ nghiền thành bột, cho vào 1 lít nước đun sôi, để ấm rửa nơi bị chàm, ngày 2 lần.
Trị rết cắn:
Hạt tiêu nghiền thành bột bó chỗ rết cắn.
Tham khảo
Kiêng kị:
Hồ tiêu chỉ ăn vừa phải vì dùng nhiều sẽ phát mụn nhọt, gây trĩ, độc cho ngũ tạng và mờ mắt. Những người âm suy có hỏa nhiệt không dùng. Nếu có phản ứng không tốt do ăn nhiều thì nấu đậu xanh ăn để giải độc.
Hồ tiêu là loại gia vị cũng là vị thuốc quý. Hồ tiêu có bán hầu hết ở các siêu thị, cửa hàng đồ khô. Khách hàng nên lựa chọn mua ở những địa chỉ uy tín, tin cậy để mua.