Tên khác : Tên thường gọi: Râu hùm còn gọi là Củ dòm(Ba Na), Phá lủa (Tày), Nưa, Cẩm địa la, Pinh đỏ (K’dong).
Tên khoa học: Tacca chantrieri André.
Họ khoa học: Thuộc họ Râu hùm – Taccaceae.
Cây Râu hùm
(Mô tả, hình ảnh cây Râu hùm, phân bố, thu hái, chế biến, thành phần hóa học, tác dụng dược lý…)
Mô tả:
Cây thảo sống lâu năm, cao 50-80cm. Thân bò dài, có nhiều đốt. Lá mọc thẳng từ thân rễ, có phiến hình trái xoan nhọn, dài 25-60cm, rộng 7-20cm, màu lục bóng, mép nguyên lượn sóng, cuống lá dài 10-30cm. Hoa màu tím đen mọc tụ họp thành tán trên một cán thẳng hay cong dài 10-15cm; bao chung của tán có 4 lá bắc màu tím nâu, các lá bắc ngoài hình trái xoan, nhọn mũi, các lá bắc trong hình trái xoan, thuôn nhọn ở gốc, các sợi bất thụ dài tới 25cm. Hoa có cuống đài, 6 nhị, bầu dưới có lối đính noãn bên. Quả không tự mở; hạt có 3 cạnh, màu đỏ tím.
Hoa tháng 7-8, quả tháng 9-10.
Bộ phận dùng:
Thân rễ – Rhizoma Taccae Chantrieri.
Phân bố và thu hái:
Loài phân bố ở Nam Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Ðông dương. Ở nước ta, cây mọc hoang ở ven suối và rừng ẩm. Có thể thu hái thân rễ quanh năm, rửa sạch, phơi hay sấy khô.
Thành phần hoá học:
Thân rễ chứa Saponin steroid, khi thủy phân cho diosgenin, taccaosid, b-sitosterol.
Vị thuốc Râu hùm
(Công dụng, liều dùng, quy kinh, tính vị…)
Tính vị:
Thân rễ có vị cay đắng, tính mát.
Tác dụng:
Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm chỉ thống, lương huyết, tán ứ. Toàn cây có độc.
Công dụng, chỉ định và phối hợp:
Thân rễ dùng ngoài chữa Thấp khớp.
Ở Trung Quốc, cây được dùng uống trị lao lực, viêm loét dạ dày và hành tá tràng, viêm gan, Huyết áp cao, đau dạ dày, bỏng lửa, lở ngứa.
Ứng dụng lâm sàng chữa bệnh của vị thuốc Râu hùm
Thấp khớp
Râu hùm 50g, giã nhỏ, ngâm rượu xoa bóp ngoài.
Chữa tê thấp:
Kinh nghiệm dân gian dùng 50g thân rễ Râu hùm khô giã nhỏ, trộn với 30g Bồ kết nướng giòn, tán bột, ngâm vào 1/3 lít rượu trong 1 – 2
tuần. Dùng rượu này xoa bóp vào chỗ tê đau, ngày 2 – 3 lần.