Tên khác : Tên thường gọi: Sâm đất còn gọi là Sâm nam, Sâm rừng, Sâm quy bầu .
Tên khoa học: Boerhavia diffusa L. (B. repens L.).
Họ khoa học: thuộc họ Hoa phấn – Nyctaginaceae.
Cây Sâm đất
(Mô tả, hình ảnh cây Sâm đất, phân bố, thu hái, chế biến, thành phần hóa học, tác dụng dược lý…).
Mô tả:
Cỏ nằm rồi đứng, sống dai. Rễ mập, hình thoi. Thân mọc toả ra sát đất, màu đỏ nhạt. Lá mọc đối, có cuống, phiến xoan tròn dài hay hình bánh bò, mép lượn sóng, mặt dưới có nhiều lông màu trắng lục. Cụm hoa chùm mang xim 3 hoa không cuống. Các nhánh hoa có nhiều lông tròn dính vào quần áo. Hoa màu đỏ tía, có 1-2 nhị. Quả hình trụ, phồng ở đầu, có lông dính.
Ra hoa kết quả quanh năm, chủ yếu tháng 4-6.
Bộ phận dùng:
Rễ và lá – Radix et Folium Boerhaviae Diffusae.
Nơi sống và thu hái:
Loài liên nhiệt đới, mọc hoang khắp nơi, ở vườn, sân, bờ đường hay bãi cỏ… Thu hái rễ, lá quanh năm, đào rễ (tốt nhất vào mùa thu) và rửa sạch, phơi hay sấy khô.
Thành phần hóa học:
Trong rễ có 0,01% một chất alcaloid có hoạt tính là punarnavine; alcaloid tổng số trong rễ là 0,04%; còn có một chất thơm, tinh bột, chất gôm, một chất dầu bay hơi, nitrat kalium.
Tác dụng dược lý:
Sâm đất có tác dụng lợi tiểu, có thể do ức chế succinic dehydrogenase và kích thích D – amino oxydase ở thận.
Cao nước cây khô hoặc tươi gây tiết niệu trong các trường hợp phù và cổ trướng, đặc biệt trong giai đoạn đầu bệnh gan và thận. Lượng kali cao trong toàn cây làm tăng tác dụng lợi tiểu của hoạt chất punarvanin. Tiêm tĩnh mạch punarvanin ở mèo gây tăng huyết áp rõ rệt và kéo dài, và tăng tiết niệu.
Trong thử nghiệm lâm sàng điều trị hội chứng hư thận, cao sâm đất làm tăng tiết niệu, giảm phù và có tác dụng cải thiện chung trên bệnh nhân, làm giảm albumin niệu, tăng protein huyết thanh và giảm cholesterol huyết thanh. Cao cồn sâm đất có tác dụng chống viêm trên phù thực nghiệm bàn chân và tăng hiệu suất tiết niệu ở chuột cống trắng; tác dụng có thể so sánh được với corticosteroid.
Vị thuốc Sâm đất
(Công dụng, liều dùng, quy kinh, tính vị…)
Tính vị:
Sâm đất vị hơi đắng, tính hàn, Rễ củ sâm đất ít có độc.
Tác dụng:
Rễ có tác dụng lợi tiểu, nhuận tràng, làm long đờm, làm tăng lượng nước tiểu, nhưng với liều cao, có thể gây nôn mửa và làm ra nhiều mồ hôi. Nó có tác dụng vào hệ thần kinh như một tác nhân chống co giật. Lá có tác dụng hoạt huyết, giải độc.
Ứng dụng lâm sàng của Sâm đất
Chữa tiểu đường:
Sâm đất khô 25 gr hoặc tươi 75 gr sắc với 1 lít nước uống mỗi ngày. Uống liên tục một tháng sẽ ổn định đường huyết.
Chữa cao huyết áp:
Hoa sâm đất tươi hoặc khô 12 gr, sắc với lượng nước vừa phải, uống hàng ngày có tác dụng điều hòa huyết áp và hạn chế tình trạng huyết áp tăng đột ngột.
Chữa bệnh viêm khớp:
Người ta kết hợp với một vài vị thuốc trong đông y để ngâm rượu uống trị viêm khớp.
Chữa ngứa, ghẻ lở hoặc mụn nhọt:
Dùng lá và thân cây nấu nước cho chút muối để nguội, dùng nước đó tắm cho người bị ghẻ ngứa. Nếu bị mụn nhọt, giã lá tươi đắp lên chỗ bị nhọt để giảm sưng đau.
Chữa chứng bệnh chóng mặt, choáng váng, mệt mỏi:
Thân phơi khô 8 gr, rễ phơi khô 8 gr sắc với 250ml nước uống trong ngày. Uống liên tục 1 tuần, sẽ cho kết quả tốt.
Chữa sỏi thận, sỏi bàng quang, viêm thận, giải độc gan:
Dùng củ sâm đất khô tán thành bột, liều lương 10 gr pha trong 1 lít nước rồi uống hàng ngày. Với thân đã phơi khô, dùng 10 – 25 gr cho một lít nước đun sôi uống trong ngày. Nếu pha bột củ Sâm đất với rượu thì dùng 2 – 5 gr bột mỗi ngày. Dùng liên tục 1 tuần liền.
Giải nhiệt mùa nắng nóng:
Rế cây Sâm đất 6 gr, đổ 200ml nước sắc còn 50 ml, uống hàng ngày.
Dùng để bồi bổ cho cơ thể suy nhược, ra nhiều mồ hôi, đái dầm, phụ nữ khi sinh thiếu sữa: Dùng : 30 – 35g dạng thuốc sắc uống trong ngày. Làm liên tục 1 tuần hoặc 10 ngày.
Ho do viêm phổi, kinh nguyệt không đều:
Dùng mỗi lần 40 – 80 g củ, sắc uống trong ngày, làm nhiều ngày.
Tham khảo
Công dụng, chỉ định và phối hợp:
Ðược dùng chữa hen suyễn, đau dạ dày, phù thũng, Thiếu máu, vàng da, cổ trướng, phù toàn thân, tiểu ít, táo bón thường xuyên, các bệnh về gan và lá lách; còn dùng trị viêm nhiễm bên trong và trị nọc độc rắn. Lá được dùng trị sang độc.
Liều dùng 10-15g, dạng thuốc sắc hay thuốc hãm. Có thể tán bột uống. Có thể pha uống như trà (10g trong 1 lít nước sôi) nếu pha rượu thì chỉ dùng liều 2-5g bột rễ trong 1 ngày.
Sâm đất còn dùng để trị liệu một số bệnh như trong chứng viêm khớp, vì nó có khả năng giảm viêm sưng và giảm đau hiệu quả.
Với rễ củ đã phơi khô có thể nấu nước uống để giải khát, làm thuốc bổ hoặc dùng trong trường hợp nam giới
Ở Việt Nam, nhân dân dùng rễ sâm đất trị ho, bệnh gan hoặc phù thũng.
Ở Malaysia, nước sắc phần trên mặt đất của sâm đất được dùng để lợi tiểu. Rễ sâm đất có tác dụng tẩy, trị giun và hạ sốt.
Ở Ấn Độ, sâm đất là thuốc bổ dạ dày, trợ tim, bảo vệ gan, nhuận tràng, lợi tiểu, long đờm, trị đái són đau, phù, vàng da, cổ trướng, lách to, bệnh lậu và các viêm nội tạng khác. Với liều trung bình, sâm đất trị hen và với liều lớn có tác dụng gây nôn. Nước sắc rễ được dùng trị loét giác mạc và quáng gà. Mỗi ngày dùng 15g rễ sắc uống, hoặc 5g rễ ngâm rượu uống.
Ở Nigiêria, nước hãm toàn cây được dùng làm thuốc nhuận tràng nhẹ, thuốc hạ sốt: cho trẻ em, và trị co giật, ở Bờ Biển Ngà, bột lá sâm đất được chế thành bột nhão đắp vào ngực để trị hen ở trẻ nhỏ.
Ở Tây Phi, nước sắc rễ trị loét, áp xe và tẩy giun. Rễ và lá có tác dụng long đờm, và với liều lớn lại gây nôn. Cả cây trị ghẻ, áp xe và nhọt.
Ở Haiti và Uruguay, lá và rễ có tác dụng kích thích, bổ, làm ra mồ hôi, tẩy giun và chống co thắt.
Ở Papua Niu Guinea, nước sắc lá dùng uống gây vô sinh ở phụ nữ. Ở Nepal, dịch ép cây được dùng trị vết thương.
Ở Ấn Độ, nhân dân còn dùng bột rễ sâm đất trộn với bột hạt tiêu uống để trị bệnh dịch tả. Dùng bột nhão rễ sâm đất trộn với dầu thầu dầu bôi vào bên trong âm đạo làm dễ đẻ. Rễ sâm đất còn có trong thành phần bài thuốc cổ truyền Ân Độ để điều trị tiền sản giật.