Kiều mạch là loại ngũ cốc có giá trị dinh dưỡng cao hơn gạo và yến mạch. Ngoài ra, loại hạt này còn được Đông Y sử dụng để chữa bệnh khí hư, bạch đới, suy nhược cơ thể, ra mồ hôi nhiều, ban xuất huyết,…
- Tên gọi khác: Tam giác mạch, Lúc mạch đen, Mạch ba góc, Lộc đề thảo, Ô mạch.
- Tên khoa học: Fagopyrum esculentum moench
- Tên dược: Semen Fagopyri Esculenti
- Họ: Rau răm (danh pháp khoa học: Polygonaceae)
Kiều mạch là gì?
Kiều mạch là loại cây lương thực được thuần hóa và trồng đầu tiên ở Đông Nam Á vào khoảng năm 6000 trước Công nguyên. Đây là loài thực vật thân thảo sống hằng năm, thuộc họ Rau răm – Polygonaceae.
Hiện nay kiều mạch đã được di thực và được trồng ở nhiều nơi trên thế giới. Hạt kiều mạch chứa nhiều tinh bột và có giá trị dinh dưỡng cao nên được sử dụng để chế biến thành nhiều món ăn.
Mô tả dược liệu kiều mạch
1. Đặc điểm của cây tam giác mạch
Kiều mạch là cây thân thảo sống hằng năm, chiều cao trung bình từ 0.4 – 1.7m. Thân cây có màu xanh hoặc đỏ, hình trụ và có phân nhánh nhưng không nhiều. Lá mọc cách, có phiến hình mũi giáo hoặc hình tim, mép nguyên.
Hoa tự chùm, thường mọc ở nách lá hoặc đầu cành. Hoa dạng đơn tính, thường có màu đỏ phớt hồng hoặc màu trắng. Quả dạng quả bế, màu xám hoặc nâu, có 3 cạnh (nên được gọi là tam giác mạch) và có 2 lớp vỏ. Kiều mạch ra hoa vào tháng 6 – 10 và kết quả từ tháng 6 – 11 hằng năm.
Mạch ba góc phát triển mạnh khi được trồng ở những vùng núi cao có khí hậu ẩm và mát (khoảng 15 – 22 độ C).
2. Bộ phận dùng
Hạt của cây.
3. Phân bố
Cây tam giác mạch được trồng nhiều ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Ở nước ta, cây phân bố chủ yếu ở các tỉnh Đông Bắc và Tây Bắc như Hà Giang, Lào Cai, Lạng Sơn,…
4. Thu hoạch – sơ chế
Cây được thu hoạch vào 2 vụ, tháng 4 – 5 hoặc tháng 11 – 12 tùy vào thời điểm trồng. Sau khi thu hoạch về, đem đập lấy hạt rồi phơi khô.
Hạt kiều mạch được dùng làm thức ăn cho người và gia súc. Tuy nhiên loại hạt này có thể gây mệt khi ăn nên thường được trộn cùng với gạo và bắp.
5. Bảo quản
Bảo quản ở nơi khô ráo và thoáng mát.
6. Giá trị dinh dưỡng
Tam giác mạch có hàm lượng dinh dưỡng cao. Hạt chứa nhiều tinh bột, protein, các axit amin cần thiết (threonine, lysine, tryptophan), chất khoáng (selen, kẽm, sắt), chất chống oxy hóa (tananh, rutin), hợp chất thơm (2-methoxy-4-vinylphenol, 2,5-dimethyl-4-hydroxy-3(2H)-furanon, hexanal, decanal,…).
Ngoài ra thân, cành và lá của cây cũng có chứa nhiều thành phần chống oxy hóa như tannin, rutin và fagopyrin.
Vị thuốc kiều mạch
1. Tính vị
Vị chát, hơi the, tính bình, hạt hơi có độc.
2. Quy kinh
Quy vào kinh Vị, Tỳ và Đại tràng.
3. Kiều mạch có tác dụng gì?
– Tác dụng của kiều mạch theo Đông Y:
- Tác dụng: Tiêu thũng, giải độc, thanh nhiệt, lợi thấp.
- Chủ trị: Giúp sáng mắt, thính tai, tan sưng, giảm mỡ gan, giảm mỡ máu, viêm ruột cấp, tràng nhạc, mụn nhọt, bỏng, lở loét ngoài da, tràng vị tích trệ, làm chậm quá trình xơ vữa động mạch, cao huyết áp, tim mạch,…
- Ngoài ra, bột kiều mạch còn được nhân dân sử dụng để nấu cháo và làm bánh. Lá và quả được dùng làm thức ăn chăn nuôi gia súc.
– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Tác dụng giảm cholesterol và hạ áp: Thực nghiệm lâm sàng cho thấy, hạt kiều mạch có thể làm giảm nồng độ cholesterol LDL và ngăn ngừa các bệnh tim mạch. Ngoài ra, hoạt chất chống oxy hóa trong kiều mạch (Rutin) có tác dụng hạ cholesterol, thúc đẩy tuần hoàn và cải thiện sức khỏe tim mạch.
- Tác dụng chống oxy hóa: Các polyphenol trong kiều mạch có tác dụng chống oxy hóa, ngăn ngừa bệnh tim, thoái hóa tế bào thần kinh và bảo vệ gan. Ngoài ra, các chất chống oxy hóa này còn có tác dụng bảo vệ DNA, giúp ngăn ngừa các tế bào ung thư.
- Tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường: Lượng đường trong hạt kiều mạch thấp hơn so với các loại ngũ cốc khác. Do đó bệnh nhân tiểu đường có thể bổ sung loại hạt này vào chế độ ăn nhằm kiểm soát đường huyết.
- Cải thiện chức năng tiêu hóa: Với hàm lượng chất xơ cao, hạt kiều mạch có thể cải thiện chức năng tiêu hóa, ngăn ngừa viêm nhiễm và các triệu chứng rối loạn ở đường ruột.
4. Cách dùng – liều lượng
Kiều mạch được dùng để sắc uống hoặc chế biến món ăn. Ngoài ra dược liệu còn được dùng ngoài để trị các bệnh da liễu.
Một số bài thuốc – Món ăn chữa bệnh từ hạt kiều mạch
1. Bài thuốc chữa cơ thể suy nhược và hay ra mồ hôi trộm
- Chuẩn bị: Bột kiều mạch 500g và 1 ít đường đỏ.
- Thực hiện: Trộn đều nguyên liệu, sau đó thêm 1 ít nước và nhào thành bánh. Đem nướng chín và dùng ăn liên tục trong vài ngày.
2. Bài thuốc trị phụ nữ ra khí hư, nhiễm trùng, mụn nhọt, tiêu chảy, đau bụng và ra nhiều mồ hôi do ruột và dạ dày có nhiệt
- Chuẩn bị: Kiều mạch lượng vừa đủ.
- Thực hiện: Sao vàng, xay thành bột mịn và bảo quản trong lọ kín. Mỗi lần dùng 10 – 15g chiêu với nước ấm, ngày dùng 2 lần.
3. Bài thuốc trị ban xuất huyết, xuất huyết đáy mắt và huyết áp cao
- Chuẩn bị: Ngó sen 4 cái và lá kiều mạch tươi 100g.
- Thực hiện: Sắc uống trong ngày.
4. Mực nhồi kiều mạch giúp thanh nhiệt, giải độc và bồi bổ sức khỏe
- Chuẩn bị: Hạt kiều mạch 50g, mực ống 200g, hành tây 50g và nấm rơm 50g, gia vị (đường, muối, tiêu,..).
- Thực hiện: Đem mực sơ chế rồi ướp với gia vị. Rửa sạch hành tay và nấm rơm, sau đó cắt hạt lựu. Đem hạt kiều mạch hấp chín, trộn với hành tây và nấm, thêm gia vị vào. Sau đó cho hỗn hợp vào mực rồi đem hấp trong khoảng 5 phút.
5. Bài thuốc chữa khí hư ở phụ nữ
- Bài thuốc 1: Trộn bột kiều mạch với lòng trắng trứng gà rồi hấp chín và ăn khi nóng.
- Bài thuốc 2: Đem kiều mạch sao vàng, tán bột. Mỗi lần dùng 8 – 12g uống, ngày dùng 3 lần.
6. Dùng bột kiều mạch thay sữa rửa mặt
- Chuẩn bị: Một ít bột kiều mạch.
- Thực hiện: Trộn với 1 ít nước tạo thành hỗn hợp sền sệt như cháo. Sau đó làm ướt mặt và dùng hỗn hợp này massage trong vòng 30 giây rồi rửa lại với nước sạch.
Những điều cần lưu ý khi dùng hạt kiều mạch
- Hạt kiều mạch có tính lương nên tránh dùng cho người có tỳ vị hư hàn.
- Thận trọng khi dùng cho người có thể trạng yếu, mắc bệnh ung thư và người có cơ địa dễ dị ứng.
- Hạt kiều mạch nghiền nát có thể gây phát bệnh kinh niên hoặc động đến hàn khí.
- Trong thời gian dùng kiều mạch, nên kiêng cử phèn chua và thịt heo.
- Một số nghiên cứu cho thấy, hạt kiều mạch có chứa sắc tố huỳnh quang màu đỏ. Khi ăn vào có dấu hiệu đau cổ họng, dị ứng ánh sáng, rát mũi, viêm niêm mạc mắt và viêm phế quản.
Kiều mạch chứa hàm lượng dinh dưỡng và chất chống oxy hóa cao vượt trội so với yến mạch và gạo. Tuy nhiên loại ngũ cốc này chứa độc tính nhẹ và có thể gây dị ứng khi sử dụng. Vì vậy bạn nên trộn đều kiều mạch với các loại ngũ cốc khác (hạt ngô, gạo) khi dùng để giảm thiểu rủi ro và tác dụng phụ.