Tên khác : Tên thường gọi: Vàng đắng, Loong t’rơn, Kơ trơng, Dây đằng giang, Hoàng đằng, Hoàng đằng lá trắng, Dây khai, Vàng đằng
Tên khoa học – Coscinium fenestratum (Gaertn.) Colebr.
Họ khoa học: thuộc họ Tiết dê – Menispermaceae.
Cây Vàng đắng
(Mô tả, hình ảnh cây Vàng đắng, thu hái, chế biến, thành phần hoá học, tác dụng dược lý ….)
Mô tả:
Dây leo to, thân rộng 5-7cm, có thể tới 15-20cm ở những gốc già; gỗ màu vàng. Vỏ thân nứt nẻ màu xám trắng; các nhánh, mặt dưới lá, cụm hoa và quả có lông màu trắng bạc. Lá mọc so le, phiến to đến 25cm, gân gốc 5; màu trắng mốc ở mặt dưới; cuống phình và cong ở gốc, hơi đính vào trong phiến lá. Hoa nhỏ mọc thành chụm tán trên thân già; hoa đực có 5 nhị, hoa cái có nhị lép; 3 lá noãn có lông. Quả hạch tròn, đường kính cỡ 2,5cm.
Mùa hoa tháng 12-3, quả tháng 5.
Bộ phận dùng:
Thân và rễ – Caulis et Radix Coscinii Fenestrati.
Nơi sống và thu hái:
Loài của miền Ấn Độ, Malaixia, phân bố ở Gia Lai, Kon Tum, Lâm Ðồng và các tỉnh phía Nam nước ta. Có thể thu hái thân, rễ quanh năm, thái nhỏ phơi hoặc sấy khô.
Thành phần hóa học:
Chủ yếu là berberin, saponin, thân chứa berberin có tỷ lệ tới 3,5%, ceryl alcohol, hentriacontane, sitosterol, acid palmitic và oleic, glucosid sitosterol, saponin và vài chất nhựa. Ở nước ta trong thân và rễ cây có alcaloid berberin với tỷ lệ 1,5-3%.
Vị thuốc Vàng đắng
(Công dụng, Tính vị, quy kinh, liều dùng ….)
Tính vị, tác dụng:
Rễ và thân đều có vị đắng, tính mát, có tác dụng kháng sinh, tiêu viêm và bổ đắng.
Công dụng, chỉ định và phối hợp:
Là nguồn nguyên liệu chiết xuất berberin. Thường dùng chữa ỉa chảy, lỵ trực khuẩn, viêm ruột, vàng da, sốt, sốt rét, kém tiêu hóa. Ngày dùng 10-16g dạng thuốc sắc, thuốc bột hay viên. Hoặc dùng berberin chlorid dạng viên nén 0,05g, ngày 6-10 viên, chia hai lần.
Dung dịch 0,5-1% berberin chlorid dùng chữa đau mắt.
Ở Ấn Độ, người ta dùng rễ trị lỵ và dùng ngoài rửa mụn nhọt và vết thương. Nước sắc vỏ dùng chữa sốt gián cách, nước sắc thân dùng trị rắn cắn.