Tên khác : Tên thường gọi: Tai đất, Dã cô, Lệ dương.
Tên khoa học: Aeginetia indica (L.) Roxb.
Họ khoa học: thuộc họ Hoa mõm sói – Scrophulariaceae.
Cây Tai đất
(Mô tả, hình ảnh cây Tai đất, thu hái, chế biến, thành phần hoá học, tác dụng dược lý ….)
Mô tả:
Cây thảo nhẵn cao 3-6cm, không phân nhánh, vẩy hẹp, nhọn, nằm ở gốc thân, thường mọc đối. Cán hoa mảnh, cao 15-35cm, chỉ mang một hoa ở ngọn; đài hoa dạng mo có màu tím nhạt hoặc có vằn đỏ; tràng hoa có ống màu tím với 5 răng, nhị 4, có 2 cái dài dính ở phía trên chỗ thắt của ống tràng; bầu trên, 1 ô. Quả nang 2 mảnh nằm trong đài tồn tại, hạt nhiều, màu trắng vàng.
Hoa tháng 8-9, quả tháng 10-11.
Bộ phận dùng:
Hoa hoặc toàn cây – Flos seu Herba Aeginetiae Indicae.
Nơi sống và thu hái:
Loài của Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam. Cây mọc trên các trảng cỏ, thường ký sinh trên cây họ Lúa, họ Gừng ở độ cao 700-1100m khắp nước ta. Thu hái hoa và cây vào mùa thu và lúc cây đang có hoa, phơi khô hoặc dùng tươi.
Vị thuốc Tai đất
(Công dụng, Tính vị, quy kinh, liều dùng ….)
Tính vị, tác dụng:
Vị đắng, tính mát, có ít độc; có tác dụng giải độc tiêu thũng, thanh nhiệt lương huyết, thư cân hoạt lạc, cường thân, giải nhiệt chỉ khái.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Người ta thường dùng cả cây nhai hoặc giã ra và hơ nóng dùng làm thuốc đắp chữa mụn nhọt, vết thương.
Ở Trung Quốc, dùng trị cảm mạo, sưng amygdal, viêm hầu họng, thần kinh suy nhược, viêm nhiễm đường tiết niệu, viêm xương tủy. Liều dùng 9-15g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài trị mụn nhọt và rắn độc cắn. Giã cây tươi và đắp.
Đơn thuốc:
1. Rắn độc cắn: Dùng hoa Tai đất khô 30g, Xạ hương 0,3g, Ngô công 7g, tán bột trộn dầu Vừng và đắp quanh vết thương.
2. Mụn nhọt: Dùng hoa Tai đất tươi giã ra với dầu Vừng và đắp.