Tên khác: Tên thường gọi: Thanh hao còn được gọi là Thảo cao, Hương cao, Thanh cao.
Tên khoa học: Artemisia annua L.
Họ khoa học: Họ Cúc (Asteraceae).
Cây Thanh hao
(Mô tả, hình ảnh Thanh hao, phân bố, thu hái, chế biến, thành phần hóa học, tác dụng dược lý…)
Mô tả
Thanh hao hoa vàng là loài cây sống lâu năm. Thường mọc hoang thành từng đám, ở vùng đồi núi ven suối, ven sông. Cây cao từ 1,5-2m. Lá xẻ lông chim 2 lần, thành phiến hẹp, phủ lông mềm. Có mùi thơm. Cụm hoa hình cầu hợp thành một chùy kép. Lá bắc tổng bao, hình trứng hoặc hình bầu dục. Hoa màu vàng nhạt, mỗi cụm hoa gồm 6 hoa, giữa là hoa lưỡng tính, xung quanh là hoa cái. Quả bế hình trứng, dài 1mm. Mặt vỏ có tuyến chứa tinh dầu.
Phân bố:
Là một loài ngải bản địa của vùng châu Á ôn đới nhưng nay hiện diện nhiều nơi trên thế giới, gồm cả các phần của Bắc Mỹ Tại Việt Nam, cây thanh hao hoa vàng mọc hoang và được trồng ở miền Bắc và ở Lâm Đồng.
Bộ phận dùng:
Lá.
Thành phần hoá học chính:
Trong cây Thanh hao có tinh dầu, chất đắng và một số ancaloit gọi là abrotanin tức là Thanh hao kiềm (C21H22N2O).
Tác dụng dược lý
Tác dụng chống sốt rét của Thanh hao tố rất rõ, giết nguyên trùng sốt rét trong hồng cầu, nhưng đối với thể ngoài hồng cầu thuốc không có tác dụng nên bệnh dễ tái phát. Có tác dụng hạ áp, hạ nhiệt và ức chế nấm ngoài da.
Chất tinh dầu có tác dụng làm giảm ho, hóa đờm, hạ cơn hen. Thuốc có tác dụng lợi mật trên chuột trắng thực nghiệm. Có tác dụng bảo hộ và điều tiết khả năng miễn dịch của cơ thể.
Cao nước Thanh hao bôi ngoài da chống được muỗi.
Vị thuốc Thanh hao
(Công dụng, liều dùng, quy kinh, tính vị…)
Tính vị:
Thanh hao có vị đắng cay, tính lạnh
Sách Bản kinh: Vị đắng hàn.
Sách Bản thảo cầu chân: Vị ngọt hơi cay, khí hàn không độc.
Quy kinh:
Vào 2 kinh Can và Đởm.
Sách Bản thảo tân biên: Nhập 4 kinh Vị Can Tâm Thận.
Tác dụng:
Có tác dụng lương huyết (mát máu), giải thử (giải nắng nóng), thanh “hư nhiệt” (sốt do âm hư) và tiệt ngược (trừ sốt rét). Dùng chữa những trường hợp “cốt chưng lao nhiệt” (nóng trong xương, sốt trong bệnh lao, do cơ thể suy nhược), đạo hãn (mồ hôi trộm), ngược tật (sốt rét), lở ngứa. Còn dùng chữa cảm nắng, giúp sự tiêu hóa, lợi gan mật. Dùng riêng hay phối hợp với một số vị thuốc khác. Ngày dùng từ 6-12g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc viên.
Công dụng:
Nhân dân thường dùng Thanh hao để trị sốt, vàng da, đổ máu cam, đi ngoài ra máu, mụn nhọt lở ngứa, ăn không ngon, tiêu hoá kém.
Người ta dùng lá của cây này làm nguyên liệu chiết xuất artemisinin làm thuốc chống sốt rét. Từ artemisinin bán tổng hợp ra artesunat, dạng viên nén và thuốc tiêm.
Cách dùng, liều lượng:
Ngày dùng 6-12g, dạng thuốc sắc, hoàn tán.
Chú ý:
Đông y dùng cành, lá, hoa phơi khô của cây Artemisia carvifolia Wall. = Artemisia apiacea Hance với tên gọi Thanh cao, Thanh hao.
Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc Thanh hao
Chữa sốt rét:
Dùng thanh hao tươi một nắm (khoảng 20g) giã vắt lấy nước, chia ra uống trong ngày hoặc trước khi lên cơn. Hoặc dùng thanh hao khô 12g, tán thành bột, chia ra 2-3 lần uống. Chú ý: Chất artemisinin (có tác dụng chữa sốt rét) bị phá hoại trong nước đun sôi, nên cần dùng dưới dạng nước cốt hoặc thuốc bột như trên.
Chữa sốt âm trong bệnh lao, mồ hôi trộm, tiêu hóa kém:
Dùng thanh hao 6-12g khô, sắc nước uống trong ngày.
Chữa trẻ nhỏ ỉa chảy, phát sốt:
Dùng thanh hao, cỏ phượng vĩ, rau sam – mỗi thứ 6-8g, sắc nước uống trong ngày.
Chảy máu cam:
Dùng thanh hao tươi, giã vắt lấy một chén con nước cốt, chia ra uống dần, bã nhét vào lỗ mũi đang chảy máu.
Răng sưng đau:
Dùng thanh hao 1 nắm, nấu lấy nước ngậm.
Trị sốt rét:
Các học giả Trung quốc đã nghiên cứu các chế phẩm của Thanh hao trị sốt rét đạt kết quả cao. Có báo cáo của Vương thị dùng chế phẩm Thanh hao uống trị 488 ca các loại sốt rét, kết quả khỏi lâm sàng 100% (Tạp chí Y học Quảng tây 1984,3:117).
Một báo cáo của một tác giả khác dùng Thanh hao tươi sắc uống, lượng thuốc phải từ 120g trở lên, sắc không quá 15 phút, hoặc thái nhỏ pha nước sôi hoặc ngâm nước sôi 60 độ 24 giờ uống, cho bệnh nhân uống trước lên cơn 3 giờ. Trị 125 ca có kết quả trên dưới 80% ( Tạp chí Thiểm tây Tân y dược 1975,3:19).
Có tác giả dùng thuốc tiêm Thanh hao tố tiêm bắp ngày 1 lần 0,3g, bệnh nặng lượng gấp đôi, liệu trình 3 ngày, tổng liều 0,9 – 1,2g ( Tổ nghiên cứu Thanh hao tố Trung quốc: Báo cáo về nghiên cứu Thanh hao tố, Dược học thông báo 1979,2:49).
Trị viêm phế quản mạn tính:
Dùng tinh dầu Thanh hao trị 1584 ca, nhận thấy thuốc có tác dụng long đờm, giảm ho, bình suyễn (Báo cáo của Ngô Thương Nghĩa và cộng sự, báo Trung thảo dược 1980,12:576).
Trương Côn Chiêu dùng nang dầu Thanh hao, mỗi nang có 20mg tinh dầu, mỗi lần uống 3 nang, ngày 3 lần, một liệu trình 10 ngày, dùng liên tục 3 liệu trình. Điều trị 330 ca viêm phế quản mạn tính thể hen, tỷ lệ có kết quả 91,97%, thuốc có tác dụng hạ cơn hen tốt (Giang tây Trung y dược 1983,2:59).
Trị luput ban đỏ:
Trang quốc Khang dùng Thanh hao tán bột chế mật làm hoàn mỗi ngày uống 36 – 54g, hoặc dùng Thanh hao tố mỗi ngày 0,3 – 0,6g, uống liền trong 2 – 3 tháng. Trị 21 ca, kết quả bệnh ổn định và cơ bản ổn định 12 ca, có kế quả 6 ca, không kết quả 3 ca (Tạp chí Tân y dược học 1979,6:39).
Tác dụng hạ sốt:
Chu Xương Hán chế dịch tiêm Thanh hao 200%, mỗi lần tiêm bắp 2 – 4ml, ngày 1 – 2 lần, dùng trị các chứng sốt cao 126 ca, kết quả tỷ lệ hạ sốt 68,25% (Tạp chí Trung y Hồ bắc 1983,2:17).
Diệp quyết Tuyền dùng bài thuốc sau trị bệnh Thương hàn, sốt do bệnh phổi, ra mồ hôi trộm: Thanh hao 20g, Mạch môn 15g, Đảng sâm 12g, Sinh địa 15g, Gạo sống 15g, nước 800ml, sắc còn 300ml chia 3 lần uống trong ngày.
Trị viêm niêm mạc mồm do nấm:
Trị 30 ca, trong đó 10 ca dùng viên mật Thanh hao, 20 ca dùng ether Thanh hao đều có kết quả nhất định (Báo cáo của Long Kinh Phàn – Tạp chí Trung y dược Thượng hải 1982,5:30).
Trị bí đái:
Dùng Thanh hao tươi 200 – 300g giã nát (chú ý đừng để mất nước) đắp lên rốn. Nhiếp chiêu Nghĩa theo dõi 45 ca đều có kết quả (Tạp chí Trung y 1982,4:64).
Trị ngứa ngoài da:
Nấu nước tắm xông rửa.
Trị ban chẩn, chảy máu cam:
Do thuốc có tác dụng thanh nhiệt lương huyết. Trị chảy máu cam dùng Thanh hao tươi vắt nước gia nước nguội uống. Trị ban chẩn ngoài da nên kết hợp với Miết giáp, Xuyên sơn gíap, Đương qui, Thăng ma, Sinh địa, Xích thược . có kết qua tốt.
Trị mệt nhọc kém ăn:
Lấy một phần lá, 3 phần nước đun và cô đặc, viên bằng hạt ngô, uống trước khi đi ngủ hoặc lúc đói uống 10 – 20 viên, có thể dùng rượu nóng chiêu uống.