Tên khác : Tên thường gọi: rau đắng đất còn gọi là biển súc, cây càng tôm, cây xương cá.
Tên Hán Việt: Biển trúc (Danh Y Biệt Lục), Biển biện, Biển nam (Ngô Phổ Bản Thảo), Phấn tiết thảo, Đạo sinh thảo (Bản Thảo Cương Mục), Biển trúc, Vương sô, Bách tiết thảo, Trư nha thảo, Thiết miên thảo (Hòa Hán Dược Khảo), Tàn trúc thảo (Dược Vật Sinh Sản Biện).
Tên khoa học Polygonum aviculare L.
Họ khoa học: Thuộc họ Rau răm Polygonaceae
Cây rau đắng
(Mô tả, hình ảnh cây rau đắng, phân bố, thu hái, chế biến, thành phần hóa học, tác dụng dược lý…)
Mô tả:
Cây rau đắng là một cây thuốc nam quý, cây nhỏ mọc bò, thân và cành mọc toả tròn gần sát mặt đất màu đổ tím đôi khi mọc cao từ 10 – 30cm, giống như rau muống biển. Lá nhỏ hẹp,mọc so le có bẹ chia. Phiến lá dài 1,5 – 2cm rộng 4 cm. Hoa nhỏ màu hồng tím mọc tụ từ 1 – 5, thường từ 3 – 4 hoa mọc kề cạnh lá. Quả có 3 cạnh chứa một hạt đậu đen. Mùa hoa từ tháng 5 – 6 và cả mùa hè. Cũng có nơi gieo hạt trồng làm thuốc và rau ăn, trong bữa ăn hàng ngày nhân dân miền đất Quảng Nam – Đà Nẵng nhất là phố cổ Hội An thường có rau đắng coi như món ăn đặc sản trong đỉa rau sống có nhiều gia vị khác ở vùng rau sạch ở miền làng rau Trà Quế – Hội An, hoặc rau đắng luộc trộn với muối mè ăn rất ngon, người ta còn dùng rau đắng trong ăn lẩu.
Trong họ rau đắng, ăn ngon nhất là rau đắng đất. Rau đắng đất là loại cây thân thảo, nhỏ bằng que tăm, mọc bò dưới đất trong vườn nhà hay bờ ruộng. Lá rau đắng đất giống những chiếc lông chim màu xanh lục, bé bằng móng tay út, mọc từng đôi quanh thân cây.
Rau đắng đất dùng để nấu canh hoặc ăn sống. Rau đắng đất mới ăn thì đắng, ăn quen sẽ thấy ngon ngọt không thể nào quên. Rau đem về nhặt lấy phần ngọn non mướt, rửa sạch để vào rổ cho ráo nước.
Rau đắng mọc hoang ở những vùng đất có độ ẩm ướt vừa, hoặc đất pha cát ướt như ven dọc bờ biển miền Trung, nhất là các tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng.
Phân bố và thu hái:
Cây rau đắng mọc nhiều ở nhiều tỉnh như Cao bằng, Lạng sơn, Hà bắc, Hà nội, trồng bằng hạt và cây con, thu hái vào mùa xuân và hạ.
Phần dùng làm thuốc:
Toàn bộ cây được hái về, sau đó phơi khô
Bảo quản:
Nơi khô ráo, tránh ẩm mốc
Thành phần hóa học của rau đắng
Trong rau đắng có 0,35% chất tanin, 900mg Vitamin C ở rau đắng khô, 39% carôten; Flavonozit avicularin; khi (thuỷ phân avicularin sẽ cho quercetin và L. arabinozo) Anthraglycozit. Ngoài ra còn có đường tinh dầu, nhựa, sáp. Độ tro 2,44%.
Tác dụng dược lý của rau đắng
Những người có cơ địa béo bệu, có bệnh lý xơ vữa động mạch (tăng cholesterol, Triglycerid máu), huyết áp cao, có đái khó, đái buốt, tăng cường hô hấp việc phải ăn rau đắng thường xuyên là rất tốt.
Chế phẩm rau đắng mang tên Avicularen, dịch chiết suất từ rau đắng với cồn 70o và bả của rau đắng sau khi chiết, là thuốc rất quý dùng cho phụ nữ sau khi sinh đẻ đạt kết quả tốt đến 60%.
Vị thuốc rau đắng
(Công dụng, liều dùng, quy kinh, tính vị..)
Tính vị
Vị đắng, tính bình, không độc
Sách Bản kinh: vị khổ bình.
Quy kinh:
Vào kinh bàng quang
Sách Bản thảo hội ngôn: nhập túc thái dương bàng quang kinh.
Tác dụng lợi tiểu, sát trùng, dùng trong những trường hợp thấp nhiệt, lâm bệnh, ác thương
Trong nhân dân: Rau đắng được dùng làm thuốc lợi tiểu, chữa tiểu buốt, sỏi thận, giải độc, chữa rắn cắn, mụn nhọt, vàng da.
Rau đắng làm mát gan do kích thích tiết mật, thông tiểu, nhuận tràng; dùng trong trường hợp nóng nảy trong người làm lở miệng, viêm nha chu, chảy máu răng; dùng lá rau đắng xông hơi trị ho cảm và Viêm phổi; nước rau đắng uống nhiều lần trong ngày trị ngừa sạn thận và sỏi mật…
Liều dùng:
Ngày dùng 6-12 g (khô) dưới dạng thuốc sắc. Có thể dùng tươi, sao khô rồi sắc uống. Dùng ngoài giã nát đắp không kể liều
Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc biển súc (rau đắng)
Chữa tiểu tiện khó khăn, tiểu buốt, tiểu ra sỏi cạn.
Ngày uống 12 g rau đắng phơi hay sấy khô dưới dạng thuốc sắc.
Chữa viêm bàng quang, viêm đường tiểu tiện, tiểu buốt.
Rau đắng khô 12 g, hoạt thạch 10 g, mộc thông 5 g, xa tiền thảo (cây mã đề) 8 g, nước ba bát, sắc còn một bát. Chia 3 lần uống trong ngày.
Trị viêm đường niệu: Tiểu buốt, tiểu khó thể thấp nhiệt dùng bài
Độc vị Rau đắng 20g sắc uống hoặc cùng dùng với Xa tiền thảo, Thạch vỹ đều 12g, Cam thảo 6g sắc uống. Trường hợp tiểu có máu, phối hợp với Tiểu kế, Bồ hoàng, Bạch mao căn, có sạn gia thêm Kim tiền thảo.
Trị viêm ruột, kiết lỵ:
Biển súc 16g, Xa tiền tử 12g, Tiên hạc thảo 16g, sắc nước uống trị tiêu chảy do thấp nhiệt.
Biển súc chế thành xirô hàm lượng 1ml có 1gam thuốc, mỗi lần uống 50ml, ngày uống 2 – 3 lần. Tác giả theo dõi 108 bệnh nhân, khỏi 104 ca, thời gian hết sốt bình quân 1 ngày, hết đau bụng 4 ngày, phân bình thường sau 5 ngày. Sau khi xuất viện 36 ca bệnh nhân được theo dõi 1 – 12 tháng, có 2 ca tái phát tiếp tục trị khỏi. Thời gian uống thuốc không có phản ứng phụ nào (Báo cáo của Bệnh viện số 1, trực thuộc Viện Y học Hồ bắc, tờ Thông tin Trung thảo dược 1972,3:24).
Trị trùng roi âm đạo, ngứa ngoài da, giun đũa, giun móc câu:
Biển súc tươi 250g cho vào 1500ml nước sắc rửa ngứa ngoài da, âm đạo trùng roi.
Biển súc 40g sắc đặc ngày 1 thang uống trong 3 ngày liền, trị giun móc.
Biển súc 40g, giấm lâu năm 120g, gia nước 3 chén còn 1 chén chia 2 lần uống, trị giun chui ống mật.
Trị đau răng:
Mỗi ngày dùng Biển súc 50 – 100g sắc nước chia 2 lần uống trị 81 ca, khỏi 80 ca sau khi uống thuốc 2 – 3 ngày (Báo Trung y Thiểm tây 1986,1:28).
Ngoài ra có tác giả báo cáo dùng Biển súc 40 – 80g tươi, gia trứng gà mấy cái, gừng tươi vừa đủ sắc uống trong ngày 1 lần trong 20 ngày.
Trị tiểu đục, tiểu ra dưỡng trấp:
Biển súc cả rễ, hợp với Sinh khương, Trứng gà, nấu ăn (Thực Dụng Trung Y Học).
Trị giun chui ống mật:
Biển súc 30g, giấm lâu năm 90g, trộn 3 chén nước, sắc còn 1 chén, chia làm 2 lần uống
Tham khảo:
Nước cốt của Biển súc trị được giun ở trẻ nhỏ rất hay (Dược Tính Bản Thảo).
Biển súc có thể trị được hoắc loạn, vàng da, thông lợi tiểu tiện, tiểu do giun sán (Bản Thảo Cương Mục).
Biển súc vị đắng, khí bình, công hiệu chuyên lợi tiểu, thanh nhiệt trừ thấp và sát được trùng nên chữa được chứng sài của trẻ con, ngứa trong âm hộ, trĩ, các loại trùng. Biển súc là thứ đặc hiệu, vì vị đắng nên chứng nóng phải lui, vì đắng nên giun sán phải nằm im, nhưng đây chỉ nói về chữa ngọn nhưng không thể là thuốc chữa thường xuyên được (Bản Thảo Cầu Chân).
Biển súc vị cay nên nó ráo được thấp ở Vị, vị đắng nên sát được trùng. Sách ‘Bản Kinh’ và Biệt Lục đều cho nó là thuốc chuyên trừ thấp nhiệt, những chứng lở loét ở hạ bộ, các loại trùng đều do thấp nhiệt mà ra cả, về sau người ta dùng nó cho vào thuốc tiêu hóa, tiết phát thấp khí rồi mới nhờ nó mà chữa được những chứng tiểu són, tiểu gắt (Trương Sơn Lôi).
Dùng Biển súc để trị hoàng đản, hoắc loạn là dựa vào nó có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp. Tuy nhiên khi có thấp nhiệt thì nên dùng, còn những bệnh do khí hư thì không nên dùng. Thực ra vì nó chỉ chuyên đặc hiệu với những thực bệnh, với những người khoẻ mạnh. Những bệnh thấp nhiệt sinh ra lở loét, ngứa, đau rát, nóng hay tiểu rát không thông dĩ nhiên phải dùng đến nó (Thực Dụng Trung Y Học).
Biển súc có thể thanh nhiệt, hoá thấp, trị tiểu ngắn, nước tiểu đỏ, tiểu không thông, thấp nhiệt ngăn trở đường tiểu (Thực Dụng Trung Y Học).
Phân biệt:
Có nơi dùng cây Thài lái tía (Zebrina pendula Schnizl) thuộc họ Commelinaceae để thay thế cho vị Biển súc. Cây Thài lài tía là cây thảo mọc bò, lá đơn to, đầu nhọn, có bẹ, mọc so le mặt trên màu lục nhạt có vân dọc trắng, mặt dưới màu tía. Hoa to màu hồng tụ họp 1-2 chiếc ở ngọn cành. Quả nang. Thài lài tía được dùng toàn cây khô và rễ, thân được chặt thành từng đoạn cành mang lá nhăn nheo hình trái xoan, đầu hình mũi mác, đáy thuôn hẹp thành bẹ, có lông, ôm lấy thân. Phiến lá mỏng mặt trên màu nâu có lông thưa, mặt dưới màu nâu tiá, nhẵn, gân lá song song, không mùi, vị hơi chát. Khác với Biển súc là thân hình trụ tròn hơi dẹt, phân nhánh nhiều mặt ngoài màu nâu đỏ hoặc xanh lục xám, có khía dọc, mấu hơi to, có bẹ chìa mỏng màu nâu nhạt bao xung quanh. Thân cứng dễ bẻ gãy, bẻ ra có tủy trắng. Lá mọc so le có cuống ngắn, phiến lá thường nhăn nheo rách nát. Lá nguyên hình mũi mác, mép nguyên, không có lông, hai mặt lá màu xanh lục nâu hoặc xanh lục xám. Không có mùi vị, vị hơi đắng.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.