Xuyên tâm liên là vị thuốc Đông Y lâu đời có nguồn gốc từ Ấn Độ. Dược liệu này chủ trị các bệnh lý thường gặp như viêm đường hô hấp, viêm da cơ địa, cảm lạnh, bí tiểu,… Đây là cây thuốc được sử dụng rất phổ biến trong dân gian.
Xuyên tâm liên là gì?
Xuyên tâm liên là loại thảo dược có nguồn gốc từ vùng Ấn Độ – Sri Lanka. Được di thực vào nước ta từ rất lâu. Ngày xưa, người dân thường dùng cây này đễ chữa các bệnh viêm nhiễm về đường hô hấp như: ho, viêm amidan, viêm phế quản,…
Tên gọi khác: Cây lá đắng, công cộng, khô đảm thảo, nhất kiến kỷ, lam khái liên, hùng húc, nhất kiến kỷ,…
Tên khoa học: Andrographis paniculata.
Họ: Thuộc họ ô rô (Acanthaceae).
Ngày nay, vị thuốc xuyên tâm liên được trồng ở nhiều nơi trên thế giới. Trong đó có Trung Quốc, Đông Nam Á, Trung Mỹ, Châu Phi, Úc,…
Tại Việt Nam, cây mọc chủ yếu tại các tỉnh phía nam như Trà Vinh, Đồng Tháp, Long An, các vùng ven TP HCM. Trong thời kỳ chiến tranh, chúng còn được sử dụng như một vị thuốc kháng sinh rất tốt cho bộ đội.
Mô tả hình ảnh cây xuyên tâm liên
Hình ảnh cây xuyên tâm liên có thể bắt gặp bất kỳ đâu tại nước ta. Chúng thuộc loại cây thân thảo, cao chưa đến 1.5 m. Thân cây chia đốt, các lá mọc đối. Phiến lá hình mác, mặt lá nhẵn, nguyên, lá dài từ 5 – 13 cm.
Hoa xuyên tâm liên mọc thành chùm ở nách lá hoặc đầu cành, hoa có màu trắng đốm hồng. Quả dài khoảng 16 mm, rộng khoảng 3 – 5 mm. Hạt có hình trụ và thuôn dài.
Cây này dễ thấy nhất ở các vùng nông thôn. Thường mọc chen chúc trong những khu cỏ rậm rạp. Sau đây là một số hình ảnh cây thuốc này trong tự nhiên để bạn đọc dễ nhận biết:
Cách thu hái và chế biến xuyên tâm liên dược liệu
Bộ phận dùng làm thuốc: Cả cây, bao gồm rễ, thân và lá.
Thu hái: Cây thu hái quanh năm, tốt nhất vào mùa nắng thu hoạch thân và lá, mùa đông thu hoạch rễ.
Chế biến: Sau khi thua hái, giũ sạch đất cát, đem về rửa sạch, cắt khúc hoặc để cả cây phơi khô.
Bảo quản: Dược liệu khô cho vào bịch nilong, đóng gói và bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát. Thỉnh thoảng đem ra hong nắng để tránh ẩm mốc, mối mọt.
Thành phần hóa học: Nhiều hợp chất hóa học được tìm thấy trong lá, thân và rễ như: glucozit đắng, tanin, neoandrographiolide và androgaphiolide.
Cách dùng: Có thể dùng dược liệu làm trà pha nước uống hằng ngày. Hoặc sắc thuốc chung với nhiều vị thuốc khác để tăng hiệu quả chữa bệnh. Ngoài ra, nó còn được nghiền thành bột, làm thuốc viên trong Tây y.
Cây xuyên tâm liên có tác dụng gì?
Tác dụng của xuyên tâm liên được nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh như sau:
- Cây xuyên tâm liên có tác dụng giúp kích thích hệ miễn dịch bằng 2 con đường đáp ứng đặc hiệu và kháng nguyên tạo nên kháng thể tiêu diệt vi khuẩn và đáp ứng miễn dịch không đặc hiệu khi nghiên cứu trên chuột nhắt.
- Mát gan, giải độc gan. Hỗ trợ điều trị ung thư.
- Công dụng của xuyên tâm liên giúp hạ sốt. Khả năng hạ sốt của nó tương đương với tác dụng của Aspirin ở liều 300mg/kg, có khả năng ngăn ngừa cảm lạnh.
- Có tác dụng trên thử nghiệm lâm sàng mù đôi ở người tình nguyện.
- Dịch chiết xuyên tâm liên có khả năng ảnh hưởng đến khả năng tồn tại của H.I.V.
- Tác dụng bảo vệ gan, chống lại các tác nhân gây độc cho gan.
- Tác dụng ngăn cản sự sinh trưởng của kí sinh trùng sốt rét và có tác dụng phòng tốt hơn tác dụng điều trị.
- Các thử nghiệm dược lý trên mô hình thử nghiệm: diệt đơn bào, chống độc gan, kích thích miễn dịch, hạ đường máu và chống cao huyết áp.
- Trên lâm sàng cho thấy tác dụng chống viêm kháng khuẩn trong các trường hợp viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản, mụn nhọt, nhiễm khuẩn đường ruột,
- Tác dụng làm thuốc bổ giúp tiêu hoá tốt.
Xuyên tâm liên trị bệnh gì?
Từ xưa đến nay, ông bà ta đã biết ứng dụng nhiều giá trị quý báu của dược liệu xuyên tâm liên. Cụ thể để chữa trị các bệnh lý thường gặp như: chữa viêm họng, viêm phế quản, đường tiết niệu, dạ dày,…
Ngoài ra, trong quyển “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, giáo sư dược học Đỗ Tất Lợi có đề cập đến công dụng chữa rắn cắn và đau nhức xương khớp của vị thuốc này.
Xuyên tâm liên trị bệnh viêm phổi, viêm phế quản
Để điều trị viêm phổi, viêm phế quản, người bệnh làm như sau:
Lấy 20g lá xuyên tâm liên, 20g củ bách bộ (củ ba mươi), 15g kim ngân hoa, 15g mạch môn. Sắc các vị thuốc trên với 1.5 lít nước. Uống hết trong ngày, mỗi ngày 1 thang như vậy. Kiên trì sử dụng từ 10-15 ngày sẽ thấy hiệu quả.
Cây xuyên tâm liên trị bệnh viêm họng, viêm amidan
Người bị viêm họng, viêm amidan dùng 15g mỗi vị xuyên tâm liên khô, kim ngân hoa, huyền sâm sắc uống trong ngày. Có thể cho thêm mật ong để tăng hiệu quả trị viêm họng. Sắc ngày nào uống hết ngày đó. Sử dụng liên tục từ 5-7 ngày sẽ thấy hết sưng đau trong cổ họng.
Xuyên tâm liên trị mụn, viêm da
Người bị viêm da cơ địa có thể tắm bằng lá xuyên tâm liên. Dùng lá khô hay tươi nấu nước tắm đều được. Nếu bị mụn thì lấy lá tươi rửa thật sạch, giã nhuyễn, đắp lên chỗ mụn sẽ có hiệu quả.
Lá thuốc có tác dụng diệt khuẩn, viêm nhiễm ngoài da rất tốt. Khi xưa bộ đội ta cũng dùng lá này để đắp lên vết thương để chống nhiễm khuẩn.
Xuyên tâm liên chữa bệnh sốt, ho, cảm lạnh
Tác dụng trị liệu tốt đối với các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp và mãn tính do vi khuẩn, virus gây ra. Nhóm nghiên cứu tại Thụy Điển đã tiêm dịch chiết xuất vị thuốc này cho bệnh nhân bị cảm cúm. Kết quả thấy hạ sốt nhanh, góp phần rút gắn thời gian điều trị cảm cúm, sốt, ho,…
Nếu bị sốt, cảm lạnh do virus gây nên, người bệnh lấy 30g xiên tâm liên khô, 20g mỗi vị cam thảo, địa cốt bì, tang bạch bì sắc uống. Chia uống mỗi ngày 2 lần. Uống liên tục trong 2-3 ngày sẽ hết cảm sốt.
Xuyên tâm liên điều trị viêm gan B
Để trị viêm gan B, lấy 25g mỗi vị xuyên tâm liên, cà gai leo, cây xạ đen. Sắc uống với 1 lít nước. Dùng liên tục trong 3 tháng bệnh sẽ có chuyển biến tích cực.
Đối với viêm gan B phải kiên trì uống đến khi hết bệnh thì thôi chứ không thể hết ngay được. Dù sử dụng bất kỳ vị thuốc nào cũng mất ít nhất 3 tháng chức năng gan mới được phục hồi.
Xuyên tâm liên trị rắn độc cắn
Nếu bị rắn cắn bạn hái 1 nắm lá tươi giã nát rồi đắp lên miệng vết thương. Mặt khác, lấy 20g cây khô sắc nước uống. Cách này được dân gian sử dụng rất rộng rãi, nhất là các vùng quê, nơi có nhiều loại rắn độc trú ngụ nhưng cũng dễ dàng hái lá thuốc này để chữa trị kịp thời.
Lưu ý và kiêng kỵ khi sử dụng vị thuốc xuyên tâm liên
Dưới đây là một số lưu ý và kiêng kỵ khi dùng dược liệu này:
- Phụ nữ mang thai và trẻ em không nên sử dụng vị thuốc này.
- Người có tỳ vị hư hàn nên hạn chế dùng những bài thuốc có mặt dược liệu này.
- Người đang dùng thuốc kháng tiểu cầu, thuốc chống đông máu, ức chế miễn dịch nên cẩn trọng khi sử dụng.
- Người mới lần đầu sử dụng nên tham khảo tư vấn của thầy thuốc hoặc bác sĩ y học cổ truyền.
- Không tự ý kết hợp với các vị thuốc ngoài chỉ định.
- Lưu ý không lạm dụng thuốc, dùng quá liều cho phép.
- Chống chỉ định với người dị ứng các thành phần hóa học của dược liệu.